Quân sự thế giới hôm nay (18-3): Vũ khí siêu vượt âm Avangard đạt vận tốc Mach 27

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 08:42, 18/03/2024

Quân sự thế giới hôm nay (18-3-2024) có những thông tin sau: Nga tập trận nhanh ở Baltic sử dụng tên lửa hành trình Kalibr; vũ khí siêu vượt âm Avangard đạt vận tốc Mach 27, vô hiệu hóa mọi hệ thống phòng thủ tên lửa; F-35 chính thức đi vào sản xuất hàng loạt sau nhiều năm trì hoãn.

* Nga tập trận nhanh ở Baltic sử dụng tên lửa Kalibr

Khinh hạm tên lửa mới nhất Naro-Fominsk trang bị tên lửa hành trình Kalibr và Onyx thuộc Hạm đội Baltic của Nga đã hoàn thành cuộc tập trận nhanh tiêu diệt mục tiêu trên biển bằng pháo 100mm. Dữ liệu quan trắc xác nhận cuộc tập trận đã thành công theo kế hoạch.

Khinh hạm cũng thực hiện một cuộc tập trận sử dụng tên lửa tấn công các mục tiêu mô phỏng của đối phương trong đó có các bệ phóng tên lửa, sân bay, trung tâm vận tải, cơ sở được bảo vệ và trung tâm chỉ huy. Ngoài ra, thủy thủ đoàn cũng thực hành tác chiến chống bức xạ hạt nhân, chống vũ khí hóa học và sinh học, tăng cường khả năng sống sót trong tác chiến cũng như khả năng chống ngầm và các tác vụ phòng không khác.

Nga tập trận nhanh ở Baltic sử dụng tên lửa Kalibr. Ảnh: Bulgarian Military

Cuộc tập trận diễn ra sau khi Nga tiến hành cuộc tập trận chống ngầm quy mô lớn cũng ở vùng Biển Baltic với sự tham gia của tàu tuần tra Neustrashimy, tàu hộ tống Soobrazitelny, Boykiy và Stoikiy, trực thăng chống ngầm Ka-27. Cuộc tập trận mô phỏng các hoạt động tác chiến nhằm phát hiện, theo dõi và tiêu diệt tàu ngầm của đối phương đang có ý định tấn công lực lượng hải quân thuộc Hạm đội Baltic.

Theo Bulgarian Military, mục tiêu của các cuộc tập trận này là chuẩn bị tốt các kỹ năng tác chiến cho binh sĩ trong vận hành vũ khí, trang bị, sẵn sàng cho một cuộc xung đột trực tiếp có thể xảy ra trên vùng Biển Baltic.

* Avangard đạt vận tốc Mach 27, vô hiệu hóa mọi hệ thống phòng thủ tên lửa?

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tiếp tục nhấn mạnh vũ khí siêu vượt âm Avangard của nước này khiến công nghệ phòng thủ tên lửa mà Mỹ và các đồng minh đã đổ hàng tỷ USD vào nghiên cứu chỉ là vô ích.

“Sẽ là điều không thể so sánh nếu đem tính toán tất cả khoản chi của Mỹ cho hệ thống phòng thủ tên lửa đã được công bố và việc Avangard của chúng ta có thể qua mặt các hệ thống phòng thủ tên lửa đó. Avangard là vũ khí liên lục địa được tích hợp thiết bị lượn mà về cơ bản có thể vô hiệu hóa mọi nỗ lực của họ, khiến mọi khoản đầu tư đáng kể của họ vào hệ thống phòng thủ tên lửa đều trở nên vô ích”, Tổng thống Putin nói. Nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ trích các khoản đầu tư của Mỹ là vô cùng lãng phí.

Tiểu đoàn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trang bị vũ khí siêu vượt âm Avangard đầu tiên được thành lập vào tháng 9-2020 tại Yasnensky, cách Moscow khoảng 1.200 km về phía Đông Nam. Sau đó, tiểu đoàn thứ hai được đưa vào biên chế và đặt vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào tháng 6-2022.

Avangard có thể đạt vận tốc Mach 27. Ảnh: Eurasian Times

Được đẩy lên quỹ đạo bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa R-36 và RS-28 Sarmat, Avangard được thiết kế để đạt vận tốc Mach 27 (gấp 27 lần tốc độ âm thanh) và có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách cực xa với hành trình hàng nghìn km trong không gian, khiến hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương gần như không thể theo dõi và đánh chặn.

