Điểm tin kinh doanh 21/3: Giá vàng tăng nhẹ áp sát 82 triệu
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 21/03/2024
- Giá vàng tăng nhẹ áp sát 82 triệu
Theo đó, giá vàng SJC hôm 20/3 ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 79,7 triệu đồng/lượng mua vào và 81,72 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP HCM, giá vàng SJC ngày 20/3 đang mua vào mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng. Như vậy, so với chốt phiên trước, giá vàng SJC tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
Giá vàng Doji tại khu vực Hà Nội đang ở mức 79,6 triệu đồng/lượng mua vào và 81,6 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên hôm trước đó. Giá vàng Doji ngày 20/3 ở TPHCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 79,75 triệu đồng/lượng mua vào và 81,7 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 79,55 triệu đồng/lượng mua vào và 81,35 triệu đồng/lượng bán ra.
Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 20/3, tăng nhẹ, áp sát mốc 82 triệu đồng/lượng ở một số thương hiệu vàng.
Giá vàng nhẫn hôm ngày 20/3, tăng nhẹ, cùng xu hướng với giá vàng miếng.
Theo đó, giá vàng nhẫn SJC 9999 giao dịch mua vào 67,45 triệu đồng/lượng, bán ra 68,65 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn PNJ mua vào ở mức 67,45 triệu đồng/lượng và bán ra mức 68,65 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so kết phiên hôm trước.
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến chiều 20/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 20/3 gần như không đổi so với rạng sáng cùng ngày với vàng giao ngay giảm 3 USD xuống 2.158 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.161,3 USD/ounce, giảm 3,6 USD so với rạng sáng cùng ngày.
- Giá Bitcoin: Tiếp nối đà giảm, giao dịch quanh mốc 63.050 USD
Theo dữ liệu của Coindesk, cập nhật tới 15h10 ngày 20/3 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin giao dịch ở mức 63.079,31 USD/BTC, giảm 2,10% trong 24 giờ qua. Thanh khoản của đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 143,87 tỉ USD, tăng 34,95% so với ngày 19/3. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt 1.240 tỉ USD, chiếm 51,16% tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa.
Giá trị vốn hóa toàn bộ thị trường được ghi nhận vào thời điểm 15h19 là 2.425,27 tỉ USD giảm 2,54% so với 24 giờ trước. Khối lượng giao dịch trong 24 giờ trên thị trường tăng 53,1%, đạt 213,10 tỉ USD.
Đồng ETH có xu hướng giảm 3,59%, giao dịch ở mức 3.214,97 USD/ETH. Một vài đồng tiền mã hóa khác cũng có xu hướng giảm trong 24 giờ qua. SOL và XRP - những đồng tiền mã hóa phổ biến khác - có xu hướng điều chỉnh.
Vào lúc 15h16, trong số 10 đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa lớn nhất, có 7 đồng có xu hướng giảm so với 24h trước đó. Trong khi đó, đồng DOGE lại có xu hướng tăng lớn nhất ở mức 1,95%.
- VinFast ký thỏa thuận phân phối xe điện tại Micronesia
VinFast Auto chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Guam AutoSpot về việc phân phối xe điện VinFast tại thị trường vùng Micronesia, Tây Thái Bình Dương.
Theo thỏa thuận, Guam AutoSpot sẽ trở thành nhà phân phối chính thức đầu tiên của VinFast tại vùng Micronesia, bao gồm lãnh thổ Guam và các quần đảo thuộc Micronesia. Guam AutoSpot dự kiến bắt đầu nhập khẩu các mẫu xe điện của VinFast, bao gồm các mẫu ô tô điện VF 7, VF 8, VF 9, xe đạp điện VinFast DrgnFly và các linh phụ kiện của xe cho mục đích phân phối và kinh doanh từ tháng 5/2024.
Ông Steve Trần, đại diện công ty VinFast toàn cầu chia sẻ: “Micronesia là thị trường xe điện tiềm năng khi người tiêu dùng khu vực này ngày càng thể hiện sự quan tâm với các phương tiện di chuyển xanh và bền vững. Chúng tôi tin tưởng rằng thỏa thuận hợp tác với Guam AutoSpot sẽ giúp VinFast nhanh chóng tiếp cận thị trường và mang đến cho khách hàng những sản phẩm xe điện đa dạng và chất lượng nhất”.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, VinFast sẽ mở rộng hoạt động tại tối thiểu 50 quốc gia trên thế giới. Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada và châu Âu, VinFast đang mạnh mẽ tiến ra các quốc gia láng giềng trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines cùng khu vực Trung Đông và châu Phi. Ngoài Việt Nam, VinFast cũng đang xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ, Ấn Độ và sẽ xây nhà máy tại Indonesia.
- Thép ngoại "chảy" mạnh vào Việt Nam
Trong 2 tháng năm 2024, lượng thép nhập về Việt Nam gần 2,65 triệu tấn, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng...
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhập khẩu thép vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh về số lượng từ năm 2023 đến những tháng đầu năm 2024. Lý do nào khiến thép ngoại tràn vào, trong khi Việt Nam đang có những doanh nghiệp mạnh về năng lực sản xuất, cung ứng cũng như công nghệ thép?
Số liệu nhập khẩu mới nhất của VSA cho hay, tính trong cả năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 13,33 triệu tấn với trị giá hơn 10,4 tỷ USD, tăng 14,07% về lượng nhưng giảm 12,55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là quốc gia cung cấp nhiều nhất với hơn 62% tổng lượng và hơn 54% về tổng giá trị.
Bước sang năm 2024, lượng nhập khẩu đã tăng mạnh hơn. Cụ thể, ngay từ tháng 1, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,488 triệu tấn thép, tăng 27,25% so với cuối năm 2023 và tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước về lượng nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu đạt hơn 1,059 triệu USD, tăng 22,3% so với tháng trước và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam gồm Trung Quốc 67,6%, Nhật Bản 9,12%, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam là gần 2,65 triệu tấn, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc chiếm 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.
- Thủ tướng yêu cầu xử lý ngay tình trạng chênh lệch giá vàng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 23/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng.
Công điện cũng nhấn mạnh, cần đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, cũng như không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
"Rà soát kỹ lưỡng, toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức. Thực hiện ngay việc tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22-3" - công điện nêu rõ.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với NHNN và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng.