Điểm tâm người Hoa tại Sài Gòn
Ẩm thực - Ngày đăng : 07:23, 21/03/2024
Ngay tại phường Đa Kao, Quận 1 có Huê Hưng Trà Gia, nép mình trong khoảng sân vườn của căn villa mang tên “Vân - Xuân”, nằm ở 26 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mới chừng 6 giờ rưỡi sáng, thực khách đã đứng đông trước cửa. Một mặt, họ đợi nhân viên của quán xếp bàn, sắp chỗ. Mặt khác, quan trọng hơn, họ đứng quây quanh xửng hấp lớn ba tầng.
Xửng hấp đặc trưng ở Huê Hưng Trà Gia
Nhân viên vừa mở nắp, trong làn khói nghi ngút tỏa lan, bạn sẽ thấy những món dimsum hấp dẫn xếp đầy ắp trong xửng, nào là há cảo, xíu mại, bánh xếp, bánh bao, bánh hẹ, bánh củ cải... với màu sắc trăng trắng, vàng vàng, cam cam, đo đỏ đẹp mắt. Thực khách tíu tít, mau mắn chọn ngay món mình “ưng bụng”, order tại chỗ. Chỉ có thế, bạn mới gọi được món, rồi sau đó thủng thẳng ngồi vào bàn và những phần dimsum nóng hổi “vừa thổi vừa ăn” sẽ được nhân viên mang đến tận nơi.
Các món dim sum ở Huê Hưng Trà Gia
Đó là khung cảnh đặc trưng mỗi ngày ở Huê Hưng Trà Gia. Nếu đến quán, không thấy xửng hấp ba tầng hiện diện ngay ngắn trước cửa, thực khách lập tức hiểu đó như lời “thông báo” ngầm: hôm nay đã hết dimsum. Song, bạn cũng đừng vội... buồn. Hãy thưởng thức các món hủ tiếu, mì kết hợp hoành thánh, xá xíu, gà, tôm, cật, cá… ở đây. Cọng mì Tàu của quán khiến tôi nhung nhớ vì độ dai, mượt khá chuẩn, ăn không ngán. Hoặc, bò kho cũng là món đáng thử. Phần ăn khá đầy đặn với những miếng thịt bò hầm mềm, có nạc có mỡ, thỉnh thoảng lẫn ít gân trong nhừa nhựa, deo dẻo thơm ngon.
Bò kho
Một địa chỉ điểm tâm chính gốc người Hoa khác mà tôi thường ghé là Tân Sanh Hoạt. Quán lâu đời này nằm ở số 322 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, Quận 3, gần miếu Thánh Mẫu thờ bà Thiên Hậu - một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố với tuổi đời 150 năm, ghi dấu quá trình hình thành cộng đồng người Hoa gốc Quảng Đông ở vùng Chợ Đũi của Sài Gòn xưa.
Gian bếp ở Tân Sanh Hoạt
Trái với Huê Hưng Trà Gia không thấy thực đơn, Tân Sanh Hoạt trưng hẳn menu lên bức tường lớn, với hình ảnh “minh họa” cho từng món được phóng rõ to, kèm tên gọi bên dưới. Không phải ngẫu nhiên mà trên biển hiệu quán Tân Sanh Hoạt thấy “chua” thêm dòng chữ nhỏ: “Mì - Hủ tiếu. Bánh bao - Xíu mại. Đủ loại điểm tâm”. Mà..., đủ loại thật! Nhìn vào thực đơn, có há cảo, bánh nếp, riêng xíu mại thì có xíu mại khô, xíu mại nước, xíu mại chiên, xíu mại tôm, xíu mại đậu..., còn bánh bao thì có bánh bao xá xíu, bánh bao cadé, bánh bao kim sa...
Quán tự làm lấy các món điểm tâm này ngay trong gian bếp phía sau, công thức riêng, hương vị riêng, không lấy hàng làm sẵn. Khách vừa ngồi vào bàn, sẽ có nhân viên nhanh nhẹn bê ra khay dimsum với đủ món vừa kể, đặt trong những chiếc đĩa trắng hay những lồng tre nhỏ xinh, thích món nào bạn lấy món đó.
Chân gà tàu xì
Ngoài xíu mại, há cảo, đến đây tôi thích chân gà tàu xì màu ánh nâu lạ mắt, khi nếm vào, những sớ gân mềm nở beo béo vị hơi cay nhẹ, ăn rất bắt.
