Các hình thức tổ chức đấu giá băng tần phổ biến trên thế giới
Cuộc sống số - Ngày đăng : 10:53, 08/03/2024
Trong ba thập kỷ trở lại đây, đấu giá đã trở thành cơ chế phân phối băng tần di động một cách minh bạch, khách quan và có sức mạnh pháp lý buộc những bên trúng thầu phải sử dụng băng tần hiệu quả để hỗ trợ các dịch vụ di động chất lượng cao, mang tính cạnh tranh, từ đó làm lợi cho người tiêu dùng.
Phổ tần được coi là nguồn tài nguyên quan trọng và khan hiếm, do đó bài toán là làm thế nào để chọn được những ứng cử viên có khả năng sử dụng hiệu quả nhất, mang lại lợi ích kinh tế xã hội lớn nhất.
Trên thế giới nhìn chung có hai dạng tiếp cận trong việc cấp phép băng tần di động: một là tiếp cận theo hướng quản trị hành chính (phê duyệt) , hai là dựa trên thị trường (đấu giá).
Đối với việc phân bổ, cơ quan chức năng chọn đơn vị “chiến thắng” dựa trên các đề xuất gửi lên. Quy trình này được sử dụng nhiều tại các thị trường đang phát triển với mục tiêu chính sách là cải thiện mức độ bao phủ.
Trong khi đó, hình thức đấu giá đã được đề xuất như một cơ chế cấp phép băng tần kể từ những năm 1950, nhưng phải đợi đến những năm 1990 mới được thực thi phổ biến. Ưu điểm của phương pháp này là giấy phép được trao cho những ứng viên có khả năng thu hồi vốn cao hơn thông qua sức cạnh tranh dịch vụ. Do là cơ chế phân bổ khách quan, nên kết quả cuộc đấu giá ít có khả năng trở thành tranh cãi pháp lý.
Các hình thức đấu giá
Lĩnh vực đấu giá băng tần có sự phát triển nhanh chóng tương đồng với sự tăng trưởng của thị trường di động. Hiện đấu giá băng tần được chia thành hai hình thức chính, gồm đấu giá một vòng hoặc đấu giá nhiều vòng.
Đối với đấu giá một vòng, các ứng viên chỉ có một cơ hội đề nghị cấp giấy phép với phổ tần mà họ quan tâm, giá thầu sau đó sẽ được xem xét và lựa chọn người chiến thắng. Hình thức này cũng được gọi là đấu giá kín, các nhà thầu không hưởng lợi thông tin về giá thầu của các ứng viên khác.
Trong khi đó, đấu giá nhiều vòng cho phép bên tham gia phản hồi giá thầu của những người chơi khác qua một loạt vòng đấu riêng biệt. Quy trình này sẽ lặp lại cho đến khi đáp ứng được quy tắc kết thúc của cuộc đấu giá. Định dạng tiêu chuẩn của hình thức này là đấu giá tăng dần nhiều vòng (SMRA).
Buổi tổ chức đấu thầu chỉ là một phần của quy trình đấu giá lớn hơn. Thông thường, quy trình này bắt đầu bằng việc tham vấn về phổ tần đang được đấu giá và lấy ý kiến về quy mô, cấp phép thế nào, cũng như khu vực địa lý. Tiếp đó là một cuộc tư vấn đối với điều kiện tham gia, hình thức và quy tắc đấu giá. Sau khi các thủ tục, điều khoản và điều kiện cuối cùng được thống nhất, các nhà thầu sẽ đăng ký tham gia.
Thời gian đấu giá thường phụ thuộc vào số lượng giấy phép được cung cấp và mức độ cạnh tranh, dao động từ 1 ngày đến vài tháng. Chẳng hạn, tại Mỹ, mốc thời gian được Uỷ ban truyền thông liên bang (FCC) quy định như sau: Vòng tham vấn: 4-6 tháng trước đấu giá; Quy tắc cuối cùng: 3-5 tháng trước đấu giá; Hội thảo thông tin: 60-75 ngày trước đấu giá; Hạn nộp đơn: 45-60 ngày trước đấu giá; Phí trả trước: 3-4 tuần trước đấu giá; Chốt nhà thầu tham gia: 10-14 ngày trước đấu giá; Đấu giá thử: 2-5 ngày trước đấu giá; Đấu giá thật.
Việt Nam tổ chức đấu giá băng tần 5G
Như VietNamNet đưa tin trước đó, theo kế hoạch, việc đấu giá tần số 5G sẽ được thực hiện chiều ngày 8/3 tại Cục Tần số Vô tuyến điện. Đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, Cục sẽ không đứng ra tiến hành đấu giá tần số 5G mà việc này sẽ do Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 – Quốc gia thực hiện.
Giá khởi điểm của vòng đấu giá số 1 là 3.983.257.500.000 đồng (ba nghìn chín trăm tám mươi ba tỷ, hai trăm năm mươi bảy triệu, năm trăm nghìn đồng). Giá khởi điểm của vòng đấu giá tiếp theo là giá trả cao nhất đã trả ở vòng đấu giá trước liền kề. Mức giá áp dụng tại cuộc đấu giá khối băng tần 2500 MHz - 2600 MHz là 50 tỷ đồng.
Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, và phương thức đấu giá sẽ phải trả giá lên. Việc bỏ phiếu trả giá được tiến hành nhiều vòng cho đến khi không còn doanh nghiệp trả giá thì doanh nghiệp cuối cùng có mức giá trả cao nhất là doanh nghiệp trúng đấu giá. Việc xác định doanh nghiệp trúng đấu giá thực hiện theo Quy chế cuộc đấu giá và tuân thủ quy định pháp luật.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, Việt Nam có 126 triệu thuê bao di động và thị trường bắt đầu đến ngưỡng bão hòa. Một thống kê khác cho thấy, mỗi năm các nhà mạng đang giành nhau khoảng 800.000 thuê bao mới gia nhập thị trường.
Trước đó, Bộ TT&TT đã cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các nhà mạng cho rằng, 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai.