Ngày 20/3 năm xưa: Nỗi ám ảnh vụ tấn công tàu điện ngầm Tokyo 1995

Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 20/03/2024

Ngày 20/3/1995, tại ga tàu điện ngầm Tokyo, một trong những nơi đông đúc nhất Nhật Bản, đã xảy ra một vụ khủng bố bằng khí độc gây nên cái chết thương tâm cho 13 người và khiến gần 6000 người ngộ độc.

Cho đến ngày nay, vụ tấn công bằng khí sarin trên tàu điện ngầm Tokyo vẫn được xem là vụ khủng bố gây thiệt hại về người nhiều nhất tại Nhật Bản, gây tổn thương sâu sắc cả thể xác lẫn tinh thần hàng ngàn người.

sarin_1_11zon.jpeg
Đường phố Tokyo sáng 20/3/1995 toàn xe cứu thương và người nằm la liệt. Ảnh: Kyodo News

Buổi sáng kinh hoàng ở Ga Tsukiji

Sáng ngày 20/3, năm người đàn ông bước vào nhà gà tàu điện ngầm Tokyo, mỗi người mang theo túi chứa chất độc Sarin, chia nhau lên các tuyến tàu riêng nhưng tất cả đều hướng về Ga Tsukiji ở trung tâm Tokyo. Gần như cùng lúc, cả năm thả túi Sarin xuống, đâm thủng cho khí thoát ra rồi rời đi trên một chiếc xe chờ sẵn.

Chất lỏng trong các túi bắt đầu bốc hơi khiến hành khách choáng váng. Nhiều nạn nhân bị ngộ độc nặng máu tuôn từ mũi ra, thở dốc, co giật. Hai nhân viên tàu điện ngầm thiệt mạng khi cố gắng vứt bỏ túi sarin tại ga Kasumigaseki.

img_content_10.jpg
Kyodo News cho biết toàn bộ xe cứu thương của các bệnh viện tại Tokyo và vùng lân cận được huy động đến nhà ga Tokyo.

Tokyo náo loạn, xe cứu thương đầy đường, loa báo động inh ỏi như thời chiến. Nạn nhân nằm la liệt khắp nơi, cảnh sát và nhân viên y tế làm việc không ngừng nghỉ.

Mọi hành động của các sát thủ thuần thục, nhanh gọn và nhịp nhàng đến kinh ngạc. Ngay cả cách họ chọn mục tiêu là ga tàu điện cho thấy đã điều nghiên và tính toán kỹ lưỡng nhằm tạo ra hậu quả thảm khốc nhất.

img_content_06.jpg
Nạn nhân nằm la liệt ngoài các ga tàu vì trúng độc Sarin. Ảnh: Kilala

Tokyo là thành phố đông đúc với khoảng 12 triệu người thời điểm đó, nhưng vào ban ngày sẽ tăng thêm…3 triệu người là viên chức, công nhân, người lao động, sinh viên từ khắp nơi lân cận đổ về. Dòng người này phụ thuộc vào hệ thống giao thông tuyệt vời của Nhật Bản với các tuyến tàu điện ngầm chằng chịt lúc nào cũng chật như nêm.

img_content_09.jpg
Cảnh sát, nhân viên cứu hộ và y tế hoạt động không ngừng nghỉ. Ảnh: Kyodo News

13 người đã tử vong và gần 6000 người bị trúng độc ở các mức độ khác nhau, gần 1.000 người gặp phải vấn đề về thị lực tạm thời. Các nạn nhân nằm trong độ tuổi từ 21 – 92, đều được xác định nhiễm độc Sarin.

cleaning-sarin-off-subway-platforms-after-1995-sarin-gas-attacks-tokyo-japan_11zon.jpeg
Lực lượng xử lý chất độc với trang bị chuyên dụng làm sạch các toa tàu

Đây là loại hóa chất, vũ khí sinh học không màu, không mùi, không vị, dưới dạng hơi nặng hơn không khí, có thể giết chết con người chỉ trong vài phút. Sarin là chất độc thần kinh gây tê liệt và làm chết người dã man nhất mà con người từng biết đến, có tác dụng ngay trong vòng vài giây ngay khi hít phải.

Các triệu chứng nhiễm độc xuất hiện ngay trong phút đầu tiên nạn nhân bị nhiễm, gây chết người trong khoảng 5-10 phút. Các triệu chứng là mất thị lực, đau mắt, buồn nôn, mê man, tăng urê máu và chảy máu cam.

img_content_07.jpg
Chỗ nào cũng có người nằm với các triệu chứng giống nhau do nhiễm độc Sarin. Ảnh: AP

Kết quả khám nghiệm tử thi gần giống như kết quả trong vụ khủng bố bằng sarin xảy ra tại thành phố Matsumoto ở tỉnh Nagano vào ngày 27 – 28/6/1994. Sự trùng hợp đến ngạc nhiên trên giúp cảnh sát dễ dàng khoanh vùng tập trung vào giáo phái AUM Shinrikyo (Chân Lý tối thượng) và bắt đầu truy lùng với quy mô quốc gia.

Hai ngày sau, cảnh sát Nhật đột kích tổng lực vào các văn phòng AUM ở Tokyo và phòng thí nghiệm tại quận Yamanashi, thu giữ nhiều hộp hóa chất độc hại dùng để sản xuất sarin.

img_content_13.jpg
Cảnh sát Nhật tấn công tổng lực vào khu vực Shoko Asahara ẩn náu. Ảnh: AP

Ngày 16/5/1995, thủ lĩnh Shoko Asahara bị bắt trong một căn phòng bí mật tại cơ sở núi Phú Sĩ. Tổng cộng có khoảng 200 thành viên với cấp bậc khác nhau đã bị bắt.

