Mòn mỏi chờ đất tái định cư, người dân 'mắc kẹt' trong những căn nhà chờ sập
Bất động sản - Ngày đăng : 18:04, 08/03/2024
Hơn chục năm chờ đất tái định cư
Đầu năm 2010, UBND TP Đà Nẵng quyết định xây dựng khu tái định cư Hoà Liên 3, Hoà Liên 4 tại thôn Quan Nam 2 (xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang) nhằm chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế của thành phố.
Để nhanh chóng tạo ra quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc di dời, tái định cư cho hàng trăm hộ dân, cả 2 dự án (Hoà Liên 3 và Hoà Liên 4) được UBND TP Đà Nẵng thông qua chủ trương vừa thiết kế, vừa thi công.
Tuy nhiên, sau 14 năm, đến nay, nhiều hộ dân thôn Quan Nam 2 thuộc diện di dời vẫn chưa được bố trí đất tái định cư.
Theo ghi nhận ngày 7/3 của PV.Vietnamnet, khu vực tổ 4, thôn Quan Nam 2, xã Hoà Liên (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) xung quanh bốn bề cỏ dại mọc cao đến nóc nhà. Cuộc sống của người dân hết sức khó khăn vì nhà cửa xuống cấp, cơ sở hạ tầng không đảm bảo. Nhiều hộ dân đã phải bỏ nhà đi thuê trọ.
Căn nhà xập xệ của bà Phan Thị Nhì (sinh năm 1954) có đến 6 người cùng sinh sống. Chỉ lên cột nhà bị nứt toác, bà Nhì lo lắng: “Không biết nhà sập lúc nào. Tôi sợ đến mất ăn, mất ngủ. Thương nhất mấy đứa cháu cùng phải chịu cảnh khổ cực thế này, không biết đến khi nào”.
Chị Trương Thị Phương Thảo, con dâu bà Nhì tiếp lời: "Chúng tôi ở đây giống như bị cô lập, không có mạng, không điện đường… Vì vùng thấp trũng, cứ mưa là ngập. Mỗi mùa mưa bão đến, lại phải di dời đến nhà họ hàng ở nhờ".
Ở tuổi 73, vợ chồng bà Dương Thị Kéo và ông Phan Cầm (tổ 4, thôn Quan Nam 2) sống thấp thỏm, lo âu trong ngôi nhà cũ kỹ, dột nát, chưa biết đổ sập lúc nào. Bà Kéo cho biết, chỉ vì chờ đất tái định cư mà cả chục năm nay, ông bà không thể sửa chữa nhà. Do quá sợ hãi, cách đây mấy năm, ông bà đành phải xây thêm 1 gian nhỏ kiên cố bên cạnh để mỗi khi mưa gió lên đó trú ẩn.
Cũng theo bà Kéo, nhiều năm trước, gia đình nhận được quyết định giải toả đến khu tái định cư Hoà Liên 4. Chính quyền hứa hẹn bố trí đất tái định cư nhưng đến nay vẫn chưa được cấp đất di dời.
“Năm ngoái chúng tôi được chính quyền mời lên họp bố trí đất ở khu vực khác, đã bốc thăm nhưng nay vẫn chưa được giao đất để xây nhà. Chúng tôi năm nay đã gần 75 tuổi, không biết còn chờ được mấy năm nữa”, bà Kéo nói.
Không thể chịu được cuộc sống khó khăn, ô nhiễm, cách đây khoảng vài năm, gia đình chị Trần Thị Hồng Thắm (32 tuổi, thôn Quan Nam 2) đã bỏ nhà đi thuê trọ. Chị Thắm chia sẻ: “Cứ đến mùa mưa, khu vực này lại bị ngập nước nghiêm trọng, cô lập nhiều ngày. Nước đọng nên ruồi muỗi rất nhiều. Tôi phải đi thuê trọ để con cái có chỗ ở an toàn hơn. Mong chính quyền sớm cấp đất tái định cư để người dân ổn định cuộc sống”.
Bao giờ người dân có đất tái định cư?
Ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Liên, cho biết UBND xã đã nhiều lần họp, tiếp xúc cử tri để tháo gỡ vướng mắc, bức xúc của người dân. Chính quyền xã làm công tác vận động để di dời nhưng do thiếu quỹ đất nên người dân không đi được. "Vừa qua, Ban giải phóng mặt bằng huyện Hoà Vang đã họp với các hộ dân và có phương án bố trí tái định cư. Một số hộ đã đồng ý chuyển đổi đất sang khu tái định cư khác”, ông Tâm thông tin.
Ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết thêm, Khu tái định cư Hoà Liên 4 đang nợ người dân gần 190 lô đất tái định cư. Nguyên nhân do nhiều vướng mắc trong thủ tục đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, thời gian nợ kéo dài, chưa xử lý được.
"Sau khi nhận được ý kiến bức xúc cũng như nguyện vọng của bà con thôn Quan Nam 2, huyện đã xin thành phố thống nhất chủ trương hoán đổi đất. Thay vì bố trí đất tại dự án tái định cư Hoà Liên 4 giai đoạn 4, chúng tôi rà soát lại đất trống ở những dự án lân cận đó để bố trí cho người dân”, ông Anh cho hay.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, hiện một số hộ thống nhất chờ dự án tái định cư Hoà Liên 4, giai đoạn 4 hoàn thành đi vào sử dụng. Những hộ này, huyện sẽ đề nghị ký cam kết chờ đất. Còn những hộ nào thống nhất di dời thì huyện sẽ làm thủ tục để người dân được cấp sổ đỏ, cấp phép xây dựng.
“Chúng tôi đã xin chủ trương thành phố, cho người dân hoán đổi sang những dự án lân cận vẫn còn đất trống. Ví dụ, họ có 4 lô thì chuyển qua khu mới chỉ có 1-2 lô, còn lại vẫn còn nợ nhưng trước mắt sẽ xử lý được chỗ ở cho người dân”, ông Phan Duy Anh nói.
Hình ảnh thực tế tại thôn Quan Nam 2, xã Hoà Liên (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng):