Trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Thiết yếu chứ không phải thứ yếu!
Xa lộ - Ngày đăng : 19:00, 10/03/2024
Ấn tượng đẹp đó khiến tôi không khỏi ngạc nhiên khi theo dõi câu chuyện 200km cao tốc qua tỉnh Bình Thuận không có trạm dừng nghỉ. Trên quãng đường này, du khách không dám mơ cao sang như đồ ăn ngon, sản vật phong phú…, họ chỉ cần điều tối thiểu là một nơi kín đáo và an toàn để đi vệ sinh nhưng cũng không có.
Theo quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), một tuyến đường cao tốc phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu mới được phép thông xe. "Điều kiện tối thiểu" ở đây là phần đường chính tuyến đã hoàn thiện, có đầy đủ hạng mục an toàn giao thông như hàng rào, hộ lan, biển báo, sơn kẻ đường, gờ giảm tốc...
Tuy nhiên, nó không bao gồm các hạng mục khác như đường gom dân sinh, nút giao liên thông, hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ... Rất nhiều đường cao tốc tại Việt Nam đã thông xe mà vẫn thiếu những hạng mục này.
Việc thông xe một tuyến cao tốc mà chưa có trạm dừng nghỉ cho thấy cơ quan quản lý giao thông coi công trình này như hạng mục "thứ yếu" thay vì "thiết yếu". Miễn là tuyến đường đủ an toàn để xe lăn bánh, những thứ khác có thể hoàn thiện sau.
Nhưng nếu nói trạm dừng nghỉ không thiết yếu và không ảnh hưởng đến an toàn giao thông, ấy là chưa mường tượng đến cảnh một tài xế có đôi mắt sắp cụp xuống vì mệt mỏi, nhưng vẫn phải ôm vô lăng qua quãng đường gần 200km không có trạm dừng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra quãng nghỉ ngắn sẽ giúp giảm mệt mỏi cho tài xế xe đường dài, đồng thời giảm tai nạn giao thông trên đường cao tốc. Thông thường sau khi thả khách xuống một điểm dừng nghỉ, tài xế cũng tranh thủ xuống xe nghỉ ngơi, nhấp một ngụm cà phê hoặc lon Red Bull để duy trì tỉnh táo.
Trong trường hợp tài xế không mệt mỏi, anh ta cũng rất cần tìm một nơi dừng xe khẩn cấp khi đám đông hành khách la ó vì buồn... đi vệ sinh.
Hành khách có thể là một gia đình đang trên đường từ TPHCM đi du lịch Phan Thiết, hay từ Hà Nội về Cửa Lò tắm biển. Tưởng tượng trước khi tới được với "cát trắng, nắng vàng", họ phải ngượng ngùng tìm một bụi cây ven cao tốc để giải quyết nỗi buồn. Việc dừng đỗ không đúng quy định cũng dẫn đến rất nhiều rủi ro cho chính xe đang dừng đỗ, và các phương tiện tham gia giao thông khác trên tuyến.
Để những chuyện như trên không tái diễn, giải pháp là quy định trạm dừng nghỉ như một hạng mục bắt buộc phải có trước khi cho thông xe đường cao tốc.
Ở đây, Bộ GTVT đứng trước 2 luồng quan điểm. Một nhóm cho rằng những con đường mới cần được khai thác càng sớm càng tốt. Chỉ cần nó san sẻ lưu lượng cho tuyến quốc lộ đông đúc chạy song song, những thiếu sót như trạm dừng nghỉ sẽ được chiếu cố.
Nhóm còn lại là những người "cầu toàn", đòi hỏi sự đồng bộ ngay từ đầu. Đối với họ, đường cao tốc phải có đủ dải phân cách cứng, làn dừng khẩn cấp và đặc biệt phải đầu tư trạm dừng nghỉ trước khi thông xe. Những hạng mục này không chỉ cần thiết mà còn là bắt buộc để đảm bảo an toàn và tiện ích cho người sử dụng đường cao tốc.
