Ninh Bình di dời trạm trộn bê tông 'khổng lồ' khỏi trung tâm thành phố
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:15, 15/03/2024
Ngày 15/3, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cho biết đã chỉ đạo các ngành, phối hợp với UBND TP Ninh Bình và doanh nghiệp, sớm di dời các trạm trộn bê tông, công ty lắp máy, công ty thực phẩm xuất khẩu... ra khỏi trung tâm thành phố Ninh Bình.
"Các ngành và doanh nghiệp phối hợp tìm vị trí khác để đóng cửa, thu hồi dự án tại thành phố, buộc di dời ra khỏi thành phố. Tỉnh lo bố trí vị trí di dời, không đền bù đóng cửa dự án", vị lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình thông tin.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Ninh Bình đang tồn tại hàng loạt nhà máy sản xuất, trạm trộn bê tông, hoạt động gây ô nhiễm. Những năm gần đây, người dân liên tục kiến nghị, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã chỉ đạo xử lý, nhưng đến nay các cơ sở này vẫn chưa được di dời.
Các cơ sở sản xuất đang tồn tại giữa trung tâm thành phố Ninh Bình gồm: Trạm trộn bê tông Xuân Thành, trạm trộn bê tông Xuân Trường, Công ty TNHH giấy Tiến Dũng (phường Tân Thành); Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Lilama (phường Thanh Bình)...
Hầu hết các cơ sở này đều nằm sát khu dân cư, trường học... Mỗi khi các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, khói bụi bay vào nhà dân, cùng với đó là tiếng ồn từ máy móc, thiết bị khiến người dân bức xúc.
Từ năm 2016, tỉnh Ninh Bình đã thống nhất chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm trên ra khỏi trung tâm thành phố. UBND tỉnh Ninh Bình và các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều hội nghị và nhiều lần hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện.
Gần đây nhất, năm 2021, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan, đồng thời ra "hạn chót" phải di dời các cơ sở trên ra khỏi trung tâm thành phố Ninh Bình trước tháng 8/2021. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều năm trôi qua, việc di dời các cơ sở này vẫn chưa thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết những dự án sản xuất kinh doanh này với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với các quy hoạch trước đây (đều là khu vực ngoài rìa thành phố). Do vậy dự án cũng có thời gian hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, qua thời gian, đô thị được mở rộng, những dự án này không còn phù hợp nữa về mặt ngành nghề, tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, nhất là đô thị du lịch. Về việc này, tỉnh đã có nhiều hội nghị, nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt.
"Chủ các cơ sở sản xuất này đều chia sẻ với định hướng phát triển của đô thị và cần phải bảo vệ môi trường. Vì thế, doanh nghiệp cũng đã phối hợp tìm vị trí khác để đóng cửa, thu hồi dự án tại thành phố Ninh Bình để di dời ra khỏi thành phố", ông Sơn nói.
Ngoài các trạm trộn bê tông, công ty lắp ráp máy... đối với các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ và ốp lát trong thành phố, tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu chuyển đổi sang làm thương mại và trưng bày sản phẩm, còn xưởng sản xuất thì ở bên ngoài thành phố.
"Trong thời gian chưa di dời, yêu cầu các cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm bảo vệ môi trường (giảm tiếng ồn, khói bụi, nước thải) và chịu sự giám sát, kiểm tra, quan trắc tự động về môi trường nếu cần", ông Sơn nêu rõ.
Được biết, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã giao các ngành nghiên cứu quy hoạch lại các cơ sở sản xuất này trên tinh thần chuyển từ đất sản xuất sang đất thương mại hoặc đất công cộng, đất ở đô thị.