Ngày 19/3 năm xưa: Cái chết của Sudan - chú tê giác trắng phương Bắc cuối cùng
Dòng chảy - Ngày đăng : 12:02, 19/03/2024
Buổi sáng ngày 19/3/2018, nhân viên Khu bảo tồn Ol Pejeta tên Ami Vitale sờ tay vuốt nhẹ lên làn da thô ráp nhăn nheo của Sudan đang thở yếu ớt. Anh nói lời tạm biệt người bạn thân, khẽ nấc lên và hứa hẹn, xin lỗi vì tội ác của nhân loại.
Một bác sĩ thú y run rẩy đẩy ống chích đầy thuốc qua làn da màu xám đá. Ít phút sau, Sudan thở dốc và chìm vào cái chết êm ái. Cuộc trợ tử kết thúc. Tin tức về cái chết của Sudan lan nhanh khắp thế giới khiến các nhà động vật học, những người yêu mến sinh vật xúc động mạnh.
Bị ‘bắt cóc’ và 36 năm lưu lạc châu Âu
Tê giác trắng phương bắc (Ceratotherium simum cottoni) là một trong hai phân loài của loài tê giác trắng (phân loài kia là tê giác trắng phương nam).
Đến năm 1960 số lượng tê giác trắng phương bắc trên thế giới là khoảng 2000 con. Đến năm 1980 giảm xuống 15 con. Nguyên nhân do nạn săn bắn quá mức để lấy sừng. Thời điểm những năm thập kỷ 1980, giá một kg sừng tê giác trắng có giá đến 75.000 USD khiến các nhóm săn bắn trộm không thể cưỡng lại.
Sudan là chú tê giác trắng đực, ra đời năm 1973. Khi được 2 tuổi, nó là một trong 6 đồng loại gồm hai đực (Sudan, Saut), 4 cái (Nola, Nuri, Nadi và Nesari) ở khu vực Shambe (Nam Sudan) dính bẫy của nhóm thợ săn do Chipperfield's Circus thuê.
Tất cả bị nhốt vào chuồng sắt, chuyển lên tàu đến Vườn thú Dvur Kralove ở CH Séc. Ở Nam Sudan khi đó, người ta quan tâm đến lương thực cho nạn đói và nguyện cầu cho im tiếng súng nội chiến, hơn là mấy con vật hoang dã. Cuộc sống 36 năm tại châu Âu của Sudan và đồng loại bắt đầu, khiến Dvur Kralove trở thành vườn thú chuyên về động vật châu Phi có bộ sưu tầm lớn nhất bên ngoài lục địa này.
Nhưng cả Dvur Kralove lẫn đối tác Chipperfield đã bị chỉ trích gay gắt vì hành động ‘bắt trộm’ này. Thời điểm đó, số lượng tê giác trắng trên thế giới chỉ còn khoảng 700 cá thể ngoài tự nhiên. Hai năm sau, Dvur Kralove đón thêm một con tê giác trắng phương Bắc tên Nasima có nguồn gốc từ Uganda, từ Vườn thù Knowley Safari (Anh) nhưng lại để Saut sang Sở thú San Diego (Mỹ) theo dạng cho mượn.
Trở về châu Phi
Ở Dvur Kralove, Sudan được cho giao phối và có tổng cộng 3 con. Thời điểm đó, ngoài Sudan thế giới còn có một cá thể đực tê giác trắng phương Bắc nữa tên là Angalifu, nhưng đã quá già và hết tuổi sinh sản.
35 năm sau khi bị bắt đưa đến châu Âu, khi sự hiếu kỳ của khách tham quan bắt đầu lung lay trước lương tri, tình yêu thương động vật và lời kêu gọi cấp thiết phải bảo tồn phân loài này, các chuyên gia động vật học của Liên minh bảo tồn thế giới - IUCN đã đến Dvur Kralove với nhiệm vụ cấp thiết và gay gắt là yêu cầu phải chuyển Sudan về lại quê hương để bảo tồn.
Những tranh luận gay gắt nảy sinh giữa hai quan điểm: trả về tự nhiên châu Phi và thụ tinh nhân tạo trong vườn thú. Bởi lúc đó, Dvur Kralove là vườn thú duy nhất đã cho sinh sản thành công tê giác trắng phương Bắc, trong đó có Najin và Fatu, đều là cá thể cái và chính là con gái và cháu gái của Sudan.
Tháng 12/2009, sau 36 năm lưu lạc, Sudan lại chui vào lồng sắt, lên tàu trở về quê hương châu Phi. Điểm đến là Khu bảo tồn Ol Pejeta ở Kenya, trong chương trình bảo tồn giống có tên khá…điện ảnh: "Cơ hội sống sót cuối cùng". Đi cùng với Sudan còn con gái Najin, cháu gái Fatu và một cá thể cái khác tên Suni.
Các nhà khoa học hy vọng rằng điều kiện tự nhiên ở Ol Pejeta với diện tích hơn 100ha sẽ cung cấp một môi trường sống tự nhiên hơn và giúp chúng cân bằng nội tiết tố, dễ dàng sinh sản. Tuy nhiên, mọi thứ không dễ dàng như dự tính. Suni chết năm 2014 mà chưa kịp sinh sản.
Najin và Fatu vốn sinh ra trong vườn thú, sống trong khu chuồng nhân tạo, ăn cỏ cắt sẵn, không phải kiếm ăn và tiếp xúc con người hằng ngày khiến bản năng và khả năng thích ứng với thiên nhiên hoang dã gần như không có, hoảng sợ mọi thứ.
Vì vậy Ol Pejeta đã mang đến một ‘gia sư’ là con tê giác trắng phương Nam hoang dã tên là Tauwo. Sự ‘chỉ bảo’ của Tauwo đã giúp cả hai dần thích nghi, biết tắm bùn, biết tìm kiếm thức ăn và dần tò mò với các loài vật xung quanh.
Sudan sống những năm cuối đời với con gái Najin và cháu gái Fatu, được các vệ sĩ có vũ trang bảo vệ ngày đêm. Họ được phép bắn hạ nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu săn bắn trộm nào.
Ngoài vệ sĩ có vũ trang được huấn luyện chuyên nghiệp, khu vực Sudan sống còn có hệ thống máy phát tín hiệu khẩn, tháp canh, hàng rào điện tử, máy bay không người lái, chó bảo vệ
Cuối năm 2017, Sudan bị nhiễm trùng ở chân sau bên phải, được chữa trị và lại tái phát vào tháng 3/2018. Tuổi tác đã khiến sức khỏe xấu đi. Quyết định ‘trợ tử’ được đưa ra trong sự bất lực của các nhà khoa học.
Tiêu bản của Sudan đã đươc đưa quay trở lại CH Séc và trưng bày ở Bảo Quốc gia ở Praha đến cuối năm 2021.
Chết rồi vẫn có thể có con
Sau cái chết của Sudan, người phát ngôn của Vườn thú Dvůr Králové Jan Stejskal tuyên bố Sudan vẫn có thể có hậu duệ bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh dịch đã được lưu trữ trước đó, với trứng của Najin và Fatu để cấy vào một con tê giác trắng phương Nam.
Nhóm phụ trách đã tạo ra ba phôi vào năm 2019, lưu trữ trong phòng thí nghiệm nhưng bi kịch lại đến khi cả Najin vẫn Fatu đều chết cùng năm.
Cho đến nay, vẫn chưa có kết quả từ kế hoạch tìm hậu duệ của Sudan, cá thể tê giác trắng phương Bắc đực cuối cùng. Ngày mà người ta nhắc đến phân loài này như nhắc về khủng long đã rất gần.