Nhìn lại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Bộ GTVT đã lựa chọn quan điểm "cầu toàn", yêu cầu công trình phải hội đủ điều kiện an toàn mới được khai thác. Sự cầu toàn của chủ đầu tư khiến công trình trông như đã hoàn thành từ năm 2018, nhưng mãi đến 2021 mới chính thức được khai thác.
Nếu Bộ GTVT cũng áp dụng quan điểm "cầu toàn" như trên với các dự án cao tốc, Bộ sẽ không thể kết thúc năm 2023 với bảng thành tích đáng khích lệ: thông xe 9 dự án cao tốc, tương đương 475km.
Trên thực tế, khi quyết định cho thông xe loạt cao tốc mới vào năm 2023, lãnh đạo Bộ GTVT ý thức rõ những khiếm khuyết của chúng. Các đoạn tuyến hoặc thiếu làn dừng khẩn cấp, hoặc thiếu dải phân cách giữa, chưa có trạm dừng nghỉ, chưa có camera và các hạng mục giao thông thông minh.
Quan trọng hơn, chúng chưa được giao cho một đơn vị chuyên trách về vận hành và bảo trì (Operations and Maintenance - O&M). Cao tốc được Ban quản lý dự án vận hành tạm, sau đó bàn giao lại cho Cục Đường bộ Việt Nam. Cục Đường bộ cũng đang quản lý tạm trong lúc chờ chủ trương thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Khi chủ trương này được thông qua, Bộ GTVT có thể ký hợp đồng nhượng quyền thu phí cho một đơn vị O&M chuyên nghiệp.
Trong cuộc làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam vào cuối năm 2023, một lãnh đạo Bộ GTVT kỳ vọng vai trò tổ chức giao thông, quản lý vận hành tạm của Cục Đường bộ sẽ bù đắp được những khiếm khuyết của tuyến đường. "Khi thiếu làn dừng khẩn cấp, chúng ta bù đắp những bất cập ấy bằng khâu tổ chức giao thông thì sẽ đạt được hiệu quả", lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Với hàng loạt vụ tai nạn và phiền toái phát sinh tại các tuyến cao tốc mới thông xe, thiết nghĩ Bộ GTVT có 2 việc cần làm:
Thứ nhất là đảm bảo Cục Đường bộ và các đơn vị "quản lý tạm" cao tốc nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực quản lý vận hành tuyến đường theo đúng tinh thần "bù lại các khiếm khuyết" về hạ tầng.
Có thể tham khảo cách làm của Ban quản lý dự án Thăng Long - chủ đầu tư của cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Trong lúc chờ khởi công trạm dừng nghỉ trên cao tốc này, họ đã cho lắp đặt ngay trạm dừng tạm với dãy buồng vệ sinh lưu động. Giải pháp này tốn vài tỷ đồng nhưng đã giúp giảm bức xúc cho hành khách trên quãng đường 170km từ Ninh Bình về Nghệ An.
Thứ 2 là lấy câu chuyện vừa qua làm bài học kinh nghiệm để có giải pháp đầu tư đồng bộ, không để tái diễn tình trạng thiếu trạm dừng nghỉ, thiếu hạng mục phụ trợ ở những cao tốc sẽ thông xe trong thời gian tới.
Trước mắt, Bộ GTVT sẽ thông xe 2 tuyến cao tốc BOT là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào dịp 30/4 năm nay. Sang năm 2025, 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 cũng sẽ đồng loạt về đích.
Tác giả: Ngọc Tân là phóng viên chuyên trách lĩnh vực giao thông vận tải từ năm 2018. Trong 6 năm theo dõi lĩnh vực, anh chứng kiến trọn vẹn việc triển khai 2 đại dự án cao tốc Bắc - Nam (gồm 23 dự án thành phần). Ngọc Tân duy trì góc nhìn công tâm với việc phát triển đường cao tốc, gồm ghi nhận những thay đổi tích cực từ con đường mới và chỉ ra các khiếm khuyết của chúng.