Nhớ chuyện của người họ Mai
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 22:41, 17/03/2024
…Năm anh em ruột nhà họ Mai ở xứ Quảng ấy, do việc viết nên tôi may mắn được gặp, được ngồi với 3 người. Ông cả Mai Thúc Lân từ hồi còn làm Chủ tịch Hà Bắc. Rồi nhà báo Mai Thúc Long - Hoàng Phương, Phó GĐ Đài TNVN. Lâu hơn cả là với GS Mai Quốc Liên (GS MQL).
GS Mai Quốc Liên và nhạc sĩ Văn Cao. |
Gia thế nhà mấy anh em họ Mai khá đáng nể! Ông nội đỗ tú tài. Bác ruột là cử nhân, tham gia phong trào Cần Vương, một trong những người thảo Chiếu Cần Vương cho vua Hàm Nghi. Bố sớm đi theo cách mạng. Mẹ giỏi nhớ thơ ca, thuộc làu làu Truyện Kiều.
Sinh ra trong dòng họ được dân xứ Quảng gọi cái tên là lạ... “Mai ngang”; Ngang vậy mà cả năm anh em trai Mai Thúc Luân, Mai Thúc Long, Mai Thúc Lân, Mai Quốc Liên, Mai Thành Ban đều thành đạt ở nhiều lĩnh vực.
Chả phải vì nhiều người có chung nhận xét, mà tự tôi thấy mấy anh em nhà này cái cá tính hơi bị trội là ngang, thẳng! Vậy nên có tên là Mai ngang? Tất nhiên trữ lượng ngang mỗi người có khác. Ngang khác với gàn quải, ngang phè.
Có lẽ phẩm chất bộc trực ngang, thẳng… ít thích hợp với ngạch quan lại, chính khách? Nhưng hạp với nghề chữ nghĩa trong lãnh địa nghiên cứu phê bình như GS MQL? Mặc dù trên thực tế mang lại chả ít những hệ lụy?
Cũng thú vị khi cả mấy anh em, mỗi người mỗi nghề, mỗi việc. Nhưng cuối đời đều “vịn” vào chữ nghĩa? Để mà chi? Lập ngôn. Cân bằng, bộc bạch nỗi lòng chăng?
Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân có hẳn một tập thơ và cuốn hồi ký. Ông em Mai Thúc Long cũng ra một tập sách khá ấn tượng. GS MQL nghề chữ nghĩa thì khỏi nói. Đoạt nhiều giải thưởng văn chương trong đó có Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Chủ nhân hàng chục công trình nghiên cứu thâm sâu. Từng được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm Hoa Kỳ (VNPF) năm 2013 trao giải thưởng. Tất tả kinh sử là thế nhưng lẩn mẩn thế nào, đứng riêng hẳn một tập thơ…
“Nghe giọng Quảng Nam người ta nhận ra cái chất thật thà, chất phác, giọng nói chảy ra từ cái tâm, bộc trực, giản dị, tự nhiên như nước trên nguồn chảy xuống”.
Câu ấy tác giả là Mai Thúc Long.
Dịp kết thúc Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 (8/2010), nghe nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu (vốn chơi khá thân với MQL) rủ đi Móng Cái, GS MQL vốn lâu nay cư trú trong TPHCM, khoái quá hăng hái nhập bọn ngay.
Hồi ấy chưa có cao tốc, xe phải gập ghềnh non ngày.
Nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu “tố” ngay thói quen lâu nay của GS MQL rằng làm gì thì làm, ăn sáng phải đúng giờ. Và nếu có điều kiện phải tươm tươm. Bởi vì việc ăn sáng tươm tất là khởi đầu cho cả một ngày hiệu suất!
Cái cười của GS MQL như một sự thú nhận! Trên xe tôi có tò mò gợi lại chuyện hôm ở Đại hội, nhân sắp tới Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du. GS có nhiệt thành tiến cử GS Nguyễn Văn Hoàn là yếu nhân của Ban tổ chức.
Yếu nhân này quả tôi chưa được biết?
GS MQL kéo từ cái túi du lịch ra một tập giấy.
Tôi đón lấy tập tài liệu (và có thể là bản thảo?) đánh máy giấy đã tơ tướp. Trong số ấy GS MQL có những trang hồi ức về thuở xa, tận năm 1965, MQL trong Tổ công tác xúc tiến sự kiện 200 năm Ngày sinh thi hào Nguyễn Du!
Thấy nể cùng ngại thêm cái tính thận trọng nghiêm cẩn trong việc nghiên cứu của ông này. Bởi bình thường GS muốn sẻ chia thì cứ nhẩn nha kể trên xe cũng được, nhưng hình như nói có sách vẫn cứ là hơn?
