Quân sự thế giới hôm nay (16-3): Ukraine hoàn thành thử nghiệm xe bọc thép chở quân có vũ khí điều khiển từ xa
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 07:21, 16/03/2024
* Ukraine hoàn thành thử nghiệm trạm vũ khí từ xa cho xe bọc thép Novator
Công ty Ukraine Armor mới đây thông báo đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm đối với xe bọc thép chở quân 10 chỗ ngồi Novator, phiên bản có trạm vũ khí điều khiển từ xa TAVRIA-14.5 được thiết kế cho súng máy KPVT 14,5mm.
Novator được thiết kế dựa trên khung gầm Ford F-550 4x4. Sự tích hợp này cho phép Novator hoạt động ở các địa hình đầy thách thức và môi trường khác nhau. Phương tiện nổi bật nhờ khả năng chở tới 10 binh linh, đảm bảo an toàn bằng các giải pháp bọc thép tiên tiến trong khi vẫn duy trì tính linh hoạt trong vận hành. Ngoài vận chuyển binh lính, Novator còn có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như tuần tra hay tìm kiếm.
APC Novator được thiết kế với trạm vũ khí điều khiển từ xa TAVRIA-14.5. Ảnh: Army Recognition |
Theo Ukraine Armor, TAVRIA-14.5 là một trạm vũ khí điều khiển từ xa do Ukraine thiết kế cho súng máy KPVT cỡ nòng 14,5mm và được trang bị hộp đạn 200 viên. Nhờ hệ thống điều khiển vũ khí tiên tiến, TAVRIA-14.5 có thể theo dõi, khóa mục tiêu cũng như tiêu diệt chính xác các mục tiêu đang di chuyển của đối phương. Ngoài ra, mô-đun quang điện còn cho phép phát hiện mục tiêu cả ngày lẫn đêm ở khoảng cách trên 5km.
Tiện ích của Novator được đánh giá là vượt xa các phiên bản vận chuyển truyền thống nhờ thiết kế theo phương pháp mô-đun cho phép tích hợp nhiều thiết bị khác nhau. Khả năng này cho phép Novator được trang bị nhiều loại vũ khí và thiết bị, bao gồm cả hệ thống phòng không tinh vi. Tính linh hoạt như vậy đảm bảo phương tiện này có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trên chiến trường, từ hỗ trợ hỏa lực trực tiếp bằng súng máy và súng phóng lựu cho đến đối phó các mối đe dọa trên không bằng khả năng phòng không tiên tiến.
* Nhật Bản trang bị hệ thống VLS cho tàu khu trục lớp Mogami
Cơ quan mua sắm công nghệ và hậu cần Nhật Bản (ATLA) mới đây tiết lộ, Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries của nước này sẽ bắt đầu cung cấp hệ thống ống phóng thẳng đứng Mk-41 (VLS) để trang bị cho 12 tàu khu trục đa năng lớp Mogami của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) trong năm tài chính 2024.
Theo Naval News, trong ngân sách bổ sung cho năm tài chính 2021, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã dành 8,4 tỷ yên để mua 2 hệ thống VLS 16 ống phóng để trang bị cho 2 tàu khu trục lớp Mogami. Theo ATLA, 2 hệ thống đầu tiên sẽ được bàn giao cho Bộ quốc phòng Nhật Bản vào tháng 4 và được trong bị cho tàu JS Niyodo (FFM-7) và JS Yubetsu.
Năm ngoái, bộ quốc phòng nước này cũng quyết định chi thêm 78,7 tỷ yên để mua Mk-41 và các thiết bị khác nhằm trang bị cho 10 tàu lớp Mogami còn lại. Các hệ thống này dự kiến sẽ lần lượt được bàn giao vào năm 2025, 2027 và 2028.