Vận tốc cao của Avangard cho phép nó bay xuyên lục địa trong vòng chưa đầy 10 phút, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có sức công phá lên tới 2 megaton. Hệ thống này về cơ bản có thể tiếp cận các mục tiêu ở châu Mỹ từ những quỹ đạo không thể đoán trước. Tuy nhiên, Avangard cũng có một lỗ hổng đáng lưu ý. Đó là giếng phóng của nó có thể bị tấn công trước khi kịp triển khai và khai hỏa hoặc có thể bị đánh chặn ở giai đoạn phóng đầu tiên, trước khi rời khỏi bầu khí quyển để triển khai các phương tiện lượn.

* F-35 chính thức đi vào sản xuất hàng loạt sau 7 năm trì hoãn

Theo Military Watch, Lockheed Martin đã bắt đầu đưa vào sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, đẩy hết công suất sau nhiều năm trì hoãn do các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của chương trình, trong đó có cả các vấn đề về chất lượng của chính chiếc máy bay này.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách mua sắm vũ khí William LaPlante đã phê duyệt mức tăng sản lượng sau khi xem xét các kết quả thử nghiệm, đánh giá vận hành, bắn đạn thật, luật pháp hiện hành, chiến lược sản xuất trong tương lai... Thông báo về quyết định quan trọng trong chương trình F-35 này ước tính Mỹ sẽ sản xuất 156 máy bay mỗi năm trong thời gian từ nay tới năm 2030 và có thể kéo dài sang những năm của thập niên 2030.

F-35 chính thức đi vào sản xuất hàng loạt sau 7 năm trì hoãn. Ảnh: Military Watch

Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với con số dự kiến trước đó, trong đó riêng Không quân Mỹ trước đây đã dự định mua 110 chiếc F-35 mỗi năm. Cộng thêm đơn hàng từ Hải quân, Thủy quân lục chiến Mỹ và các khách hàng nước ngoài đưa sản lượng lên con số dự kiến gần 250 chiếc/năm. Tuy nhiên, với việc Không quân Mỹ lần lượt cân nhắc cắt giảm số lượng mua sắm xuống còn 80 chiếc, 60 chiếc và cuối cùng là “chốt” chỉ còn 48 chiếc mỗi năm, cộng thêm mức giảm đơn đặt hàng từ các khách hàng khác, sản lượng dự kiến sẽ không vượt quá 156 chiếc.

Việc phê duyệt và sản xuất quy mô lớn máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 ban đầu được dự kiến bắt đầu từ năm 2017, nhưng đã liên tục bị trì hoãn do nhiều lý do. Tháng 11-2019, Giám đốc đánh giá và thử nghiệm vũ khí Lầu Năm Góc Robert Behler nhận định F-35 vẫn chưa sẵn sàng cho thực chiến, nhấn mạnh thực tế là tất cả biến thể của máy bay này đều có độ tin cậy thấp và hay bị hỏng hóc hơn so với dự kiến. Khi đó, Giám đốc Chương trình F-35 của Lockheed Martin Greg Ulmer đã đặc biệt bày tỏ sự không đồng tình với đánh giá này của Lầu Năm Góc. Tiếp theo, vào tháng 10-2020, một loạt hỏng hóc liên tục xảy ra với F-35 và thiết bị mô phỏng thử nghiệm của nó đã khiến kế hoạch phê duyệt sản xuất quy mô lớn tiếp tục bị trì hoãn. Tháng 12-2020, Lầu Năm Góc quyết định tiếp tục hoãn đánh giá năng lực chiến đấu của F-35, vốn là điều kiện tiên quyết để quyết định đưa quy mô sản xuất lên mức hàng loạt.

Hiện nay, mặc dù F-35 đã được chính thức phê duyệt cho sản xuất hàng loạt, một câu đặt ra là liệu Lockheed Martin có thể đáp ứng được tiêu chí sản xuất hay không khi một loạt vấn đề tiếp tục nảy sinh trong năm 2023 và khách hàng cả trong nước và nước ngoài vẫn tiếp tục phàn nàn về những thiếu sót nghiêm trọng trong chất lượng của những chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm này.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp)