Sao các video máy đọc vô hồn, thiếu tri thức lại phổ biến đến vậy?
Cuộc sống số - Ngày đăng : 13:19, 18/03/2024
Người dùng vào TikTok hay phần Watch của Facebook sẽ thấy loại video do máy đọc với giọng vô hồn chiếm tỷ lệ lớn trong những video có thuyết minh, lồng tiếng. Thay vì thuê người có kỹ năng đọc chuẩn, có giọng đọc truyền cảm và chịu tốn nhiều chi phí, công sức, ngày nay, những người sản xuất nội dung trên mạng tiết kiệm tối đa cả thời gian lẫn tiền bạc khi áp dụng đọc máy.
Việc sử dụng các phần mềm tự động trong nhiều khâu sản xuất, từ dựng clip, dịch đến lồng tiếng tạo ra sản lượng video khổng lồ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy chất lượng của chúng tỷ lệ nghịch với năng suất.
Phổ biến nhất trong số đó là những clip được gọi là “review phim” nhưng thực chất lại tóm tắt để những người lười xem có thể nắm được diễn biến chính của bộ phim dài vài tiếng trong hơn 10 - 15 phút, hoặc nắm nội dung bộ phim truyền hình mấy chục tập chỉ trong một tiếng đồng hồ.
Năng lực tóm tắt hạn chế cộng với cảm thụ nhiều khi lệch lạc của người “review” khiến những clip đó không thể hiện được giá trị của tác phẩm. Người viết lời còn rất hay chèn vào những câu “chém gió” bậy bạ, những từ tục tĩu hoặc tiếng lóng rất phản cảm, lại không ăn nhập với cảm xúc của cảnh phim. Lời tóm tắt lẫn lời thoại của nhân vật đều được máy đọc với cùng một sắc thái vô hồn.
Nhiều người sản xuất clip còn cố tình đặt tiêu đề giật gân, phản cảm, tục tĩu hoặc rùng rợn nhưng sai với nội dung phim để câu view.
Tất cả khiến cho người xem ngoài việc biết cốt truyện ra thì không còn nhận được chút giá trị nào về chân, thiện, mỹ vốn có trong tác phẩm nghệ thuật. Thật chẳng ngoa khi nói trào lưu “review phim” theo kiểu tóm tắt diễn biến và đọc bằng máy giống như một bệnh dịch giết chết hàng loạt tác phẩm điện ảnh.
Chẳng những vi phạm bản quyền, chất lượng kém của những clip trên còn khiến tác phẩm gốc bị giới thiệu một cách méo mó, phá hoại hoàn toàn giá trị nghệ thuật của bộ phim mà bao con người tài năng phải cật lực làm việc hàng năm trời, tốn kém nhiều tỷ đồng mới có thể tạo ra. Về lâu dài, những clip đó còn phá hỏng năng lực cảm thụ nghệ thuật của khán giả.
Cũng rất thịnh hành là những clip mang danh nghĩa phổ biến kiến thức hoặc tin tức. Đó là những thông tin, hình ảnh được cóp nhặt một cách cẩu thả trên mạng rồi dựng thành video với giọng đọc máy. Rất nhiều thông tin sai được truyền bá với danh nghĩa tri thức; nhiều trường hợp hình ảnh “chạy” trong clip không đúng với nội dung được đọc, tạo ra nhận thức sai lầm. Chưa kể, clip còn hay bị chêm vào những câu bình phẩm thô tục, thiếu văn hóa…
Vậy mà không hiểu sao, những clip vô giá trị, thậm chí độc hại mà bất kỳ ai cũng có thể sản xuất hàng loạt ấy lại thu hút người xem mà mang lại lượng view khủng khiếp đến vậy. Rất nhiều clip có hàng triệu lượt xem.
Phải chăng sự lười biếng khiến người ta ngày càng dễ dãi trong việc tiếp nhận các sản phẩm giải trí?
Ngoài nhu cầu “tua” hết bộ phim 30 -40 tập mà chỉ mất vài tiếng đồng hồ, nhiều người cho biết, họ thường xuyên xem loại clip đọc máy vô hồn đó đơn giản là vì nó… nhảm, khiến họ không tốn tế bào não để suy ngẫm về thông điệp của tác phẩm, giải mã ngôn ngữ nghệ thuật mà tác giả dày công thể hiện.
Cuộc sống và công việc đã khiến não liên tục phải tiếp nhận quá nhiều thông tin, vì vậy họ không muốn mệt đầu xem những bộ phim thật sâu sắc rồi ngẫm nghĩ thật lâu để hiểu tác giả muốn gửi gắm điều gì.
Sự quá tải thông tin là có thật, nhưng nếu vì thế mà sa vào những clip nhảm, vô bổ nói trên, có khác gì nhà vốn đã nhiều rác mà chủ nhân còn tha thêm cả núi rác về? Họ nghĩ đầu mình đã mệt rồi, xem những thứ nhạt nhẽo để sau đó quên luôn. Vậy nhưng làm gì có chất độc nào xâm nhập cơ thể đều đặn, liên tục trong thời gian dài mà không gây bệnh tật?
Có thể các cơ quan quản lý rồi sẽ tìm ra cách kiểm soát tốt hơn chất lượng các nội dung được sản xuất và phát tán trên mạng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dùng phải có ý thức tránh xa những thứ nhảm nhí, độc hại. Không cơ quan chức năng nào đủ lực lượng để ngăn mỗi người dân dùng các sản phẩm gây hại nếu như chính bạn cố tình, chủ động tiêu thụ.
Mà ngộ độc văn hóa có hậu quả nghiêm trọng, di chứng nặng nề không kém gì ngộ độc thực phẩm hay hóa chất. Với sự phát tán khủng khiếp trên không gian mạng, mức độ phá hoại của những video đọc máy vô hồn, vô cảm, thiếu tri thức, “ngụy tri thức” ấy thậm chí có thể ví với những vụ ngộ độc tập thể với hàng triệu nạn nhân.