Ngày 18/3 năm xưa: Bí ẩn vụ cướp tác phẩm nghệ thuật lớn nhất lịch sử tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner

Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 18/03/2024

Ngày 18/3/1990, vụ cướp tác phẩm nghệ thuật lớn nhất lịch sử đã xảy ra tại Bảo tàng nghệ thuật Isabella Stewart Gardner ở Boston (Mỹ). Đến nay, sau 34 năm, dù treo thưởng lên đến 10 triệu USD và huy động các lực lượng tinh nhuệ nhất vào cuộc nhưng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Rạng sáng ngày 18/3/1990, một chiếc xe dừng lại gần lối vào bên hông của Bảo tàng. Hai viên cảnh sát bước xuống bấm chuông, thông báo rằng đang giải quyết một vụ gây rối và yêu cầu được vào trong.

isabella-stewart.png
Một góc bảo tàng Isabella Stewart Gardner

Vụ cướp trong 81 phút

Nhân viên bảo vệ Rick Abath đã phá vỡ quy định và cho phép cả hai đi vào bằng lối đi riêng của nhân viên.

Theo yêu cầu của hai ‘cảnh sát’, anh bảo vệ bước ra khỏi bàn canh gác, nơi có nút chuông báo động. Ngay lập tức anh và nhân viên bảo vệ còn lại là Randy Hestand bị khống chế, trói gập tay đẩy xuống nhốt ở tầng hầm. Sau 81 phút, những tên trộm đã thoát đi với 13 tác phẩm nghệ thuật đắt giá.

thisisarobbery-theworld-sbiggestartheist-limitedseries-episode1-00-04-50-06-1617731875_11zon.jpeg
Hiện trường bảo tàng với các khung tranh vứt ngổn ngang trên nền nhà

Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất được lấy từ Phòng Hà Lan. Trong số đó có ‘The Concert’, một trong 34 bức tranh của Johannes Vermeer, ‘The Storm on the Sea of Galilee’ của Rembrandt, các bức tranh và bản phác thảo khác của Rembrandt và Govert Flinck.

Ngoài ra còn có ‘Chez Tortoni’ của Manet, 5 bức tranh của danh họa Pháp Edgar Degas, một con đại bàng bằng đồng vốn là kỷ vật của Napoleon và một con gu Trung Quốc.

globe_11zon.jpeg
Thông tin vụ cướp đăng trên trang nhất tờ The Boston Globe

Hai nhân viên bảo vệ được giải thoát lúc 8 giờ15 sáng khi cảnh sát có mặt, vẫn trong tình trạng bị trói chặt và bịt mắt bằng băng vải. Cả hai khai với cảnh sát rằng trước khi rút đi, bọn cướp còn xuống hầm hỏi xem ‘các ông có thoải mái không?’, đồng thời dọa rằng đã lục ví của cả hai và biết địa chỉ nhà. Chúng sẽ tìm đến tận nơi trả thù nếu phát hiện có khai báo, nhưng cũng hứa ‘sau một năm nữa các người sẽ được thưởng số tiền xứng đáng’.

Treo thưởng kỷ lục

FBI ước tính giá trị của vụ trộm ở thời điểm xảy ra là 200 triệu USD. Theo giá trị ở năm 2000 là khoảng 500 triệu USD. Cuối năm đó một số nhà kinh doanh nghệ thuật cho rằng tổng giá trị có thể lên tới 600 triệu USD.

gardnersuspects_11zon.jpeg
Chân dung hai 'cảnh sát' qua miêu tả của các nhân viên bảo vệ

Isabella Stewart Gardner là Bảo tàng nghệ thuật tư nhân do nhà sưu tầm nghệ thuật cùng tên khởi xướng, mở cửa cho công chúng vào xem lần đầu năm 1903. Bà tiếp tục mở rộng bộ sưu tầm và trưng bày cho đến khi qua đời năm 1924, để lại cho Bảo tàng 3,6 triệu USD cùng di chúc không cho phép mua bán lẫn bất cứ sự thay đổi nào trong sắp xếp các tác phẩm nghệ thuật nếu không được phép.

isabella-stewart-gardner-1906_11zon.jpeg
Triệu phú, nhà sưu tầm nghệ thuật và khai sinh bảo tàng Isabella Stewart Gardner

Isabella Stewart Gardner trở thành nơi tụ hội của giới yêu mỹ thuật Mỹ và toàn thế giới vì bộ sưu tầm những tác phẩm đỉnh cao. Thế nên FBI và các chuyên viên điều tra lấy làm ngạc nhiên vì rất nhiều tác phẩm khác của của Raphael, Botticelli và Michelangelo, có giá trị hơn số bị trộm, vẫn còn nguyên.

