Tặng hoa hay vào bếp rửa bát?

Ngẫm nghĩ - Ngày đăng : 19:03, 08/03/2024

Tôi từng hỏi mẹ tôi "nếu giờ thay vì được tặng hoa, tặng quà trong ngày 8/3, mẹ không phải rửa bát 2 tháng, mẹ sẽ chọn gì?". Mẹ tôi chọn không phải rửa bát 2 tháng.

Cách đây không lâu, tôi đi xem một buổi nhạc kịch với khán phòng khoảng gần 1.000 người. Vở diễn kết thúc, bên cạnh dòng người nối đuôi nhau ra cửa, một hàng dài đang xếp hàng trước toilet. Trông ai cũng vội vàng, cáu kỉnh, sốt ruột chờ đến lượt. Tôi và người bạn gái đi cùng xếp hàng cùng một lúc. Điều ngạc nhiên rằng chỉ 2 phút sau là đến lượt tôi, còn người bạn đi cùng phải chờ khoảng 10 phút mới có thể sử dụng nhà vệ sinh.

Tại sao phụ nữ lại đi vệ sinh lâu như vậy? Nếu được hỏi về vấn đề này, nhiều người, đặc biệt là nam giới, sẽ nghĩ ngay trong đầu, "mấy chị gái còn bận soi gương, bận trang điểm lại nên lâu như vậy." Tôi đồng ý là có những người sẽ dành chút thời gian soi gương hay trang điểm, nhưng thường đấy không phải điểm "nghẽn" trong nhà vệ sinh khiến họ phải chờ lâu.

"Nút thắt" trước hết nằm ở thiết kế tòa nhà. Nếu nhìn vào không gian các tòa nhà văn phòng, dễ thấy số lượng nhà vệ sinh thường được chia đều cho nam/nữ. Nhìn bên ngoài thì thấy thiết kế vậy là bình thường, nhưng với cùng một diện tích, nam giới có thể sử dụng cả bồn đứng để đi vệ sinh trong khi nữ giới chỉ có thể sử dụng các phòng nhỏ bên trong mỗi toilet.

Tặng hoa hay vào bếp rửa bát - 1

Bạn trẻ check-in vườn hoa tam giác mạch nở rộ ở Quảng Nam, tháng 3/2024 (Ảnh minh họa: Công Bính)

Ngoài ra, thời gian của phụ nữ trong toilet thường lâu hơn, vì khi đi cùng gia đình, phụ nữ thường gánh trách nhiệm dẫn trẻ con, người già đi toilet cùng. Đó là chưa nói phụ nữ còn có những vấn đề liên quan đến sức khỏe và cơ thể đòi hỏi phải sử dụng toilet nhiều hơn.

Đây mới chỉ là đề cập đến vấn đề toilet trong nhà, ở những không gian được cho là sạch sẽ, thoải mái. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, khoảng 1/3 dân số thế giới chưa được tiếp cận với nhà vệ sinh đủ sạch sẽ. Tuy nhiên, vấn đề này nghiêm trọng hơn với phụ nữ khi nhiều nam giới có thể dễ dàng giải quyết nhu cầu, và nam giới ít phải lo lắng đến nguy cơ xâm hại tình dục khi phải đi những quãng đường xa để sử dụng toilet ở vùng nông thôn.

Khoảnh khắc bước ra khỏi nhà vệ sinh trong khi người bạn gái đi cùng vẫn phải chờ đợi khiến tôi nhận ra rằng, nam giới may mắn hơn phụ nữ trong rất nhiều vấn đề xã hội.

Không ít nam giới vẫn thường than thở rằng thế giới dành quá nhiều sự tập trung và "ưu ái" cho nữ giới. Điều này có thể đúng nhưng không vô lý. Nữ tác giả người Anh Caroline Criado Perez trong cuốn sách "Những người phụ nữ vô hình: Định kiến số liệu trong một thế giới được kiến tạo cho nam giới", đã đưa đến cho người đọc rất nhiều ví dụ về những điều được cho là hiển nhiên trong xã hội nhưng kỳ thực mang tính hiển nhiên cho nam giới.

Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 tại Anh, 95% phụ nữ làm việc trong các dịch vụ khẩn cấp cho rằng trang phục bảo hộ (PPE) đôi khi gây cản trở trong công việc, vì thiết kế trang phục hay đồ bảo hộ coi cơ thể nam giới là tiêu chuẩn, ít quan tâm tới những đặc điểm của phụ nữ như ngực, xương hông, tỷ lệ cơ thể…

Tại Thụy Điển, một tranh luận từng diễn ra với câu hỏi: Khi tuyết rơi dày, thành phố nên cào tuyết trên đường trước hay trên vỉa hè và đường dành cho người đi xe đạp/phương tiện công cộng trước? Câu hỏi tưởng chừng như rất hiển nhiên và đa phần mọi người sẽ nói rằng nên cào tuyết trên đường trước. Tuy nhiên, nếu như đa phần nam giới có một lộ trình cơ bản từ nhà đến văn phòng, nữ giới thường phải di chuyển nhiều chuyến nhỏ trong ngày: Đưa con đi học, đi siêu thị, đưa người nhà đi khám bệnh….

Tại không ít quốc gia, nhiều nữ giới sử dụng phương tiện công cộng và đi bộ trên vỉa hè nhiều hơn nam giới. Khi Thụy Điển thay đổi ưu tiên cào tuyết trên vỉa hè trước, số lượng tai nạn liên quan đến người đi bộ (đa phần là phụ nữ) giảm rõ rệt. Người ta cũng tính toán và nhận thấy chiến lược này cũng giúp tiết kiệm nhiều chi phí hơn cho xã hội.

Những câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng, khi đã quá quen với một thế giới được mặc định cho nam giới trong nhiều khía cạnh, chỉ một vài thay đổi hướng đến phụ nữ cũng khiến nhiều nam giới không thoải mái. Tôi không muốn đề cập câu chuyện bất bình đẳng trong thu nhập, xâm hại tình dục, bạo hành gia đình mà đa phần phụ nữ là nạn nhân, vốn đã quá quen thuộc với xã hội. Khi chúng ta nhìn sang những vấn đề tưởng chừng như "làm gì có bất bình đẳng" cũng thấy đầy rẫy chuyện phải bàn.

Những hoạt động, chính sách được cho rằng "ưu ái với nữ giới" trên thực tế là giảm cán cân chênh lệch vốn từ lâu đã nghiêng hẳn về phía nam giới. Ai đó có thể thấy là nhiều nhưng rõ ràng là chưa đủ. Số liệu không nói dối. Những vấn đề bất bình đẳng trong xã hội vẫn còn đầy rẫy với không ít rào cản đối với phụ nữ.

Nói vậy không có nghĩa rằng nam giới hoàn toàn bị ngó lơ trong xã hội. Trên thực tế, nam giới vẫn gặp một số rào cản nhất định với nhiều vấn đề cần được giải quyết. Trong khi xã hội ngày càng khuyến khích phụ nữ tham gia vào khối ngành STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học), nam giới cũng cần được khuyến khích nhiều hơn tham gia vào nhóm ngành HEAL, viết tắt của Health, Education, Administration, Literacy (Sức khỏe - Giáo dục - Quản trị - Các ngành nhân văn).

Thay đổi những chính sách, thực hành hướng đến một xã hội bình đẳng hơn cho ít nhất hai giới là điều cần thiết nhưng để làm được điều đó, trước hết mọi người cần thấy những "điểm mù" trong vấn đề bất bình đẳng, khi rất nhiều vấn đề bất bình đẳng hoàn toàn "vô hình" trong xã hội hoặc hiếm người để ý.

Vô hình không có nghĩa rằng chúng không tồn tại. Những bất bình đẳng vô hình vẫn đang trở thành rào cản của nhiều phụ nữ tại Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Nếu mỗi phụ nữ tiết kiệm được 10 phút không phải chờ nhà vệ sinh, họ có thêm 10 phút để nghỉ ngơi, để làm công việc khác. Văn phòng số liệu quốc gia Anh từng nghiên cứu và cho thấy, trung bình nam giới Anh có số giờ nghỉ ngơi nhiều hơn 5 tiếng so với phụ nữ mỗi tuần.

Nói về bất bình đẳng giới trong ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 nghe có vẻ cũ kĩ, nhàm chán nhưng chừng nào vấn đề chưa được giải quyết triệt để, chừng đó vẫn cần phải nói và lên tiếng. Chúng ta không chờ đợi những thay đổi chính sách lớn để phụ nữ bình đẳng hơn.

Ngay từ những thực hành nhỏ trong gia đình cũng có thể tạo nên tác động với cá nhân mỗi người phụ nữ. Tôi từng hỏi mẹ tôi "nếu giờ thay vì được tặng hoa, tặng quà trong ngày 8/3, mẹ không phải rửa bát 2 tháng, mẹ sẽ chọn gì?". Mẹ tôi chọn không phải rửa bát 2 tháng.

Tôi tin rằng, nhiều phụ nữ khác cũng sẽ có lựa chọn tương tự. Hoặc lựa chọn cả hai.

Tác giảBùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.