Quản lý chặt người hành nghề khoan nước dưới đất

Nhịp sống - Ngày đăng : 15:07, 14/03/2024

Người hành nghề khoan nước dưới đất phải tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan. Nếu hành nghề khoan nước quy mô lớn, phải tốt nghiệp đại học trở lên.

Dự thảo Nghị định quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước vừa được

Dự thảo quy định về hành nghề khoan nước dưới đất có quy mô nhỏ (khoan và lắp đặt các giếng khoan nước có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110mm và thuộc công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200m3/ngày đêm), quy mô vừa (khoan và lắp đặt các giếng khoan có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250mm và thuộc công trình có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm) và quy mô lớn gồm các trường hợp còn lại.

Quản lý chặt người hành nghề khoan nước dưới đất - 1

Người hành nghề khoan nước dưới đất phải tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan (Ảnh: Năng lượng sạch).

Thời hạn của giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất tối đa 5 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần không quá 3 năm.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép với thời hạn ngắn hơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giấy phép được cấp hoặc gia hạn theo thời hạn đề nghị trong đơn.

Đối với người hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ, dự thảo yêu cầu phải tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan hoặc công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên; đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo hoặc thi công khoan ít nhất 3 công trình khoan nước dưới đất.

Nếu không có một trong các văn bằng quy định nêu trên thì phải trực tiếp thi công ít nhất 5 công trình khoan nước dưới đất.

Với người hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa, dự thảo yêu cầu tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 3 công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm trở lên.

Nếu hành nghề khoan nước quy mô lớn, phải tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan; trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 3 công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên.

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu người hành nghề khoan nước dưới đất cần tuân thủ quy trình kỹ thuật khoan và các quy định về bảo vệ nước dưới đất.

"Bảo đảm người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải có mặt tại hiện trường để chỉ đạo trong thời gian thi công khoan và lắp đặt giếng khoan. Trường hợp gây sụt lún đất hoặc gây sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống nhân dân trong khu vực thi công thì phải ngừng ngay việc thi công và xử lý, khắc phục kịp thời, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về người và tài sản do sự cố gây ra", dự thảo nêu.

Người hành nghề này cũng phải thông báo bằng văn bản về vị trí, quy mô công trình khoan nước dưới đất và thời gian dự kiến thi công cho UBND cấp xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình chậm nhất 7 ngày làm việc trước khi thi công.

Giấy phép hành nghề bị đình chỉ hiệu lực khi chủ giấy phép vi phạm nội dung quy định trong giấy phép gây sụt, lún đất, biến dạng công trình hoặc gây ô nhiễm, xâm nhập mặn nguồn nước.

Trong thời gian giấy phép bị đình chỉ hiệu lực, chủ giấy phép không có các quyền liên quan đến giấy phép và phải có biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại (nếu có).

đề xuất, việc thu hồi giấy phép được thực hiện trong các trường hợp: Chủ giấy phép bị phát hiện giả mạo tài liệu, kê khai không trung thực các nội dung trong hồ sơ; tổ chức là chủ giấy phép bị giải thể hoặc bị tòa án tuyên bố phá sản; cá nhân là chủ giấy phép bị chết, bị tòa án tuyên bố là đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố mất tích.

Người dân khoan giếng phải kê khai thông tin

Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới. Dự thảo nghị định trên sẽ sớm được ban hành để hướng dẫn thực hiện luật.

Khoản 4 Điều 52 Luật Tài nguyên nước quy định, hộ gia đình có khai thác nước dưới đất phục vụ sinh hoạt hộ gia đình phải kê khai (kê khai một số thông tin chính về giếng khai thác).

Việc kê khai nhằm cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền đưa ra những khuyến cáo về chất lượng nước dưới đất, mực nước có nguy cơ bị hạ thấp, suy giảm, khu vực bị sụt, lún đất và phục vụ công tác quản lý bảo vệ nước dưới đất.

Trường hợp khoan giếng mới tương tự để thay thế giếng cũ bị hỏng, suy thoái hoặc bị giải tỏa với thông số khai thác không thay đổi thì không phải thực hiện thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận phương án khoan giếng thay thế và xác nhận bằng văn bản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay có khoảng hơn 28.000 công trình khai thác nước đã được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua việc cấp phép.

Thế Kha