Cựu giám đốc công an Trung Quốc và thủ đoạn đối phó tổ điều tra tham nhũng
Tin thế giới - Ngày đăng : 14:15, 11/03/2024
Khi bị đồng tiền làm lóa mắt, thì nhiều quan chức Trung Quốc sẵn sàng ‘nhúng chàm’ và lợi dụng quyền lực có trong tay để trục lợi. Cách thức nhận hối lộ của các vị quan 'khát tiền' này dù tinh vi đến đâu thì cuối cùng cũng bị phanh phui. Dưới đây là quá trình sa lưới pháp luật của một số quan tham Trung Quốc:
Bài 1: Chân dung nguyên cục phó Trung Quốc ‘rượu chất đầy kho, vàng chứa đầy tủ’
Truyền thông Trung Quốc cho hay, cựu Giám đốc Công an thành phố Thiên Tân Vũ Trường Thuận khi còn đương chức từng bị người dân nơi đây đặt cho biệt danh là “ông Vũ”, điều này chứng tỏ nhiều người chán ghét và bất mãn về những hành vi của ông ta.
“Giám đốc công an thành phố biến thành ‘ông’ rồi. Điều này chứng tỏ danh tiếng của bản thân tôi không được hay cho lắm”, Vũ nói.
Điều tra viên chống tham nhũng Nhậm Ái Quân kể rằng, cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc vào tháng 3/2014 nhận hơn 10.000 lá đơn tố giác, phần lớn có nội dung liên quan tới quan chức công an Thiên Tân Vũ Trường Thuận.
“Những lá đơn tố cáo Vũ đều là nặc danh. Nào là sân tập này do thân nhân của Vũ quản lý, trạm kiểm soát này là của nhà ông ta, đèn tín hiệu hoặc biển quảng cáo nào đó là do thân thích ông ấy dựng lên. Đặc biệt, có một số cuộc gọi giấu tên còn muốn chúng tôi điều tra xem Vũ có thật sự là ‘thành phần hủ bại’ hay không”, ông Nhậm cho hay.
Khi tổ thanh tra chống tham nhũng tới Thiên Tân công tác, bản thân Vũ lúc đó là Giám đốc Công an thành phố cảm thấy có điều bất thường nên ông ta liền tìm cách tiếp cận tổ thanh tra.
“Ông ta nhận định chúng tôi tới Thiên Tân là để điều tra về một cá nhân nào đó. Nên ông ta lợi dụng chuyên án của đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế ở Thiên Tân để tiếp cận tổ thanh tra. Sau đó, ông ta trình bày với tổ thanh tra về đối tượng này, nghi phạm kia nhằm đánh lạc hướng sự chú ý, từ đó bản thân sẽ thoát tội”, ông Lã Lưu Hiến, thành viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) nói.
Điều tra viên Nhậm kể rằng, bản thân ông và các thành viên khác của tổ thanh tra khi công tác ở Thiên Tân phải hết sức cẩn thận để tránh việc điều tra Vũ bị lộ ra ngoài.
“Chúng tôi phải sử dụng thiết bị đặc biệt để quét đi, quét lại phòng họp và phòng ngủ để xem có thiết bị nghe lén lắp ở đó không. Mỗi khi tiến hành họp chuyên án, chúng tôi phải bật máy ghi âm những đoạn hội thoại chuẩn bị từ trước, với mục đích tránh để Vũ nghe được những gì chúng tôi thảo luận. Ngay cả khi nghe và nhận cuộc gọi từ điện thoại di động, chúng tôi cũng không nhắc tới việc điều tra”, ông Nhậm cho hay.
Những biện pháp trên của tổ thanh tra đã khiến cho Vũ Trường Thuận lơ là phòng bị. Khi con rể của Vũ bị bắt vào ngày 19/7/2014 giữa lúc chuẩn bị đi công tác nước ngoài, thì ông này mới nhận thấy mọi thứ diễn ra khác những gì bản thân tính toán. “Những hồ sơ đều được tôi cho vào máy tiêu hủy tài liệu. Tôi cũng điều một chiếc xe chở những chứng cứ đi, nhưng không thể đưa đi hết được”, Vũ nói với ekip sản xuất phim tài liệu “Lưỡi kiếm thanh tra”.
Tới ngày 20/7/2014, Vũ bị đình chỉ công tác và bị điều tra “vì nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”.
Trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng Trung Quốc thu được nhiều chứng cứ về việc Vũ trong thời gian giữ chức Giám đốc Công an thành phố Thiên Tân đã có hành vi lợi dụng chức quyền nâng đỡ nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau; trực tiếp hoặc thông qua người thân để nhận hối lộ số tiền hơn 84,4 triệu Nhân dân tệ; sở hữu nhiều tài sản có từ các hoạt động phi pháp với tổng giá trị lên tới 342 triệu Nhân dân tệ.
Đến tháng 5/2017, Vũ bị Toà án Nhân dân thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam kết án ‘tử hình treo’.
Video: CCTV