10 năm trước khi xảy ra vụ cướp, bảo tàng bắt đầu khó khăn vì cạn kiệt kinh phí khiến không thể trang bị hệ thống kiểm soát không khí, độ ẩm tránh cho tranh bị ẩm thấp.

isabella-gardner-museum-heist-g-2_11zon.jpeg
Giám đốc bảo tàng Anne Hawley trong buổi họp báo thông tin về vụ cướp 

Chi phí mua bảo hiểm bị cắt toàn bộ, thay vào đó là trang bị 60 máy hồng ngoại dò chuyển động và 4 camera an ninh xung quanh tòa nhà. Không có camera bên trong vì ban quản lý cho rằng chi phí quá cao. Thay vào đó họ thuê các nhân viên bảo vệ và chỉ trang bị nút bấm báo động, thay vì hệ thống liên lạc trực tiếp với cảnh sát hàng giờ như đa phần các bảo tàng khác ở trong khu vực đường Palace. Yêu cầu tăng lương cho bảo vệ để thu hút những nhân viên có năng lực, trang bị tốt hơn cũng bị bác.

courtyard-isabella-stewart-gardner-museum-boston_11zon.jpeg
Khó khăn tài chính khiến Bảo tàng Isabella Stewart Gardner không được bảo vệ tốt nhất

Vì không còn tiền, bảo tàng đã phải nhờ đến nhà đấu giá Sotheby's và Christie's tài trợ treo giải thưởng trị giá 1 triệu USD cho ai cung cấp thông tin có thể tìm ra thủ phạm và thu hồi tác phẩm. Năm 1997, số tiền tăng lên 5 triệu USD. 10 năm sau, số tiền là 10 triệu USD. Đây là khoản tiền thưởng lớn nhất mà một tổ chức nghệ thuận tư nhân từng treo thưởng. Nhưng đến nay chưa ai được vinh dự lãnh thưởng, đồng nghĩa bọn cướp và các tác phẩm vẫn bặt vô âm tín.

Bặt vô âm tín

Ngày nay, những khung tranh trống vẫn được treo trong Bảo tàng để giữ chỗ chờ những tác phẩm bị mất quay về.

dce6dfcaoai6ll3zysgy672vrq_11zon.jpeg
Những khung tranh bỏ trống do đã bị mất cắp tác phẩm vẫn được treo tại Isabella Stewart Gardner

Rất nhiều cá nhân được đưa vào diện tình nghi nhưng chưa bao giờ đủ chứng cứ buộc tội. Nghi vấn tập trung vào các nhóm mafia ở Boston, nhất là ông trùm Bobby Donati. Các nhà sưu tầm nghệ thuật cũng bị đưa vào tầm ngắm. Nhưng cách xử lý thô bạo của bọn trộm như dùng dao kéo cắt rạch tranh khỏi khung, đập xuống nền nhà cho vỡ kính, khiến các nhà điều tra tin rằng chúng không được giao nhiệm vụ ăn cắp các tác phẩm cụ thể.

009164-1200x1492.jpg
Tác phẩm ‘The Storm on the Sea of Galilee’ của Rembrandt bị mất cắp

Dấu vân tay và dấu chân tại hiện trường không đủ để kết luận là của bọn trộm hay của nhân viên bảo tàng.

Bảo vệ Rick Abath đã bị điều tra ngay từ đầu vì hành vi đáng ngờ của anh ta vào đêm xảy ra vụ trộm. Nhà chức trách phát hiện khi đang tuần tra, Abath đã mở và đóng một cánh cửa bên, như thể phát tín hiệu cho những tên trộm đậu xe bên ngoài ập vào. Abath qua đời năm 2024 ở tuổi 57.

800px-vermeer_the_concert.jpg
Tác phẩm ‘The Concert’ của Johannes Vermeer có giá trị cao nhất trong số 13 tác phẩm bị cướp

Năm 1994, giám đốc bảo tàng Anne Hawley nhận được một lá thư nặc danh từ một người nói rằng đang cố gắng đàm phán để trả lại các tác phẩm. Người này nói mình chỉ là trung gian và không biết danh tính các thủ phạm Rằng chúng muốn trả lại tác phẩm để nếu bị bắt thì được khoan hồng. Nếu bảo tàng quan tâm đến việc đàm phán, họ nên in một thông điệp được mã hóa trên tờ The Boston Globe.

6df06afb38a62b06c81e5413c0010d939088c02d-2000x1333_11zon.jpeg
Sau 34 năm vẫn chưa tìm ra thủ phạm vụ cướp, những khung tranh trống vẫn treo tại Isabella Stewart Gardner

Anne Hawley đã làm theo và nhận tiếp lá thư thứ hai. Lần này người viết lại cho rằng đang lo sợ chính quyền liên bang sẽ vào cuộc, điều tra được danh tính nên tạm hoãn để xem xét các giải pháp thích hợp nhất. Về sau, FBI đã tìm ra người viết lá thư, là một thanh niên…quá mê truyện trinh thám.

Sau 34 năm, vụ cướp tranh táo tợn vẫn chìm trong bóng tối.

Tổng hợp