Ấy là vào khoảng cuối xuân đầu hạ 1965 - tôi nhớ mang máng thế - GS Nguyễn Văn Hoàn dẫn một đoàn cán bộ của Tổ Cổ - Cận vào thăm quê Tiên Điền của Nguyễn Du. Đoàn gồm Trần Nghĩa (sau này là Viện trưởng Viện Hán Nôm), Nguyễn Văn Phát, Kiều Thu Hoạch và Mai Quốc Liên. Đi bằng xe đạp. Ngày đạp xe mải miết trên quốc lộ 1 lúc đó còn chưa bị máy bay oanh tạc nhiều như sau này, tối tìm nhà dân nghỉ và nấu ăn. Đến Thanh Hóa, đêm hôm đó gặp đoàn các nhà văn, trong đó có cụ Khương Hữu Dụng cũng đi thực tế Khu Bốn, bị một trận Mỹ đánh bom cầu Hàm Rồng, bắt đầu nếm mùi vị chiến tranh phá hoại.
Đến Tiên Điền Nghi Xuân thì đoàn gặp được chắt Châu (?). Đó là hậu duệ xa đời cụ Nguyễn Du. Ông lão này người cao lớn (có thể suy ra là Nguyễn Du cũng không phải vóc dáng thư sinh mảnh khảnh, yếu đuối, nên có lúc mang gươm làm võ tướng!). Nhưng chẳng tìm được tư liệu gì về Nguyễn Du. Có đến thăm mộ - năm đó mộ của Nguyễn Du đúng là “sè sè nắm đất bên đường”. Chiến tranh, gian khổ… chưa có điều kiện lo cho mộ của cụ. Có chuyên gia Liên Xô đưa ý kiến nếu tìm được hộp sọ Nguyễn Du, thì với trình độ khoa học của Liên Xô, có thể phục nguyên lại toàn bộ khuôn mặt, vóc dáng… Nhưng không thấy có tăm hơi gì. Chắc vì từ khi Nguyễn Du mất, chôn ở Bàu Đá, kinh đô Phú Xuân; 3 năm sau cải táng về Tiên Điền, đến nay xương cốt chắc cũng chẳng còn gì…
Sau đó, đoàn đi vào Đèo Ngang. Đến Đèo Ngang, đói quá, vào quán gặp món cá bể, anh em ăn lấy ăn để. Có ý kiến cảnh giác Mỹ rải chất độc trên biển, ăn cá nguy hiểm. Nhưng đói, gặp bữa, chuyện đó để sau tính. Chúng tôi đến thăm trận địa cao xạ 57 ly đóng ở đèo, gặp chiến sĩ, cán bộ trò chuyện thân thiết, niềm nở. Trở ra Vinh, thì gặp cụ Hoài Thanh vào.
Rồi về Hà Nội, rồi đi sơ tán Hà Bắc, rồi tổ chức kỷ niệm 200 năm sinh cụ Nguyễn Du rất hoành tráng.
Trở lại câu chuyện của GS MQL về Nguyễn Văn Hoàn, người dịch một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất của nhân loại - cuốn Thần khúc của Dante.
“…Lúc đó còn trẻ, anh là một trong những người góp phần tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Du gây được ấn tượng tốt dư luận trong nước và quốc tế.
Nguyễn Văn Hoàn là một nhà nghiên cứu, một nhà giáo mẫu mực. Anh làm hồ sơ, làm tư liệu nghiên cứu rất kỹ, có tư liệu nghiên cứu cả ở nước ngoài (tư liệu anh để lại mấy chục hòm). Thời đó, anh có mối liên hệ quốc tế với các nhà nghiên cứu Nga, Pháp, Trung Quốc và các Việt kiều. Đặc biệt, chuyến đi Bắc Kinh (Trung Quốc) tìm tư liệu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du của anh đã đem về cho chúng ta những tư liệu quý giá.
Đó là hồ sơ, văn thư về chuyến đi sứ vào năm 1813 của Nguyễn Du ở Trung Quốc; hành trình, công việc, văn bản... còn ghi chép, còn lưu trữ ở “Thạch thất” của Hoàng thành Bắc Kinh. Nhờ đó, chúng ta biết thêm về Nguyễn Du, nhất là về Bắc hành tạp lục, tập thơ gồm những kiệt tác của Nguyễn Du. Những ý kiến của những nhà nghiên cứu Trung Quốc về Nguyễn Du qua trao đổi với anh, chẳng hạn về các bài thơ chữ Hán Dương phi cố lý hay Độc Tiểu Thanh ký... thì không nhất thiết Nguyễn Du phải đến tận nơi mới làm thơ!
