Ngày 9/3 năm xưa: Di sản 65 năm của Barbie
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 09/03/2024
Ngày 9 tháng 3 năm 1959, Mattel Inc., một công ty đồ chơi ở miền nam California (Mỹ) chính thức tung ra thị trường một búp bê nhựa cao 11 inch (29 cm) với hình dáng một người phụ nữ trưởng thành, tên là Barbie.
Phỏng chiếu bản thân và giấc mơ tương lai
Thập niên 1950, búp bê chẳng phải xa lạ. Có đến hàng chục loại khác nhau, thậm chí đã trở thành ‘thương hiệu’ nổi tiếng như Raggedy Ann, hay Bild Lilli (Đức). Nhưng Barbie lập tức gây sốt, và cả gây…sốc vì hoàn toàn không giống với hầu hết búp bê đồ mang dáng hình trẻ nhỏ. Barbie có mái tóc vàng, mắt xanh với đôi mi cong vút, vóc dang thon thả có phần…gợi cảm với bầu ngực đầy đặn.
Tác giả của Barbie là Ruth Handler, nhiều giai thoại cho rằng cảm hứng để bà phát triển sản phẩm là từ búp bê Bild Lille của Đức, khi cùng con gái nhìn thấy nó ở một cửa hàng trong chuyến đi Thụy Sỹ. Tuy nhiên, điều này vẫn là bí mật.
Ruth Handler mang hai dòng máu Nga – Do Thái, từ Colorado chuyển đến Los Angles sống năm 1938 sau khi kết hôn với Elliot Handler. Chính tại Los Angles, chồng bà cùng với người bạn là Harold Watson đã lập ra Mattel Inc chuyên kinh doanh đồ chơi.
Là người làm thiết kế sản phẩm cho công ty của chồng, lần đầu nêu ý tưởng một búp bê ‘khác biệt và phỏng chiếu bản thân về tương lai’, Ruth không nhận được sự ủng hộ, kể cả chồng bà.
Ban lãnh đạo công ty gồm toàn nam giới cho rằng đó điều phi thực tế. Chẳng ai mua búp bê mang vóc dáng thiếu nữ khi người chơi là những đứa trẻ non nớt.
Nhưng Handler có cách nhìn…vượt thời đại. Trong lần trò chuyện với tờ New York Times năm 1989, bà kể: “Lúc đó tôi đã quan sát Barbara (con gái Ruth) và thấy rằng nó cứ lẩm nhẩm với con búp bê mai sau lớn lên phải thế này, thế kia. Mọi bé gái đều cần một con búp bê để qua đó phóng chiếu bản thân vào giấc mơ về tương lai của chúng. Búp bê có thể đóng vai một diễn viên, một nhạc sĩ, chính trị gia, hay một giáo viên v..v. Nếu chúng tưởng tượng như thế nào khi 16 hoặc 17 tuổi, thì thật là ngu ngốc khi chơi với một con búp bê có bộ ngực phẳng lì. Vì vậy, tôi đã cho nó có bộ ngực đẹp”.
Cái lý đó của Ruth cuối cùng được Mattel chấp nhận. Barbie chính thức ra đời và ngay lập tức tạo cơn địa chấn trong ngành sản xuất búp bê trẻ em. Chỉ trong năm đầu tiên ra mắt, Mattel đã bán được 351.000 con. Với giá 3 USD, Mattel thu về hơn 1 tỷ USD.
Mẫu hình lý tưởng hay biểu tượng chủ nghĩa vật chất?
Sự xuất hiện của Barbie gây kinh ngạc cho công chúng lúc bấy giờ. Nó tác động đến cuộc sống của nhiều cô gái, thậm chí trở thành hình mẫu và phong cách sống. Barbie là niềm mơ ước của các bé gái, đồng thời tạo ra nỗi ám ảnh về ngoại hình.
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, vào năm 1961 Mattel đã cho ra mắt “phụ kiện” tối thượng của Barbie—bạn trai của cô, Ken. Hai năm sau, Mattel có thêm bạn thân nhất của Barbie, tên Midge. Năm sau nữa có thêm em gái của Barbie, tên Skipper.
Hình tượng Barbie được xây dựng là mẫu quý cô không có chồng hay con cái. Vào đầu thập niên 1960, vì quá yêu mến, những người yêu Barbie đã đề xuất rằng cô chỉ trở nên hoàn hảo nếu gắn thêm với hình ảnh gia đình qua việc phải có những đứa con.