Mì thập cẩm và sườn kho
Để thêm phần no bụng, bạn có thể gọi các món chính như mì, hủ tiếu, ăn kèm bánh mì, quẩy chiên để sẵn ở mỗi bàn. Tôi khuyên bạn thử món sườn kho. So với một số quán “lên” màu hơi đậm cho món ăn này, sườn kho ở Tân Sanh Hoạt thoạt nhìn màu sắc lại không bắt mắt lắm, song hương vị nước lèo khá đậm đà, những miếng sườn non được hầm mềm, không bị xơ, nhạt mà thấm vị. Sườn kho của quán hết khá sớm, hôm nào tôi đi trễ, đành gọi tô mì thập cẩm thay thế.
Không tự gọi với những mỹ danh như “Huê Hưng Trà Gia” hay “Tân Sanh Hoạt” được khắc hai thứ tiếng Việt - Hoa trong biển hiệu, có nơi này - đơn giản hơn, lấy ngay địa chỉ mà thành tên quán: điểm tâm 259, nằm ở số 259 Hồng Bàng, phường 11, Quận 5, ngay góc giao với đường Triệu Quang Phục. Ở TP.HCM, Quận 5 nói riêng, hay rộng hơn là toàn bộ khu Chợ Lớn nói chung thì, bạn biết rồi, in đậm dấu ấn văn hóa vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng người Hoa. Quán 259 này cũng cho thấy điều đó.
Hồng trà, cà phê ở Tân Sanh Hoạt
Như các “tiệm nước” khác, vào quán 259, bạn sẽ được dọn ngay một bình trà nóng miễn phí cùng mấy chiếc tách con con. Nhân viên tinh ý lắm, đem ra số lượng tách đúng theo đầu người vừa mới bước vào. Quán cũng có bán nhiều thức uống khác. Tôi hay gọi hồng trà, lấy miếng chanh mọng nước vắt vào, khuấy đều lên là có ngay thức giải khát vị chua chua ngọt ngọt dễ uống.
Điểm tâm 259 lúc nào cũng tấp nập thực khách. Quán đông, phục vụ kiểu gia đình ngay trong sân vườn, bàn kê là loại mặt tròn hoặc chữ nhật rộng mươi người ngồi, nên khách lẻ đến đây thường ngồi ghép chung với nhau trong bầu không khí nhộn nhịp rất riêng.
Điểm tâm 259 lúc nào cũng tấp nập thực khách
So với hai quán trước, quán 259 không có quá nhiều món dimsum. Tôi thường ăn xíu mại với bánh mì. Có hai loại - vị đều ngon: xíu mại khô một đĩa bốn viên, xíu mại nước đựng trong chén, viên to tròn vun lên, trên có đính miếng sườn be bé, trông thấy... thèm. Ngoài ra, lần nào đến quán, tôi cũng gọi hủ tiếu mì khô thập cẩm, dọn lên gồm một tô, một chén: trong tô là mì, hủ tiếu trụng nở, trộn gia vị đậm đà, thêm ít xà lách; còn trong chén là nước lèo và... “thập cẩm”: tôm, mực tươi, ngọt; thịt nạc xắt lát mỏng, thật mềm; mấy miếng cật được sơ chế khéo, dày bản, nấu vừa chín tới, ăn vào mướt miệng mà vẫn cảm nhận được độ giòn nhẹ sần sật. Hủ tiếu mì hải sản hơi khác một chút - có tôm, mực, thêm cả fillet cá.
Hủ tiếu mì thập cẩm
Khi đọc tới những dòng này thì, bạn có để ý không, cũng là hành trình tôi đưa bạn từ khu vực trung tâm nội thành về tới khu Chợ Lớn, để kể bạn nghe những địa chỉ điểm tâm mà tôi từng thưởng thức ở thành phố này. Chỉ một số quán thôi, còn nhiều quán khác nữa khó có thể kiểm đếm hết.
Các quán điểm tâm của người Hoa này có điểm chung: chỉ mở cửa từ sáng đến tầm trưa, đông khách - trong số đó có lượng lớn khách quen, thường hết sớm một số món “best-seller” của nó, và mức giá cũng hơi cao một chút.
Nhưng, đó chỉ là thực tại bề nổi. Đi vào chiều sâu tâm thức, nghe tâm sự của nhiều người Sài Gòn ở các thế hệ, ở khắp mọi nơi, thực khách nói rằng họ còn tìm đến các quán điểm tâm như thế này là để được đắm mình trong những không gian hoài niệm, dậy lên những cảm thức thuộc-về, để được ru lòng bằng những ký ức ngày xưa, để được nếm trải những hương vị không chỉ trên đầu lưỡi mà cả trong trí tưởng. Đó là những nét văn hóa đáng quý đã lắng sâu, vun bồi, góp phần bền bỉ kiến tạo bản sắc cộng đồng, bản sắc đô thị ở vùng đất phương Nam.