Gần đây, các bạn ở Đại học Bắc Kinh lại mời GS Nguyễn Văn Hoàn sang làm việc lần nữa. “Cố nhân”, “lão bằng hữu” (bạn cũ) mà!
Chuyến đi sau 50 năm. GS Nguyễn Văn Hoàn đã giảng, nói chuyện về Nguyễn Du ở Đại học Bắc Kinh, ở Đại học Quảng Tây... và sau chuyến đi định mệnh mà anh cố thực hiện đó, ông đã mãi ra đi. Có thể nói về ông rất nhiều điều, nhưng rốt ráo, đó là một gương mặt tiêu biểu, một con người suốt đời say mê công việc, một người anh, một người cố vấn, một người bạn tốt... Mất ông, buồn và trống vắng biết bao nhiêu!
Tôi đã làm việc dưới quyền anh Nguyễn Văn Hoàn từ thời mới ra trường và mấy năm gần đây, anh cộng tác hết sức nhiệt tình và hiệu quả với tôi... Tình nghĩa anh em, tình thương mến, lòng kính trọng anh... dào lên khi nghe tin anh đột ngột ra đi. Tôi không bao giờ quên giọng anh nghẹn ngào, thảng thốt báo tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần: “Anh Văn mất rồi!”. Tôi không bao giờ quên anh, gia đình thầy Đặng Thai Mai mà anh là một người rể hiền... Không bao giờ quên những tháng năm anh hướng dẫn chúng tôi đi vào khu IV bằng xe đạp để thăm quê Tiên Điền của Nguyễn Du và thăm các trận địa pháo...”.
Hỏi thêm GS, được biết, nhiều năm cuối đời, GS Hoàn là cộng tác viên đắc lực của Tạp chí Hồn Việt và Trung tâm Quốc học do GS Mai Quốc Liên chủ trương.
GS MQL là thế! Nghiêm cẩn thận trọng. Tình đồng nghiệp tình người, phân minh, chan hòa. Có người “soi” rằng, GS MQL đã khó tính lại kém… liên tài mà chỉ chăm chắm bo bo việc nghiên cứu, viết lách riêng địa hạt của mình mà bẵng đi tình chia sẻ tương trợ (!?).
Có lẽ họ nhầm? Do cá tính bộc trực thẳng thắn đến quyết liệt của GS trong học thuật đã “dị ứng” với vài nhà nghiên cứu?
Tôi chợt nhớ đến một chuyện ơn nghĩa.
Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm Hoa Kỳ (VNPF) trao Giải thưởng Balaban năm 2013 cho GS.TS. Mai Quốc Liên. |
Ở Đại học Tây Nguyên có một nhà nghiên cứu trẻ rất có triển vọng. Người học trò ấy đã không theo lời động viên như hối thúc của ông thày GS MQL là sớm cho xuất bản một công trình nghiên cứu. Tình cờ biết được hoàn cảnh của học trò mình vợ đang phải điều trị ở bệnh viện, gia đình khó khăn. GS đã gửi trước tiền nhuận bút để trò chữa bệnh cho vợ. Rồi GS thân chinh xin giấy phép, tìm nhà xuất bản để ra sách cho trò…
Trở lại tập tài liệu, nhờ gợi ý của GS MQL mà tôi đã tìm đến người thân của GS Nguyễn Văn Hoàn (thời điểm đó, tiếc thay tôi đã đến muộn, GS Hoàn đã mất) để có thêm nhiều tư liệu về người đã trực tiếp đến các kho lẫm sách quý giá ở Bác Kinh để nghiên cứu tìm hiểu về chuyến đi sứ Nhà Thanh của Nguyễn Du. Tư liệu này tôi đã công bố trong nhiều bài viết dịp 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du (2015).
…Những sải chân thư thả, chậm chạp (như GS đùa tếu mà rằng nhanh nhanh vội vàng để mà… chết à?) của GS trong ngôi đình Trà Cổ lở lói rêu phong (thời điểm đó đình Trà Cổ chưa trùng tu) tôi tò mò dõi theo GS MQL tỷ mẩn hăng hái với những gặp gỡ, hỏi han, ghi chép…
Những sải chân mà GS bộc bạch là lần đầu tiên tới Móng Cái. Nhưng sau này giật thột, là những bước chân đầu tiên và hóa ra cũng là lần cuối của GS ở Trà Cổ, mảnh đất địa đầu Tổ quốc!