Mattel đã chú ý đến ý kiến này nhưng cuối cùng họ quyết không biến Barbie thành mẹ mà… phát hành một bộ đồ chơi “Barbie Baby-Sits”.
Tuy nhiên, phải đến năm 1980, búp bê Barbie mới được ra mắt dưới hình dạng người Mỹ gốc Phi. Năm đó cũng chứng kiến sự ra mắt của Barbie Latina.
Kể từ những năm 1970, Barbie đã bị chỉ trích vì chủ nghĩa vật chất (tích lũy ô tô, nhà cửa và quần áo). Ngày nay con búp bê đã trở thành biểu tượng cho chủ nghĩa tư bản tiêu dùng và là một thương hiệu toàn cầu kiểu như Coca-Cola.
Năm 2023, Harmony Healthcare IT, công ty quản lý dữ liệu về chăm sóc sức khỏe ở Mỹ, tiến hành khảo sát gần 1.000 phụ nữ thuộc những thế hệ khác nhau về trải nghiệm khi lớn lên cùng với món đồ chơi quen thuộc.
Trong đó, 53% phụ nữ Gen Z cho rằng Barbie đại diện cho hình thể lý tưởng, 39% coi Barbie là hình mẫu. 82% nghĩ rằng Barbie thúc đẩy những kỳ vọng không thực tế về cơ thể đối với các bé gái và phụ nữ.
Yêu mến và cấm đoán.
Barbie đã trở thành một biểu tượng văn hóa và được vinh danh hiếm có trong thế giới đồ chơi. Bằng cách tạo ra một con búp bê với các đặc điểm của người lớn, Mattel đã cho phép các cô gái trở thành bất cứ thứ gì họ muốn. Đó là lý do vì sao từ khi ra đời Barbie đã đóng rất nhiều vai: bác sỹ, người mẫu, diễn viên, phóng viên, vận động viên, cầu thủ, phi hành gia, VĐV trượt băng, trượt tuyết, thư ký, giám đốc cho đến…nữ tu.
Không chỉ bị chỉ trích là biểu tượng vật chất, Barbie cũng bị lên án vì ‘xúi dại’ các thiếu nữ nhịn ăn nhịn uống để mong có được tỉ lệ cơ thể hoàn hảo như thần tượng. Tất nhiên, sức khỏe sa sút trầm trọng. Năm 1994, các nhà nghiên cứu ở Phần Lan đã khẳng định nếu Barbie là phụ nữ thật, vóc dáng lý tưởng đó là vô lý. Bởi sẽ không đủ mỡ để cơ thể có kinh nguyệt.
Mattel đã cố gắng chiều ý khách hàng bằng cách thay đổi khuôn mẫu cơ thể cho Barbie nhiều lần. Năm 2000, mẫu búp bê mới có bộ ngực nhỏ hơn, eo rộng hơn và hông thon hơn. Năm 2016, công ty này đã tung ra thêm ba kích cỡ Barbie: nhỏ nhắn, cao và cong.
Bất chấp những lời phàn nàn, nhiều phụ nữ chơi búp bê vẫn khen ngợi Barbie vì đã mang đến một giải pháp thay thế cho những vai trò giới tính hạn chế của những năm 1950.
Năm 2009, Mattel mở cửa hàng Barbie cao sáu tầng ở Thượng Hải có cả spa, studio thiết kế và quán cà phê cùng với nhiều sản phẩm liên quan đến Barbie. Mặc dù doanh thu của Barbie kể từ năm 2000 không tăng mạnh như những năm 1990 nhưng vẫn lên tới hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Mattel tính toán rcứ mỗi giây lại có hai sản phẩm được bán ở đâu đó trên thế giới.
Tuy nhiên, Barbie chưa bao giờ giành được sự chấp thuận của chính quyền trong thế giới Hồi giáo. Năm 1995, Ả Rập Saudi ngừng bán vì không tuân thủ quy định về trang phục của người Hồi giáo.
Năm 2012, búp bê Barbie bị cấm ở Iran với lý do tương tự. Barbie còn bị cấm ở Trung Đông. Tại Nga, Barbie cũng từng bị cấm và rất nhiều hồ nghi rằng lệnh này xuất phát từ lo ngại nếu không cấm Barbie sẽ đánh bại doanh số bán Matryoshka, một búp bê truyền thống lừng danh của Nga.