Phận đời trong sách 'Kẻo tro bay mất': Khi đời và phim gặp nhau ở chữ tình
Dòng chảy - Ngày đăng : 16:02, 10/03/2024
Chắt lọc những tinh túy trong nghiệp viết của đạo diễn Việt Linh, Kẻo tro bay mất là những mẩu chuyện và suy tư của cô về đời sống và phim ảnh.
Cuốn sách dày 392 trang, đưa người đọc đi qua mọi cung bậc cảm xúc, thôi thúc con người chiêm nghiệm và chất vấn chính mình để sống trọn vẹn giữa cuộc đời, với tình nghĩa, trách nhiệm và lương tâm.
Nước mắt đau và nước mắt thương
"Nếu nước mắt mà dập tàn đám cháy, thì nhân gian này đâu còn nỗi đau ai. Nhưng nếu nước mắt mà ráo khô đi cả, thì còn ai thương ai nữa giữa đêm dài…".
Đạo diễn Việt Linh đã mở đầu cuốn sách bằng một đoản thơ được tặng thời hoa niên như thế. Cô mong những con chữ trong Kẻo tro bay mất cũng như nước mắt, "không đủ lực xoay dời nhân thế" nhưng "lặng lẽ đi cùng độc giả".
Qua trang văn của Việt Linh, cuộc sống không trôi qua, mà lắng đọng. Từng khoảnh khắc, từng góc nhỏ cuộc đời đều được cô lưu tâm, khắc ghi và soi rọi.
Chiếc áo cũng cất lên tiếng nói, rằng "trong mỗi thứ kỳ cục đều cất chứa một câu chuyện". Tiếng gọi đánh động lũ chuột chạy trốn nhắc nhở về lương tâm. Chiếc xe đạp thể dục bị hỏng khuyên nhủ con người chậm lại trước khi nổi quạu và nghi oan người khác.
Những bông confetti khơi gợi hoài niệm về ám ảnh nợ nần. Cuộn chỉ mỏng dần đem đến niềm vui được "lẳng lặng xoay, lẳng lặng mòn hao sau những vòng quay nhỏ cho đời".
Đặc biệt, đạo diễn Việt Linh rất xót xa trước những cảnh đời bất hạnh, nhất là số phận người phụ nữ và người phải xa quê kiếm sống.
Bài viết Kẻo tro bay mất là câu chuyện cô gái lấy chồng Hàn Quốc đi xa để mẹ có tiền sửa nhà, để rồi chỉ sau 24 ngày làm dâu đã rơi xuống từ tầng 14. Việt Linh đau lòng nghĩ "em bị xô xuống trước ngày bước lên xe hoa".
Lại còn người phụ nữ làm nghề dọn rác nhà thương với nhiều đồng nghiệp nhập cư, quần quật kiếm nhiều tiền để nuôi giấc mơ cho con học bác sĩ và xây nhà thương ở quê hương, bị cười viển vông nhưng kệ, vì "viển vông để có cớ sống".
Tác giả nâng niu những mảnh đời đó, để họ hiện ra trong trang sách một cách hiền hòa mà khó thể phai nhòa.
Đạo diễn Việt Linh không ngừng suy tư, tự hỏi về những sự kiện thời sự, các tin tức xã hội hàng ngày.
Đó là sự kiện tàu Dìn Ký để lại ám ảnh về người mẹ ôm con đến khi cả hai không còn hơi thở; là chuyện nước ô nhiễm ở Hà Nội và mong muốn khẩn thiết về trách nhiệm và luật pháp; là những con chữ trên báo chí "có thể thiêu đốt uy tín/sự nghiệp của con người, kể cả người viết ra chúng"; là sự vô tình khi chụp ảnh gia đình nạn nhân vụ chìm phà Sewol và quên mất "quanh ta có nỗi buồn".
Mong muốn cuộc sống chung ngày một tốt hơn là điều mà bạn đọc sẽ dễ dàng đồng cảm và chia sẻ với Việt Linh.
Là một người mẹ, nữ đạo diễn trăn trở về cách nuôi dạy con và rất quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ. Sống xa quê hương, cô lo lắng sợ con mất gốc, nhưng mừng vui khi con khóc nhớ Việt Nam sau một chuyến về lại quê mình.
Cô suy tư khi con đưa ra quan điểm trái với cô giáo trong bài tập và tự nhủ "người lớn tự ái nhưng người lớn cũng hay tự vấn".
Khi đọc một cuốn thơ do một nhóm học sinh lớp năm sáng tác, có lời bình của cô giáo, Việt Linh thán phục vì cô giáo đã có cách giáo dục nhân văn và để trẻ được thể hiện tâm tư một cách hồn nhiên.