Hình ảnh tàu JS Kumano thuộc lớp Mogami tại IMDEX Asia 2023. Ảnh: Naval News |
Tàu khu trục lớp Mogami (còn được gọi là FFM) là lớp tàu tàng hình đa năng của JMSDF, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ giám sát trên biển. Tàu có chiều dài 133m, rộng 16m, lượng giãn nước tiêu chuẩn là 3.900 tấn và lượng giãn nước đầy tải khoảng 5.500 tấn, có khả năng triển khai và thu hồi các thiết bị không người lái mặt nước (USV) và thiết bị không người lái dưới mặt nước (UUV). Tàu được trang bị hải pháo Mk45 cỡ nòng 127mm, 2 bệ vũ khí điều khiển từ xa, 8 tên lửa diệt hạm, một hệ thống phòng thủ cực gần SeaRAM, hệ thống phóng ngư lôi Type 12, một trực thăng SH-60L.
Ban đầu, JMSDF dự định đóng tổng cộng 22 tàu khu trục lớp Mogami trong một nỗ lực nhằm tăng cường khả năng của lực lượng phòng vệ biển nước này. Tuy nhiên, Tokyo sau đó đã quyết định chỉ mua tổng cộng 12 chiếc cho đến năm tài chính 2023, đồng thời có kế hoạch mua 12 tàu khu trục lớp Mogami cải tiến từ năm 2024 đến năm 2028.
Theo tiết lộ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tàu FFM lớp mới sẽ được trang bị tên lửa tầm xa hơn, tăng cường khả năng chống ngầm và cải thiện khả năng thực hiện nhiều hoạt động hàng hải khác nhau.
* Ấn Độ mua 34 máy bay trực thăng hạng nhẹ tiên tiến Dhruv
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký hợp đồng với công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) để mua 34 máy bay trực thăng hạng nhẹ tiên tiến Dhruv. Dự kiến, 25 chiếc sẽ được biên chế cho lực lượng lục quân, số còn lại cho lực lượng cảnh sát biển. Hợp đồng trị giá 975,06 triệu USD này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của New Delhi nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội nước này.
Dhruv là máy bay trực thăng đa dụng hạng trung 14 chỗ ngồi, 2 động cơ do HAL sản xuất. Nhờ tính linh hoạt trong vận hành, dòng máy bay này được lựa chọn để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như trinh sát, tìm kiếm, cứu nạn hoặc tấn công. Dhruv cũng được sử dụng cho mục đích dân sự.
Dhruv được trang bị 2 động cơ tua-bin trục, cho phép đạt tốc độ tối đa 300km/giờ. Máy bay có tổng chiều dài 15,87m, cao 4,98m, trọng lượng không tải là 3.335kg, trọng lượng cất cánh tối đa là 5.500kg, trần bay 4.500m và tầm hoạt động 659km. Đường kính cánh quạt chính là 13,20m và đường kính cánh quạt đuôi 2,55m.
Dhruv được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự. Ảnh: AP |
Dhruv được đang bị tên lửa 70mm và tên lửa không đối không. Đặc biệt, máy bay còn được lắp đặt tháp pháo sử dụng pháo M621 cỡ nòng 20mm và được kết hợp với ống ngắm gắn trên mũ bảo hiểm. Phiên bản WSI của Dhruv còn được trang bị tên lửa chống tăng Nag với tầm bắn khoảng 4km do Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ phát triển, camera ảnh nhiệt hồng ngoại FLIR, kính ngắm ảnh nhiệt và máy đo khoảng cách laser.
Riêng phiên bản dành cho lực lượng cảnh sát biển được trang bị các thiết bị chuyên dụng bao gồm cảm biến tiên tiến dành cho nhiệm vụ giám sát hàng hải, radar tuần tra cùng các thiết bị cho nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Biến thể này cung cấp hỗ trợ linh hoạt trên không cho nhiều nhiệm vụ hàng hải, giúp nâng cao khả năng hoạt động của lực lượng cảnh sát biển nước này.
TRẦN HOÀI(tổng hợp)