Asahara phủ nhận sự liên quan đến vụ tấn công nhưng chính các đồ đệ thú nhận AUM đã thực hiện vụ việc ở Tokyo và Matsumoto theo lệnh của hắn.

Giáo lý bệnh hoạn của gã mù Shoko Asahara

Bằng cách nào, vì mục đích gì AUM tổ chức được cuộc tấn công ở quy mô lớn như vậy?

photo_l.jpg
Shoko Asahara thời điểm bị bắt giữ

Aum Shinrikyo được thành lập vào năm 1984, ban đầu là một lớp học yoga và thiền có tên ‘Oumu Shinsen no Kai’ do Chizuo Matsumoto sáng lập, y là một dược sĩ kiêm giáo viên dạy thiền, bị mù một mắt bẩm sinh. Chizuo có tâm tính lẫn bộ dạng kỳ dị ngay từ nhỏ, luôn ám ảnh về những lời tiên tri và tự xưng là Chúa Giesu tái thế.

b9ef7f57f2162b49d9d322098a6b81cc.jpg
Asahara là kẻ có ngoại hình và tâm tính kỳ dị  

Chizuo Matsumoto đổi tên thành Shoko Asahara sau khi tuyên bố rằng mình được ‘mạc khải’ để lãnh nhận sứ vụ từ nước Trời giúp con người giác ngộ chân lý. Giáo lý mà Asahara truyền thụ là ‘nồi lẩu thập cẩm’ góp nhặt mỗi nơi một tí, từ Phật giáo, Ấn Độ giáo đến Kinh thánh Kito giáo.

Sau này, Asahara khai rằng y lập ra AUM vì chán ghét Phật giáo Nhật Bản và muốn người Nhật theo Phật giáo Tây Tạng mới là tinh tuyền. Y tán thành con đường tâm linh với mục tiêu là đạt được giác ngộ, bằng cách kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau, từ yoga và thiền đến các bài tập phát triển tâm linh.

http___com.ft.imagepublish.upp-prod-eu.s3.amazonaws_11zon.jpg
Shoko Asahara bị tuyên án tử hình

Các thành viên được nhận vào cộng đồng tu tập của AUM sau khi đạt đến cấp độ kiểm đạo thứ ba. Lúc này, họ được dạy rằng nếu không phải là thành viên của AUM sẽ phải chịu đựng địa ngục vĩnh viễn, nhưng có thể được cứu rỗi nếu…bị giết bởi các đồng đạo. Chỉ những tín đồ mới sống sót sau ngày tận thế, và sau đó sẽ xây dựng Vương quốc Shambhala.

Chính sự kỳ dị của AUM đã dẫn lối đến hàng loạt những hành động cực kỳ rồ dại khiến cảnh sát Nhật phải lưu tâm, trong đó có việc quyên góp tài chính để sản xuất vũ khí sinh học. Cuộc tấn công vào sáng 20/3 là chủ đích để giáo phái này trả thù các hành động mà họ rằng giới chức Nhật đã ‘kìm kẹp và đày đọa’.

AUM bị cảnh sát xác định có liên quan đến ít nhất là 3 cuộc tấn công khủng bố khác trước buổi sáng ngày 20/3. Thời điểm năm 1995, ước tính giáo phái này có 10.000 tín đồ ở Nhật và khoảng 30.000 ở Nga.

‘Ngày tận thế’ của Asahara

Kết quả các phiên tòa xét xử đã tuyên 13 án tử hình, trong đó có Shoko Asahara. Y cùng với 6 đệ tử đã bị thi hành án tử bằng hình thức treo cổ vào ngày 6/7/2018.

poster-people-sarin-attack-subway-system-tokyo-march-1995_11zon.jpeg
Lệnh truy nã các thành viên AUM sau cuộc tấn công tàu điện ngầm

Có 3 thành viên chủ chốt của AUM đã trốn nã gần hai thập kỷ. Người đầu tiên là Hirata Makoto đầu thú cuối năm 2011. Kikuchi Naoko bị bắt giữa năm 2012 tại quận Kanagawa. Hai tuần sau, kẻ cuối cùng là Takahashi Katsuya bị bắt ở Tokyo. Đây là kẻ bị truy nã gắt gao nhất do từng là vệ sĩ của Asahara và bị nghi ngờ chính là người lái xe chở 5 tên khủng bố thoát khỏi nhà ga.

Điều lạ lùng là AUM dù gây tội ác man rợ nhưng chưa bao giờ bị cấm hoạt động. Giáo phái này sau đó đổi tên thành Aleph, chủ trương ôn hòa nhưng cảnh sát Nhật vẫn phải dè chừng.

p2-sarin-a-20140321.jpg
Hằng năm, người Nhật đem hoa và nến đến ga tàu Tokyo tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công năm 1995

Đầu năm 2000, các lãnh đạo mới của AUM đã thừa nhận vai trò của Asahara trong một loạt tội ác (bao gồm cả hai vụ tấn công bằng hơi độc), tuyên bố ‘ly khai’, không thừa nhận vai trò và ảnh hưởng tinh thần của ông ta, thiết lập chương trình bồi thường cho gia đình nạn nhân và đổi tên tổ chức thành Aleph. Năm 2007, người kế nhiệm Asahara là Joyu Fumihiro, đã để lại cho Aleph một số thành viên và ra đi thành lập một giáo phái mới tên là Hikari no Wa (“Ring of Light”).

Tổng hợp