Cô hiểu "trẻ con luôn nhớ" và nhắc nhở người lớn có trách nhiệm để ký ức các con không khó quên theo hướng đáng buồn.
Xuyên suốt những tâm sự trải dài qua mọi sự việc cá nhân và xã hội, độc giả sẽ thấy Việt Linh đang vạch mở chính trái tim mình, khuyến dụ người đọc cùng "xông vào" cuộc đời này: dám nhìn nhận, dám phản biện, trở thành công dân có trách nhiệm và sống sao cho tử tế.
Kẻo tro bay mất như lời nhắc nhở lúc thì nhỏ nhẹ, có khi mang tiếng vang to như tiếng chuông báo động, hối thúc sự chú ý, hay khẩn thiết đòi thay đổi.
Lặn ngụp trong phim và nghệ thuật để sống tử tế giữa đời
Một phần lớn của cuốn sách là những trang bình luận, cảm nhận về các tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật và những con người đứng sau các tác phẩm đó.
Người đọc sẽ biết thêm những bộ phim gần như chẳng thấy trang mạng sành phim ảnh có tiếng nào ở Việt Nam review (đánh giá), nhưng thấm đượm giá trị nhân văn và hiện thực, mà nổi bật là các phim tài liệu hoặc phim lịch sử.
Đó là những bộ phim và con người của Hãng phim Giải Phóng, như đạo diễn Hồng Sến với phim Đường ra phía trước.
Việt Linh nhớ hoài khung cảnh khi máy bay ào tới, đoàn dân công tản ra nằm rạp, mà đạo diễn lại lao lên mô đất cao và lia máy reo lên: "Tuyệt lắm!". Người đạo diễn chú tâm quay cảnh con trâu tải đạn, quay trâu nằm xuống ý nói con vật cũng đồng tâm chống giặc.
Bộ phim Người ở trần gây ấn tượng với Việt Linh từ câu chuyện người đàn ông trung niên làm nghề lặn mướn trên sông Hậu Giang, với một bên chân bị tật.
Anh không thích mặc áo, vì "sống mình ên, tối ngày ngâm nước, mặc chỉ tốn công". Chị cảm động trước con người lao động kiếm sống lương thiện đó và nhận thấy "tấm lưng trần của anh là chiếc áo, thanh lành hơn mọi sơn thếp phù hoa".
Những tựa phim nước ngoài được Việt Linh lựa chọn giới thiệu cũng khiến độc giả day dứt khó quên, hòa chung cảm xúc của nữ đạo diễn.
Đó là những thước phim của đạo diễn phim tài liệu người Campuchia, Rithy Panh. Trong Giấy không gói được than cháy dở, ông để những cô gái mại dâm - những con người bất hạnh, bị cuộc sống vùi dập quắt queo - tâm sự với độc giả.
Qua máy quay, ông mang trả họ phẩm giá, bằng hình ảnh những bữa cơm ấm cúng, tấm áp phích minh tinh, trong tương ái, trong tiếng cười thi thoảng.
Bộ phim Un heros khiến người xem nghiêng chao giữa bênh vực và ngờ vực khi mô tả một xã hội khao khát những câu chuyện "người tốt việc tốt" nên thi nhau tạo dựng nên câu chuyện đó.
Nhà văn Hồ Anh Thái nhận xét ngôn ngữ văn chương của Việt Linh trực tiếp mà hàm nghĩa, chính xác mà uyển chuyển, ấm áp cảm xúc, kể chuyện đời, kể chuyện phim mà nhập cuộc như là chuyện chính mình.
Giáo sư Cao Huy Thuần đánh giá không phải chuyện nào của Việt Linh cũng buồn. Ngược lại, tiếng cười của cô không hiếm, nhưng khi đọc xong, gấp sách lại, nghe như từ sách thoảng ra một tiếng thở dài.
"Trong tiếng thở dài ấy thôi, chị thể hiện tất cả đạo lý - đạo lý cách mạng, đạo lý nghệ sĩ, đạo lý làm người, đạo lý làm người Việt Nam", ông nói.
Đạo diễn Việt Linh tốt nghiệp hạng ưu khoa Đạo diễn, Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô VGIK năm 1985.
Nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của bà như: Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo - Thời vang bóng, từng giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước.
Việt Linh hiện hoạt động chủ yếu trong vai trò biên kịch, đạo diễn, giám đốc nghệ thuật sân khấu Hồng Hạc.
Bà cũng là tác giả và chủ biên Tủ sách điện ảnh được khởi xướng từ năm 2006 với nhiều tác phẩm: Dạo chơi vườn điện ảnh, Ý tưởng nghề nghiệp, Chơi cùng cấu trúc, Khung hình tự sự, Hai mươi bài học điện ảnh, Khi đạo diễn trẻ già dặn, Cẩm nang thư ký trường quay, Gọi tiếng cho hình…