Ốm nghén nằm dưỡng thai, chị hàng xóm nhắn tin nhờ chồng tôi đủ việc
Gia đình - Ngày đăng : 15:21, 11/03/2024
Vợ chồng tôi mới mua một căn hộ ở sát vùng nội đô, khu đất này được chủ cắt ra xây nhà bán cho 5 hộ gia đình khác. Vợ chồng tôi mua là căn cuối cùng, nằm ở phía cuối trong dãy nhà đó. Vì mới chuyển về đây nửa năm, công việc lại bận rộn đi tối ngày nên chúng tôi cũng ít trò chuyện với hàng xóm.
Thỉnh thoảng trong các sự kiện quan trọng như cuối năm, mấy nhà rủ nhau ăn tất niên thì chúng tôi có góp mặt. Còn những ngày thông thường cũng ít khi hỏi han, thăm nom lẫn nhau như những gia đình khác.
Vì mới mua nhà nên vợ chồng tôi có kế hoạch trả nợ cho xong sớm, chưa nghĩ đến việc có con. Mấy anh chị trong xóm cứ khen chúng tôi sướng vì chưa vướng bận gì cả, tôi cũng nghĩ vậy. Hiện tại tôi và chồng có thể dành toàn thời gian cho công việc, khi nào trả xong số nợ, có con cũng chưa muộn.
Thỉnh thoảng, tôi có bày tỏ quan điểm như vậy với mấy chị hàng xóm, các chị đều cười và khuyên tôi nên nghĩ tới con cái đầu tiên vì hiện giờ tỷ lệ hiếm muộn ngày càng cao. “Giống như cái Lan trong xóm mình đấy, hai vợ chồng chạy chữa cả 4 năm giờ mới có bầu đấy em. Mà khổ ghê ấy, đúng lúc ốm nghén mệt mỏi chồng lại đi công tác dài ngày, thành ra suốt cả ngày chỉ nằm ở nhà cũng chán chết đi được”.
À, hóa ra chị Lan ở đầu xóm mới có bầu. Giờ tôi mới biết, chắc do tôi cũng ít khi giao lưu. Tôi nói thêm một vài câu rồi xin phép về trước nấu cơm tối.
Tối hôm đó, chồng tôi về muộn hơn bình thường, chưa kịp vào nhà, đã thấy anh dựng xe rồi tất tả bấm chuông cửa nhà chị Lan. Anh đưa món đồ gì đó rồi về ngay, bảo với tôi: “Anh chị ấy biết mình làm ở gần phụ sản, nên nhờ mua mấy loại thuốc trên đó cho uy tín”. Tôi cũng không để tâm quá nhiều vì hàng xóm láng giềng việc “tối lửa tắt đèn” có nhau cũng là chuyện bình thường.
Thế nhưng kể từ đó, tôi bắt đầu thấy khó chịu với chị Lan. Ngoài mua thuốc, hôm thì chị nhờ chồng tôi mua đồ ăn trên phố vì “tự dưng chị nghĩ đến thì thèm”, hôm thì lại nhờ chồng tôi mua cho cốc chè, cốc nước, có lúc lại nhờ đi mua ít đồ gia dụng trong gia đình, thậm chí có hôm còn nhờ chồng tôi sang sửa bình gas. Nhưng tức nhất vẫn là kèm theo mỗi lời nhờ vả lại tâm sự dày mỏng với chồng tôi một chút là “chị mệt mỏi quá, người lúc nào cũng nôn nao, không làm nổi việc gì…
Thôi thì đủ cả các việc, đủ mọi chuyện, cứ nghĩ đến việc gì mà chồng chị không có nhà, thì người chị nghĩ đến đầu tiên là chồng tôi. Trút bầu tâm sự cũng là vào chồng tôi.
Nhiều khi bực quá, tôi cũng cáu bảo chồng: “Tại sao chị ấy cứ phải nhờ anh vậy? Xóm này bao nhiêu đàn ông, có phải mình anh là đàn ông đâu? Chưa kể nhờ việc gì cho đáng, mấy việc gọi đồ ăn, mua đồ, không biết lên mạng mà đặt hàng à? Hay lại sợ tiếc tiền? Mà nếu có sợ tiếc thì nhờ mấy chị em trong xóm mỗi người 1 việc, anh có phải osin đâu”.
