Làm đường Chợ Mới - Bắc Kạn trên 5.750 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn cao tốc
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:59, 11/03/2024
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn ý kiến cộng đồng.
Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải). Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.750 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2024 và hoàn thành trong năm 2026.
Tuyến đường sẽ có tổng chiều dài gần 29km, đi qua địa bàn TP Bắc Kạn và huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Điểm đầu của dự án tại km0+000 (km38+600 - lý trình của đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới) và điểm cuối tại km28+807, khớp nối với điểm đầu dự án đường Bắc Kạn - Hồ Ba Bể.
Hướng tuyến của dự án từ km0+000 đi về phía bên trái đường Thái Nguyên - Chợ Mới, bám theo sông Cầu, đi tránh nhà máy Misaki, rẽ phải theo hướng Tây Bắc về phía đông của thôn Khuổi Tai, phía bắc thôn Nà Giáo, Nà Ó (xã Thanh Thịnh).
Sau đó, tuyến đường vượt sông Cầu và giao với quốc lộ 3, bám theo suối Khuổi Quận, các suối Quận, suối Rẹc, suối Nà Đon, suối Khau Rạ, suối Nông Thượng và cắt qua xã Thanh Mai, xã Thanh Vận… Điểm cuối dự án nằm trên phố Nông Quốc Chấn, quốc lộ 3 tại km28+807.
Báo cáo ĐTM cho thấy, tuyến đường được thiết kế cơ bản theo tiêu chuẩn cao tốc cấp 80-100km/h. Trên tuyến sẽ xây dựng 16 cầu (13 cầu vượt dòng chảy; 3 cầu cạn vượt sườn núi, thung lũng và đường tỉnh 259).
Về các yếu tố nhạy cảm môi trường, báo cáo ĐTM thông tin, dự án sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng gần 56,5ha đất trồng lúa và trên 184ha đất rừng sản xuất gây ảnh hưởng tới đời sống, việc làm, sinh kế của các hộ dân.
Tuyến đường quan trọng, rút ngắn thời gian lên Thác Bản Giốc
Hiện nay để kết nối từ Chợ Mới đến Bắc Kạn chỉ có duy nhất tuyến đường quốc lộ 3 được xây dựng từ thời chống Pháp. Mặc dù đã được cải tạo nâng cấp một số lần (gần nhất vào năm 2000) nhưng hiện nay tuyến đường vẫn có các chỉ tiêu kỹ thuật thấp, không phù hợp với xu hướng phát triển giao thông vận tải. Hàng năm, tai nạn giao thông xảy ra nhiều, phương tiện tham gia giao thông khó khăn, đặc biệt các xe container, xe kéo rơ moóc, xe tải trọng lớn, xe khách trên 50 chỗ ngồi.
Báo cáo ĐTM phân tích, quốc lộ 3 hiện tại đi giữa sông Cầu (bên phải) và khu vực đồi núi cao (bên trái) nên việc nâng cấp tuyến đường rất khó khăn. "Mật độ dân cư sinh sống dọc theo tuyến đường quốc lộ 3 rất cao khiến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phức tạp và có chi phí lớn", báo cáo ĐTM nói về khó khăn nếu nâng cấp tuyến đường hiện hữu.
Chủ đầu tư khẳng định, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải, đảm bảo phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 3 hiện tại được thuận tiện, an toàn hơn.
Ngoài việc phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa của tỉnh Bắc Kạn nói riêng, tuyến đường này còn phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa của tỉnh Cao Bằng; trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh miền núi phía Bắc với Trung Quốc qua cửa khẩu Tà Lùng.
Tuyến đường cũng được kỳ vọng phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung với Bắc Kạn (hồ Ba Bể, ATK Chợ Đồn, văn hóa các dân tộc Đông Bắc), Cao Bằng (khu du lịch Pác Bó, thác Bản Giốc)...
Tuyến đường hình thành mới sẽ kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thành một đoạn tuyến cao tốc hoàn chỉnh, rút ngắn thời gian đi lại giữa Hà Nội, Thái Nguyên với Bắc Kạn, Cao Bằng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và an ninh - quốc phòng trong khu vực nghiên cứu.
"Dự án đã hạn chế thấp nhất việc cắt qua rừng tự nhiên, tuy nhiên một số đoạn do yêu cầu kỹ thuật bắt buộc nên không thể tránh được rừng tự nhiên", báo cáo ĐTM cho hay.