Metro số 2 TPHCM có nguy cơ tăng vốn

Nhịp sống - Ngày đăng : 15:01, 12/03/2024

Thay đổi thiết kế, trượt giá, tiến độ triển khai chậm kéo dài khiến kế hoạch hoàn thành bị đẩy lùi là những nguyên nhân chính có thể khiến dự án metro số 2 đứng trước nguy cơ tăng vốn.

Do nhiều yếu tố bên ngoài khác nhau như thay đổi thiết kế, trượt giá, chậm trễ kéo dài, tổng mức đầu tư có thể tăng đáng kể và đòi hỏi quá trình điều chỉnh dự án kéo dài.

Nội dung được nêu tại báo cáo của Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM về kết quả làm việc với phái đoàn nhà tài trợ trong việc xem xét, xử lý các khoản vay, kế hoạch tài chính và tiến độ hiện tại của metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Theo đó, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM đã đề nghị các nhà tài trợ sớm tiến hành các thủ tục cấp vốn cho dự án.

Theo ý kiến của Ngân hàng ADB, các khoản vay trước đây của ADB dành cho dự án đã bị hủy bỏ mà không có nhiều tiến độ rõ ràng của dự án.

Metro số 2 TPHCM có nguy cơ tăng vốn - 1

Phối cảnh tàu metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (Ảnh: MAUR).

Vì vậy, việc xử lý các khoản vay mới của ADB hiện là quy trình hoàn toàn mới và khó khăn hơn. Ngân hàng yêu cầu thông tin dự án metro số 2 đã được cập nhật đầy đủ để tiến hành khoản vay mới.

Sau khi tư vấn, gói thầu Tư vấn kiểm soát thực hiện dự án và giám sát thi công (mã gói thầu CS2B) hoàn tất công tác đánh giá dự án, Ngân hàng ADB sẽ xem xét duyệt các khoản vay mới. Trường hợp tổng mức đầu tư được cập nhật vượt quá tổng mức đầu tư đã được phê duyệt năm 2019, ngân hàng xác nhận cam kết tiếp tục hỗ trợ tài trợ cho dự án.

Do nhiều yếu tố bên ngoài khác nhau như thay đổi thiết kế, trượt giá, chậm trễ kéo dài, Ngân hàng ADB dự đoán tổng mức đầu tư sẽ tăng đáng kể và đòi hỏi quá trình điều chỉnh dự án kéo dài.

Ngân hàng Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đồng quan điểm với ADB là cần có tư vấn CS2B rà soát lại thiết kế, tổng mức đầu tư dự án.

KfW nhấn mạnh rằng quan trọng nhất là đảm bảo huy động được tư vấn CS2B càng sớm càng tốt. Trường hợp tư vấn tính toán lại dẫn đến tăng tổng mức đầu tư thì nhu cầu tài chính tổng thể phải được xem xét.

Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) không yêu cầu tổng mức đầu tư phải được phê duyệt chính thức để được phê duyệt khoản vay mà chỉ cần cập nhật tổng mức đầu tư theo ước tính của tư vấn CS2B.

Về thời gian phê duyệt khoản vay, EIB đặc biệt ưu tiên phê duyệt khoản vay của mình cùng lúc với khoản vay mới đầu tiên của Ngân hàng ADB, nghĩa là trước khi trao hợp đồng CP3a/b.

Hồi tháng 10/2023, TPHCM có quyết định phê duyệt thời gian đưa vào khai thác metro số 2 đến hết năm 2030 và 2 năm sửa chữa khiếm khuyết, bảo hành (đến hết năm 2032), thay vì năm 2026 như kế hoạch trước đó.

Công tác chọn nhà thầu xây lắp chính đang phụ thuộc vào tiến trình đấu thầu chọn được tư vấn. Do hợp đồng với tư vấn IC (tư vấn cũ) đã chấm dứt, sau khi đàm phán không đạt kết quả.

Metro số 2 TPHCM có nguy cơ tăng vốn - 2

Sơ đồ nhà ga dọc tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM, dự kiến tháng 8 năm nay, đơn vị sẽ trao hợp đồng tư vấn kiểm soát dự án và giám sát thi công (tư vấn CS2B).

Sau đó, tư vấn sẽ cập nhật lại hồ sơ thiết kế FEED (thiết kế kỹ thuật tổng thể được triển khai theo thông lệ quốc tế), dự toán và cập nhật hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp chính từ CP2 đến CP7 để đấu thầu.

Các gói thầu được đặt mục tiêu bắt đầu thi công từ tháng 10 đến tháng 12/2025. Thời gian hoàn thành các gói thầu khoảng 60 tháng, tức vào cuối năm 2030.

Dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng mức đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, dài 11,042km (đoạn tuyến đi ngầm dài hơn 9km; đoạn trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 1,9km).

Hành trình này có điểm đầu tại nhà ga Bến Thành (quận 1), điểm cuối tại depot Tham Lương (quận 12) bao gồm 9 ga ngầm, một ga trên cao và một depot; cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ như đầu máy, toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động.

Thư Trần