Chồng tôi hiểu nỗi bực tức của vợ, cũng ôn tồn bảo: “Thực ra anh cũng thấy phiền phức, nhờ mua thuốc thì anh giúp vì nhà xa xôi, hơn nữa gọi ship thì cũng quá tiền, nhưng nhờ mua đồ ăn anh cũng không hài lòng lắm. Chẳng biết nên nói với người ta thế nào cả”.
Tôi hiểu tính chồng tôi thật thà, thông thường ai nhờ gì anh cũng giúp nhiệt tình, ví dụ như không việc gì chị Lan nhờ mà anh ấy không giúp. Dù không vui vẻ lắm với thói quen nhờ vả quá đà của chị hàng xóm, nhưng chồng tôi thường ngại từ chối. Tôi không biết có nên nhắn tin riêng để bày tỏ quan điểm với chị ấy hay không? Chẳng nhẽ chị ốm nghén 9 tháng là chồng tôi phải làm chân chạy cho chị suốt 9 tháng hay sao?
Ốm nghén lúc nào cần đến gặp bác sĩ?
Rất nhiều phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng ốm nghén ở tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng nôn nghén giảm xuống vào tuần thứ 16 của thai kỳ. Tuy vậy, có tới 20% phụ nữ tiếp tục có các triệu chứng này trong suốt thai kỳ. Nôn nghén nặng có thể gây suy nhược cho người phụ nữ, thậm chí phải nhập viện. Dù khó chịu và mệt mỏi, nhưng không nhất thiết khi ốm nghén mẹ bầu phải đến gặp bác sĩ. Các bà mẹ chỉ nên gặp bác sĩ khi có những biểu hiện sau:
- Sút cân, suy kiệt nghiêm trọng trong thời gian ngắn.
- Nôn nghén kéo dài sau thời kỳ 3 tháng đầu.
- Nôn nghén quá mức, khiến bạn không thể sinh hoạt bình thường được.
- Nôn nghén nặng kèm bụng lớn quá nhanh so với tuổi thai (gợi ý tình trạng chửa trứng).
- Đi tiểu lượng rất ít hoặc nước tiểu có màu đỏ sẫm.
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu khi đứng dậy.
Khi ốm nghén, mẹ bầu cũng có thể áp dụng một số cách dưới đây giúp thuyên giảm tình trạng này:
Thay đổi chế độ ăn uống: Để giảm các triệu chứng buồn nôn, nôn ói các mẹ không nên để bụng đói, ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, mỗi lần ăn không nên ăn quá no. Bổ sung thực phẩm giàu chất sắt như: thịt bò, trứng, trái cây, rau xanh lá đậm, táo, chuối, bánh mì nướng. Ngoài ra, những thức ăn có vị chua rất giàu vitamin có tác dụng chống nôn vô cùng hiệu quả. Đồng thời, tránh xa các loại thực phẩm khiến tình trạng ốm nghén của bạn trở nên trầm trọng hơn như: đồ ăn cay, thức ăn nhiều chất béo, thức ăn có mùi quá mạnh hay rượu bia, cà phê.
Nhấm miếng gừng, chanh hoặc nước chanh: Gừng và chanh là những thực phẩm hữu ích trong việc ngăn chặn hiện tượng buồn nôn.
Không để bụng đói: Thay vào đó, bà bầu có thể chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn không quá no để cơ thể vẫn có đầy đủ năng lượng mà lại không còn cảm giác nôn khó chịu nữa.
Hạn chế đồ chiên, xào chứa nhiều chất béo: Thức ăn chiên, xào là không chỉ là những đồ ăn ẩn chứa nguy cơ ung thư cao mà còn làm tăng các triệu chứng nghén. Mặt khác những đồ ăn này cũng chứa các chất béo không tốt cho sức khỏe của sản phụ và thai nhi. Vì vậy với bà bầu bị nghén, đồ ăn chiên xào cũng không nên dùng nhiều.
Giải tỏa tâm lý: Cuối cùng, bà bầu nên giữ tinh thần thoải mái, thư thái. Hãy coi việc nghén khi mang thai là điều hoàn toàn bình thường, khi cơ thể ốm nghén có thể khiến bạn mệt mỏi nhưng không nên quá lo lắng vì tình trạng này sẽ nhanh chóng qua đi.
Theo Báo PNTĐ