Đã đến lúc bạn nên cai nghiện Facebook
Cuộc sống số - Ngày đăng : 17:03, 06/03/2024
Ngày 5/3, trong khoảng 2 giờ đồng hồ (22h – 24h), mạng xã hội Facebook bị lỗi trên toàn cầu. Sau đó, hãng mẹ Meta ra thông báo khẳng định đã khắc phục nhưng không đề cập lý do gây ra tình trạng trên, khiến người dùng không khỏi hoang mang.
Sự việc tạo ra nhiều phản ứng khác nhau và chia sẻ ý kiến trên nhiều nền tảng thay thế về sự cố. Đáng nói, nhiều người nhận ra rằng mình đã quá phụ thuộc vào mạng xã hội này.
Thấy gì sau sự cố của Facebook?
Một tài khoản Facebook hài hước liệt kê những việc đã làm khi không thể truy cập mạng xã hội này. Đó là một danh sách dài những việc đáng ra anh phải thực hiện trong cuộc sống hàng ngày nhưng bị chậm lại vì dành nhiều thời gian truy cập Facebook.
Tuy chỉ là bài đăng mang tính “troll” (chế nhạo), có thể nhận thấy rõ ảnh hưởng của việc sử dụng Facebook đối với cuộc sống hàng ngày của nhiều người.
Theo một nghiên cứu của Rakuten Viber, người Việt dành khoảng thời gian 2 giờ 32 phút mỗi ngày cho mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin. Con số trên lâu hơn một phút so với mức trung bình của người dùng toàn cầu.
Trong khi đó, nghiên cứu trực tuyến do Q&me thực hiện năm 2021 lại chỉ ra, thời gian sử dụng các ứng dụng di động của người Việt cao, trung bình tới 6,1 giờ đồng hồ mỗi ngày. Trong đó, nhóm người có độ tuổi dưới 26 thường có thời gian sử dụng lâu hơn, với hơn 7 giờ mỗi ngày.
Đây là những con số đáng báo động dù người dùng sử dụng mạng xã hội với bất cứ lý do gì.
Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của Meta, lượng người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) của Facebook đạt 2,06 tỷ người, cao hơn so với mức dự kiến 2,04 tỷ của StreetAccount và 2,037 tỷ trong quý trước. Lượng người dùng hàng tháng là 3,03 tỷ, khoảng 40% dân số toàn cầu.
Các nghiên cứu đã khẳng định, nghiện mạng xã hội gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ và tâm lý của người dùng.
Trong một buổi chia sẻ chuyên đề, bác sĩ CK2 Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM nêu những triệu chứng phụ thuộc vào mạng xã hội và internet của người dùng. Một người được xem là ‘nghiện’ khi lúc nào cũng bận tâm tới việc truy cập mạng, nhu cầu sử dụng với thời lượng ngày càng tăng để đạt hài lòng đồng thời trực tuyến lâu hơn kế hoạch ban đầu.
Người dùng có biểu hiện bồn chồn, ủ rũ, chán nản hoặc cáu kỉnh khi cố gắng giảm hoặc ngừng sử dụng internet hoặc dùng nó như một cách để thoát khỏi các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
Người dùng cũng được xem là phụ thuộc quá nhiều vào internet và mạng xã hội khi nỗ lực kiểm soát hoặc cắt giảm thời lượng sử dụng nhưng không thành công và bị việc truy cập mạng tác động đến thói quen khác hàng ngày, kể cả công việc.
Nghiện Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung có thể gây ra nhiều tác hại cả về thể chất lẫn tinh thần: đau nhức cơ thể, hội chứng ống cổ tay, mất ngủ, các vấn đề thị lực, tăng/giảm cân. Những ảnh hưởng về cảm xúc có thể bao gồm trầm cảm, không trung thực, lo lắng, cô lập xã hội, hung hăng và cảm xúc không ổn định.
Không chỉ dừng lại ở tác hại tới sức khoẻ, mạng xã hội như Facebook đang “bòn rút” và làm giàu từ cơn nghiện của người dùng.
