The Body Shop phá sản: Mỹ phẩm giá rẻ thật sự hết thời?
Kinh doanh - Ngày đăng : 18:46, 13/03/2024
Đầu tháng 3, The Body Shop - thương hiệu mỹ phẩm của Anh - đã phải nộp đơn phá sản tại Mỹ và Canada. Cùng với đó, các chi nhánh của The Body Shop tại Anh, Australia cũng chật vật, liên tục đóng cửa và sa thải nhân viên.
Thông tin này nhanh chóng được chia sẻ trên nhiều diễn đàn của hội chị em yêu thích làm đẹp, mỹ phẩm.
Tuy nhiên, số đông chị em cho rằng "thời của mỹ phẩm kiểu dạng The Body Shop" đã hết. Hiện tại, không còn nhiều người muốn dùng các dòng sản phẩm của thương hiệu này. Bên cạnh đó, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối với thương hiệu mỹ phẩm đã có thời gian dài gắn bó với phụ nữ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
So với các thương hiệu mỹ phẩm đang nổi trên thị trường như Obagi, Paula Choice's, Skinceauticals, sản phẩm của The Body Shop giá tương đối rẻ.
Ví dụ, dòng kem dưỡng ẩm thông thường của The Body Shop có giá 600.000 đồng, trong khi đó kem dưỡng ẩm Obagi có giá từ 950.000 đồng trở lên, kem dưỡng ẩm Paula Choice's có giá từ 750.000 đồng trở lên.
Tại Việt Nam, The Body Shop lấy slogan là "mỹ phẩm làm đẹp từ thiên nhiên". Trên website chính thức, thương hiệu lấy thiết kế có màu xanh lá cây làm màu chủ đạo, đồng điệu với ý nghĩa về thiên nhiên.
Linh Trang (Hà Nội) cho biết cách đây khoảng 7-8 năm, khi còn là sinh viên năm nhất đại học, The Body Shop là thương hiệu mơ ước của cô. Trang luôn cố gắng dành dụm số tiền làm thêm mỗi tháng để mua nước hoa hồng, sữa rửa mặt của thương hiệu này. Thời điểm đó, cô chưa tìm hiểu về các dòng sản phẩm đặc trị, tái tạo da, chỉ tập trung dưỡng da thông thường.
Hiện tại, khi tài chính đã dư giả hơn, có khả năng chi trả nhiều hơn cho mỹ phẩm, Trang không còn lựa chọn The Body Shop hay các thương hiệu mỹ phẩm tầm trung như Etude House... Bởi lẽ, hiện nay, khi nhu cầu chăm sóc da rõ ràng hơn, Trang lựa chọn các thương hiệu nổi tiếng với những sản phẩm đặc trị, chống lão hóa.
Theo Trang, có thể The Body Shop cũng có những sản phẩm đặc trị, tinh chất tái tạo da, nhưng thương hiệu này chưa thực sự có chiến dịch quảng cáo để thay đổi suy nghĩ của người dùng. Nhiều năm qua, với Trang, The Body Shop chỉ là thương hiệu mỹ phẩm bình dân, phù hợp với học sinh, sinh viên và "bôi cho có, không có nhiều tác dụng".
Đồng quan điểm, Nhung Nguyễn - chủ tiệm spa ở Hà Nội - cho biết cửa hàng của cô ngoài làm các dịch vụ về chăm sóc da, cô có kinh doanh mỹ phẩm online. Tuy nhiên, nhiều năm qua, khách hàng của Nhung chỉ đặt mua những sản phẩm của các thương hiệu như Kiehl's, Obagi, Estee Lauder hay SK II, Sulwhasoo... dường như không ai nhắc về The Body Shop.
Theo Nhung, từ thiết kế bao bì sản phẩm, hình ảnh thương hiệu đến các chương trình quảng cáo, The Body Shop không tiếp cận được hội chị em đã có gia đình - nhóm khách hàng có khả năng chi trả.
Ngoài ra, các sản phẩm của The Body Shop khá nghèo nàn, chỉ quanh quẩn mấy sản phẩm cơ bản như kem chống nắng, nước hoa hồng. Với sản phẩm đặc trị, The Body Shop có tinh dầu tràm trà, tinh dầu tái tạo, không có các sản phẩm đặc trị sâu.
Hiện tại, khi nhu cầu làm đẹp ngày càng phát triển, hội chị em có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các kiến thức về chăm sóc da. Do đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm dưỡng da cao cấp cũng từ đó tăng lên.
"Đã mất tiền mua thì cố thêm chút mua cái chất lượng hẳn, còn không thì bôi cũng như không, phí tiền, tốn thời gian", Nhung Nguyễn chia sẻ.
Do vậy, thông tin The Body Shop phá sản ở Mỹ và Canada khiến nhiều người tiếc nuối cho một thương hiệu từng đình đám một thời. Thế nhưng, số đông cho rằng thông tin này không gây bất ngờ. Bởi lẽ, nhiều người dùng nhận định rằng The Body Shop dường như chưa "chạy kịp" với nhu cầu làm đẹp ngày càng phát triển của nhóm khách hàng tiềm năng.