Nam công nhân sập bẫy tuyển dụng, khóc nấc vì không còn tiền mua cơm
Pháp luật - Ngày đăng : 19:17, 10/03/2024
Nhẹ dạ, cả tin
Đọc tin tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" trên mạng xã hội, Phương Nam (21 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhanh tay liên hệ với người đăng tin. Ngay lập tức, người này tư vấn cho Nam mọi thông tin liên quan đến việc tuyển dụng, kèm theo thu nhập vô cùng hấp dẫn.
"Email, số điện thoại, trụ sở, logo của cửa hàng,… đều được công ty cung cấp rất chuyên nghiệp và minh bạch. Họ còn có trụ sở riêng, hẹn ngày để tôi đến phỏng vấn nên bản thân tôi cũng không nghi ngờ gì", Nam nói.
Chàng trai cho hay bản thân trước đó là công nhân một nhà máy trên địa bàn TPHCM. Vì nhà máy thiếu đơn hàng, Nam là một trong những công nhân bị giảm giờ làm, thu nhập chỉ còn một nửa so với trước. Thấy không thể xoay xở chi phí sinh hoạt, chàng trai vội ráo riết tìm việc mới trên mạng xã hội.
Ngày đến hẹn phỏng vấn tại công ty mới, Nam được các "nhà tuyển dụng" dắt vào bên trong. Nam kể rằng, trụ sở doanh nghiệp có 2 tầng, bên dưới là nơi ghi hồ sơ cho ứng viên còn bên trên được chia làm 4 phòng riêng biệt để phỏng vấn.
"Lúc đó có rất đông người đến phỏng vấn. 4 phòng lần lượt để ứng viên vào cung cấp thông tin cá nhân, nghe tư vấn đồng phục, khám sức khỏe và cung cấp tài khoản ngân hàng. Các phòng hầu như đều phải đóng tiền để hoàn thành các thủ tục", Nam chia sẻ.
Vét sạch số tiền 2 triệu đồng trong túi, Nam không mảy may nghi ngờ, về nhà chờ đợi đến ngày nhận việc. Trong một lần tình cờ đi mua sắm ở cửa hàng tiện lợi đã ứng tuyển, Nam mới tá hỏa phát hiện bị lừa.
"Tôi thử hỏi nhân viên cửa hàng về thông tin tuyển dụng nhưng họ nói là không hề có. Tôi quay lại trụ sở đó để đòi lại tiền. Họ chẳng những không trả lại mà còn thách thức tôi trình báo công an", nam công nhân bức xúc.
Hết sạch tiền trong túi, Nam không dám chia sẻ với gia đình mà chỉ có thể mượn tiền bạn để sống tạm, rồi "thắt lưng buộc bụng" chờ đến tháng lương tiếp theo từ nhà máy.
Nguy cơ mất hàng trăm triệu đồng
Không riêng Nam, anh Văn Hoài (ngụ tại tỉnh Bình Dương) cũng vừa bị lừa mất hàng chục triệu đồng vì công việc làm thêm mà anh tìm qua mạng.
Trước đó, một công ty tự xưng có trụ sở tại tỉnh Kiên Giang và chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành khác đăng tin tuyển dụng nhân công gia công chuỗi hạt, kẹp tóc tại nhà. Anh Hoài cho hay cứ 50-300 đơn hàng hoàn thành, anh sẽ được nhận số tiền từ 300.000 đồng đến 2,8 triệu đồng, chưa kể tiền thưởng.
Thời gian đầu, các đơn hàng đến liên tục, anh Hoài nhận liền "nóng" sau mỗi đơn hoàn thành nên rất tin tưởng. Cứ ngỡ đã tìm được công việc ổn định, không quá vất vả, anh chợt "vỡ mộng" khi đơn hàng nhiều tiền nhất gặp vấn đề.
"Đơn hàng thứ 3 trị giá 45 triệu đồng. Tôi đã cọc hết số vốn và hoàn thành đơn hàng, chỉ chờ lấy lại vốn lẫn lãi. Nhưng chờ mãi không thấy tiền chuyển như những lần trước, phía công ty thì hứa hẹn và lấy đủ lý do.
Tôi thấy nghi ngờ và sốt ruột lắm. Không ngờ vài ngày sau, tôi không liên lạc được với người quản lý nữa. Tài khoản của tôi bị chặn, tôi tìm đến trụ sở công ty thì nơi đó đã đóng cửa", anh Hoài chua chát, nói.
Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), vấn nạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử, làm "việc nhẹ lương cao" đã nở rộ trở lại trong thời gian gần đây.
Trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị lừa đảo chiếm đoạt trên mạng xã hội là khoảng 8.000 - 10.000 tỉ đồng.
Đơn cử, ngày 19/2, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của anh T. (SN 1970, ở Tây Hồ, Hà Nội) có lên mạng xã hội kiếm việc làm cộng tác viên bán hàng online. Tại đây, Anh T. đã đóng 560 triệu đồng để làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng nhưng không rút được tiền ra.
*Tên các nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu