Điểm tin kinh doanh 8/3: Giá vàng tăng phi mã
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 08/03/2024
- Giá vàng tăng phi mã
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng ngày 7/3 tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm 6/3, thì vào cuối ngày hôm 7/3 đã tăng thêm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, đứng ở mức 79,80 – 81,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm 6/3 tại Mỹ tăng 20,1 USD lên 2.148,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng 7/3, giá vàng chững lại trước khi bật lên trên 2.155 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,19 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm 7/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.017 đồng/USD, không đổi so với hôm 6/3. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều 7/3 giao dịch phổ biến ở mức 24.530 – 24.870 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm 6/3 tăng lên 66.900 USD thì sang phiên hôm 7/3 đã giảm nhẹ về gần 66.000 USD, trước bật trở lại gần vùng 67.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều 7/3 theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,62 USD (-0,78%), xuống 78,51 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,68 USD (-0,75%), xuống 82,34 USD/thùng.
- Ngân hàng Trung ương Canada có thể sắp hạ lãi suất
Chuyên gia cho rằng lạm phát cơ bản đều đã giảm bớt hoặc có xu hướng sớm giảm bớt, do đó, nhiều khả năng lãi suất sẽ được cắt giảm từ tháng Tư tới.
Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm Chính sách Tài chính và Tiền tệ của Viện C.D. Howe, Jeremy Kronick, dự báo Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất từ tháng Tư.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia Kronick vẫn còn nhiều ẩn số cần phải giải quyết.
Điều này lý giải cho nguyên nhân vì sao BoC đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức 5% tại cuộc họp ngày 6/3.
- Cổ phiếu bị bán tháo khiến giá trị vốn hóa của Apple giảm 200 tỷ USD
Giá cổ phiếu Apple đã giảm 0,3% trong phiên 6/3 và là phiên giảm thứ sáu liên tiếp. Như vậy trong 6 phiên qua, giá cổ phiếu đã giảm 7,2%, xóa đi hơn 200 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của hãng này.
Các nhà phân tích nhận định Apple đang gặp khó khăn trong năm 2024, khi cổ phiếu của hãng đang chứng kiến hiện tượng bán tháo nghiêm trọng nhất trong nhiều năm.
Cổ phiếu của Apple đã giảm 14% từ mức đỉnh gần đây và giảm tổng cộng 12% trong năm nay, so với mức tăng 7,42% của chỉ số Nasdaq.
Nguyên nhân là do cổ phiếu của hãng công nghệ Mỹ chịu áp lực từ những lo ngại về doanh số bán điện thoại iPhone tại Trung Quốc cũng như khoản tiền phạt từ Liên minh châu Âu (EU).
Giá cổ phiếu của Apple đã giảm 0,3% trong phiên 6/3 và là phiên giảm thứ sáu liên tiếp. Như vậy trong sáu phiên qua, giá cổ phiếu đã giảm 7,2%, xóa đi hơn 200 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của hãng công nghệ Mỹ này.
- Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 8/3: Chú ý các nhóm chứng khoán, bán lẻ, ngân hàng
Thanh khoản vẫn duy trì ổn định những phiên gần đây cùng dòng tiền được dịch chuyển giữa các nhóm ngành nên các nhà đầu tư có thể chú ý các nhóm ngành thu hút dòng tiền tốt như chứng khoán, bán lẻ, ngân hàng.
Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 8/3.
Chú ý các nhóm chứng khoán, bán lẻ, ngân hàng
CTCK Vietcombank (VCBS)
Với diễn biến thị trường hiện tại, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì chiến lược lướt sóng khi các phiên rung lắc tích lũy xuất hiện liên tục sau khi VN-Index vượt đỉnh 1.250 điểm.
Thanh khoản vẫn duy trì ổn định những phiên gần đây cùng dòng tiền được dịch chuyển giữa các nhóm ngành nên các nhà đầu tư có thể chú ý các nhóm ngành thu hút dòng tiền tốt như chứng khoán, bán lẻ, ngân hàng.
Thận trọng, hạn chế việc mua đuổi
CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Thanh khoản phiên hôm nay dù có sụt giảm so với phiên hôm qua, nhưng vẫn duy trì ở mức cao (+6,9%) so với mức trung bình 20 phiên, điều này cho thấy dòng tiền vẫn rất khỏe dù gặp áp lực chốt lời khá mạnh trong phiên hôm qua.
Khả năng VN-Index quay lại test kháng cự 1,.75-1.277 điểm một lần nữa, nếu vượt qua với thanh khoản mạnh thì sẽ hướng tới mốc kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm.
Ở thời điểm hiện tại, quan điểm của chúng tôi là vẫn thận trọng, hạn chế việc mua đuổi, chờ thêm tín hiệu xác nhận tín hiệu tích cực rõ ràng hơn mới quay lại vị thế mua mới.
Tránh mua đuổi trong các nhịp tăng nóng
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Lực cầu gia nhập trở lại với hiệu ứng tích cực lan tỏa tương đối trên hầu hết nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, thể hiện tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư và sự sôi động của dòng tiền tiếp tục cho thấy sức mua mạnh mẽ sẵn sàng gia nhập thị trường trở lại sau các nhịp điều chỉnh.
Mặc dù biên độ hồi phục vẫn tương đối hẹp và áp lực điều chỉnh vẫn đang hiện hữu, VN-Index được kỳ vọng vẫn duy trì được xu hướng tăng trong ngắn hạn hoặc sớm quay trở lại trong trường hợp điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ gần được đặt quanh 1.240 (/+-5) điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng nóng, chỉ kê lệnh giải ngân một phần tỷ trọng gối đầu cho các vị thế đang nắm giữ khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ gần.
Thận trọng ở giai đoạn hiện tại
CTCK SHS
Nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng ở giai đoạn hiện tại, bởi VN-Index đang vận động ở vùng điểm số cao trong kênh tích lũy trung hạn nên rủi ro ngắn hạn đang tăng lên
Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao
CTCK Yuanta Việt Nam
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu chững lại, nhưng dòng tiền dịch chuyển ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khác như nhóm sản xuất thực phẩm, chứng khoán.
Trong khi đó, rủi ro ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu Midcaps vẫn ở mức thấp cho thấy thị trường vẫn có dư địa tăng trưởng trong ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và mua mới.
- Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ 37 thị trường
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 1/2024, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt gần 18,44 nghìn tấn, trị giá 55,36 triệu USD
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Việt Nam đang nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 37 thị trường; trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất, chiếm 29,53% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của cả nước.
Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu gần 62,44 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 127,52 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 1,8% về trị giá so với tháng 12/2023. Thế nhưng, so với tháng 1/2023 nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt tăng 76,2% về lượng và tăng 72% về trị giá.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 1/2024, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ đạt gần 18,44 nghìn tấn, trị giá 55,36 triệu USD, tăng 16,9% về lượng và tăng 11,8% về trị giá so với tháng 12/2023. Nếu so sánh với tháng 1/2023 nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt tăng 184,9% về lượng và tăng 190,7% về trị giá.
Thống kê cũng chỉ rõ, trong tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các chủng loại như thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Lượng và trị giá nhập khẩu các chủng loại này đều tăng mạnh so với tháng 1/2023.
Cũng trong thời gian này, Việt Nam nhập khẩu 5,86 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 13,01 triệu USD, giảm 22,9% về lượng và giảm 25,2% về trị giá so với tháng 12/2023. Tuy nhiên, so với tháng 1/2023 tăng 19,2% về lượng và tăng 12,5% về trị giá. Giá nhập khẩu trung bình đạt 2.221 USD/tấn, giảm 3,1% so với tháng 12/2023 và giảm 5,6% so với tháng 1/2023.
Tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 14 thị trường; trong đó, chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil chiếm 44,63%; Nga chiếm 25,29%; Canada chiếm 8,36% tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2024. Đáng lưu ý, ngoại trừ Nga, lượng thịt lợn nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng mạnh so với tháng 1/2023.