Va chạm giao thông trên đường, tiếc gì lời ‘xin lỗi’

Nhịp sống - Ngày đăng : 20:08, 07/03/2024

Liên tục xảy ra các vụ xô xát, ẩu đả sau va chạm giao thông. Đã có người thiệt mạng. Nếu một trong hai bên mở miệng "xin lỗi" trước, án mạng đã không xảy ra.

Cãi vã, ẩu đả sau va chạm giao thông trên đường Hà Nội khiến người thiệt mạng, kẻ đối diện án tù.

Đó là trường hợp một tài xế taxi sau va chạm với 2 người đi xe máy trên địa bàn quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Sau màn đấu khẩu, hai bên xông vào ẩu đả. Kết quả tài xế taxi tử vong.

Trường hợp khác, một nhóm thanh niên dùng gậy, xẻng truy đuổi người đi đường sau va chạm giao thông tại ngã tư Lò Đúc - Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Nhóm thanh niên gây náo loạn đường phố, làm khiếp hãi những người chứng kiến. Cơ quan chức năng đã tiến hành bắt giữ nhóm thanh thiếu niên này.

cong an vao cuoc dieu tra nhom thanh nien hanh hung nguoi tren pho lo duc 20240304133741.jpeg
Nhóm thanh niên rượt đuổi nhau trên đường phố sau va chạm giao thông (Ảnh: cắt từ Clip)

Qua hai vụ việc xảy ra liên tiếp gần đây, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về văn hoá ứng xử khi tham gia giao thông. Đa số cho rằng, việc có người chết sau màn ẩu đả chắc chắn sẽ không xảy ra, nếu một trong hai bên "xin lỗi" trước. Đây là văn hóa giao thông văn minh cần có trong thời đại hiện nay.

Từng có thời gian sinh sống ở nước ngoài, PGS. TS Tạ Hải Tùng cho biết, trong suốt 7 năm ông chứng kiến duy nhất 1 lần to tiếng trên đường, đa phần nếu “nhỡ va vào nhau hai bên cùng nhanh nhảu: Sorry (Xin lỗi) ! Và thế là đủ”.

“Thêm vào đó, với luật pháp nghiêm khắc (ở những quốc gia phát triển - PV), tác động vật lý (xâm phạm thân thể) sẽ bị phạt cực nặng, nặng đến mức làm nguội tanh những cái đầu như núi lửa.

Hơn thua nhau một câu nói, hơn thua nhau một ánh mắt, yêng hùng trong chốc lát để lúc khoanh tay ở đồn cảnh sát mới thấy nó vớ vẩn thế nào!. Sao không “xin lỗi” rồi cười xoà?”, PGS. TS Tạ Hải Tùng viết trên trang cá nhân.

Đồng tình với các ứng xử này, ông Nguyễn Anh Quân (52 tuổi sinh sống tại Đức) cho biết, khi xảy ra va chạm thì 100% tài xế tự biết mình sai hay đúng. Và việc đầu tiên khi họ xuống xe là bắt tay và nói ngay lời "xin lỗi".

“Tôi chưa đụng xe ai bao giờ nhưng không dưới 5 lần họ va quệt vào mình. Câu đầu tiên tôi luôn nhận được là "xin lỗi". Trong quá trình giải quyết vụ va chạm hai bên luôn trao đổi lịch sự, không hề thóa mạ hay đánh nhau", ông Quân kể lại.

Người Đức, Nhật ứng xử bình tĩnh với va chạm giao thông

Chị Phạm Lan Anh, người Việt sinh sống, làm việc hơn 20 năm tại Nhật Bản cho biết, khi va chạm giao thông trên đường phố rất hiếm khi chủ phương tiện cãi vã, ẩu đả. Thay vào đó, họ sẽ gọi cho cảnh sát và công ty bảo hiểm đến hiện trường.

“Công ty bảo hiểm thay mặt thân chủ chi trả chi phí phát sinh. Chủ phương tiện, công ty bảo hiểm tuân thủ quyết định của cảnh sát. Bên gây ra tai nạn tử tế đến thăm hỏi nạn nhân nhưng không đến cũng không sao vì pháp luật đã xử lý”, chị Lan Anh nói.

Chính việc tuân thủ tuyệt đối các quy định về an toàn giao thông  mà tỷ lệ tai nạn tại đất nước mặt trời mọc giảm đáng kể. Chị Lan Anh dẫn chứng, trong năm 2022 Nhật Bản chỉ ghi nhận 2.610 người tử vong vì tai nạn giao thông. Theo nghiên cứu của Viện Nguồn lực thế giới, Thủ đô Tokyo của Nhật Bản được đánh giá nằm trong top những thành phố an toàn nhất thế giới.

Tương tự, anh Minh Tùng ( 54 tuổi, sinh sống ở Đức 31 năm) cho biết, Đức có luật lệ giao thông rõ ràng. Người dân để được lái ô tô trên đường cũng phải trải qua khoá đào tạo khắt khe vì thế họ chấp hành luật rất nghiêm khi tham gia giao thông.

Nếu không may xảy ra tai nạn, người Đức luôn đối xử với nhau lịch sự, tôn trọng, không gây gổ, cãi nhau. Họ gọi cảnh sát tới lập biên bản và giao cho công ty bảo hiểm giải quyết. Khi làm việc với cảnh sát, họ sẽ tường thuật lại đúng diễn biến sự việc mà không có chuyện cố tình đổ lỗi hoặc né tránh trách nhiệm.

“Trong những trường hợp không rõ lỗi tại ai, có thể thuê luật sư để họ xem hồ sơ của cảnh sát, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Trường hợp nếu gây tai nạn mà tự ý bỏ đi sẽ bị phạt nặng”, anh Minh Tùng thông tin.