Bị lợi dụng
Một bộ phim tài liệu tựa đề Social Dilemma (Song đề xã hội) phân tích rõ cách mạng xã hội lớn nhất hành tinh này gây nghiện và tác động vào hành vi, tâm lý của người dùng. Bằng những ví dụ trực quan và câu chuyện dễ hiểu, bộ phim của đạo diễn Jeff Orlowski “mở mắt” cho khán giả về cách thức mạng xã hội lẫn các công cụ tìm kiếm thu về lợi nhuận khổng lồ dưới vỏ bọc miễn phí.
Bộ phim mô tả cách mạng xã hội Facebook thu thập dữ liệu người dùng dưới hình thức mô phỏng hành vi của máy móc thông qua nhân hoá tính cách con người. Các nhà sáng tạo mạng xã hội nỗ lực thiết kế giao diện trở nên thân thiện hơn, những đề xuất trở nên hấp dẫn hơn, trải nghiệm trở nên cá nhân hóa hơn.
Mỗi lần người dùng truy cập Internet để tìm kiếm, mua sắm, lướt web, dấu chân để lại đủ lộ liễu và bị các nhà công nghệ thu thập. Từ đó, máy tính tiên đoán hành vi tiếp theo của người dùng theo cách ngày một chính xác hơn.
Điểm đặc biệt của bộ phim này là nó đưa ra tiếng nói cảnh báo từ chính những người trong cuộc, những người từng thao túng người dùng của họ. Họ là cựu giám đốc điều hành, chủ tịch, nhà đầu tư, quản lý, nhà phát triển sản phẩm, nhà đạo đức thiết kế ở các công ty công nghệ hàng đầu thung lũng Silicon: Facebook, Google, Twitter, Instagram, Pinterest, Snapchat...
Bộ phim đưa ra những ví dụ thời sự như các phát ngôn sai lệch vô tội vạ về COVID-19 khiến nhiều người tin theo và nhiễm bệnh; những tin giả gây kích động trên mạng xã hội và khiến người ta phản ứng bằng bạo lực, bạo động ngoài đời thực, bê bối xâm nhập dữ liệu liên quan đến Cambridge Analytica và Facebook năm 2018...
Social Dilemma chưa phải là bức tranh toàn cảnh về mặt tối của cơn nghiện mạng xã hội và tác hại của nó, nhưng nó đã vẽ ra phần nào hậu quả mà người dùng phải gánh chịu trước những tham vọng của các nhà sáng lập.
Lãnh đạo tập đoàn Meta nhiều lần phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về hoạt động của mình khi đối mặt với các cáo buộc thao túng người dùng. Tuy nhiên đến nay, việc kiểm soát hành động thao túng người dùng vẫn chưa hề có kết quả rõ rệt.
Một góc nhìn gần gũi hơn, nhìn từ Việt Nam, người dùng có tên Lan Anh chia sẻ trên tài khoản cá nhân sau khi Facebook sập: “Trước đây tôi tự nhủ phải sử dụng Facebook để giao tiếp trong công việc và duy trì quan hệ với bạn bè, người thân. Tuy nhiên, việc giao tiếp hàng ngày khiến tôi vô thức lướt Facebook kể cả khi không cần dùng đến nó”.
Không hiếm những video chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại cảnh cha mẹ đang lướt điện thoại trong khi ngồi chơi với con cái. Điều này khiến sự giao tiếp trực tiếp bị ngắt quãng, trẻ lạc lõng ngay cả khi đang ngồi cạnh cha mẹ mình.
Không thể phủ nhận tác dụng của Facebook đối với thời đại mà kỹ thuật số và tương tác trên nền tảng số đang là xu hướng sống mới, đặc biệt là đóng góp của mạng xã hội này đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sử dụng Facebook đến mức rời xa cuộc sống thực cũng là mặt trái cần được hạn chế và loại bỏ.
Đã đến lúc để bạn – người sử dụng Facebook – nghiêm túc đánh giá lại thói quen sử dụng ứng dụng này của mình và dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống thực bên ngoài màn hình điện tử.