Trực thăng đa nhiệm Dhruv của Ấn Độ có tính năng gì?
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 19:00, 18/03/2024
Nhờ tính linh hoạt trong vận hành, nền tảng trực thăng hạng nhẹ này được lựa chọn để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như trinh sát, tìm kiếm, cứu nạn hoặc tấn công. Dhruv cũng được sử dụng cho mục đích dân sự. Dự án phát triển trực thăng này được công bố vào tháng 11-1984, sau đó được đưa vào sản xuất hàng loạt năm 2000.
Dhruv là trực thăng đa nhiệm do công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ phát triển và sản xuất. Ảnh: brahmastraspace.org |
Dhruv có thiết kế quy ước, khoảng 60% diện tích bề mặt khung thân là vật liệu composite, giúp giảm trọng lượng máy bay đến 50%. Ngoài kíp điều khiển 2 người, trực thăng có thể chở 12 đến 14 binh lính ở khoang sau.
Trực thăng Dhruv có tổng chiều dài 15,87m, rộng 13,2m, cao 4,98m và trọng lượng cất cánh tối đa là 5,5 tấn. Được trang bị 2 động cơ tua-bin trục Turbomeca TM 333-2C, phương tiện có thể bay với vận tốc tối đa 300km/giờ, trần bay đạt 4.500m và tầm hoạt động là 659km.
Dhruv có thể mang 8 tên lửa chống thiết giáp, 4 tên lửa không đối không hoặc 4 bệ phóng rocket 68mm hoặc 70mm. Bên cạnh đó, trực thăng còn được lắp đặt tháp pháo sử dụng pháo M621 cỡ nòng 20mm và tích hợp ống ngắm gắn trên mũ bay của phi công. Phiên bản WSI của Dhruv dành cho quân đội Ấn Độ còn được trang bị tên lửa chống tăng Nag với tầm bắn khoảng 4km và camera ảnh nhiệt hồng ngoại đa phổ FLIR. Biến thể hải quân có thể mang theo 2 ngư lôi hoặc 4 tên lửa chống hạm.
Riêng phiên bản dành cho lực lượng cảnh sát biển được trang bị các thiết bị chuyên dụng bao gồm cảm biến tiên tiến dành cho nhiệm vụ giám sát hàng hải, radar trinh sát cùng các thiết bị cho nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Biến thể này cung cấp hỗ trợ linh hoạt trên không cho nhiều nhiệm vụ hàng hải, giúp nâng cao khả năng hoạt động của lực lượng cảnh sát biển nước này.
Biên tập: QUỲNH OANH |
QUỲNH OANH (Theo Navy Recognition, Army Technology…)