Hoa hậu Trúc Diễm sau 3 năm ở Mỹ: 'Có những tổn thương chỉ nghĩ đến là bật khóc'
Showbiz - Ngày đăng : 12:36, 06/03/2024
Gần 3 năm ở Mỹ, cuộc sống của Trúc Diễm hiện nay thế nào?
Nếu không được hỏi, tôi cũng không tưởng tượng đã ở Mỹ gần 3 năm, thời gian qua nhanh khi chúng ta trưởng thành. Khó khăn lớn nhất của tôi là học cách hòa nhập cuộc sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ và không có gia đình, người thân bên cạnh.
Tôi học từ những cái nhỏ nhất như phải có credit score (điểm tín dụng) tốt để thuê nhà, mua hay học cách lái xe, tìm hiểu các loại bảo hiểm khác nhau để khám chữa bệnh. Tôi bị tuyến giáp nên việc theo dõi của bác sĩ là cần thiết rồi tạo dựng các mối quan hệ xã hội và bạn bè...
Tôi như một đứa trẻ trong 6 tháng đầu ở đây nhưng mọi thứ từ từ cũng ổn. Hiện tại, tôi có một chỗ ở tốt, một môi trường làm việc chuyên nghiệp để phát triển bản thân và những người bạn là chỗ dựa tinh thần. Tất cả sẽ không xảy ra nếu tôi không mạnh dạn từ bỏ con người cũ.
Trúc Diễm ví mình như một đứa trẻ trong 6 tháng đầu ở Mỹ.
Bệnh tuyến giáp của chị hiện đã ổn định chưa?
Hiện tại, bệnh cũng tạm ổn, tuy vẫn có những vấn đề như tóc rụng, cơ thể dễ mệt mỏi hay khó ngủ... Sau khi trải qua điều trị phóng xạ tuyến giáp, mỗi ngày tôi vẫn phải uống thuốc bổ sung hormone và kiểm tra máu 3 - 6 tháng/lần. Tôi hy vọng, khoa học trong tương lai sẽ mở ra hướng điều trị mới để bệnh nhân giảm bớt việc phải dùng thuốc cả đời như hiện tại.
Nhiều người tò mò công việc hiện tại ở Mỹ của chị là gì?
Tôi sống ở Los Angeles, đa số cộng đồng Việt Nam ở quận Cam, cách chỗ tôi khá xa và Hollywood không đón Tết như bên mình. Những ngày Tết, tôi vẫn phải đi thử vai. Lúc nhớ nhà, tôi làm bánh tét, chiên ăn với dưa cho có chút cảm giác Tết và đỡ nhớ nhà. Nhập gia tùy tục, hy vọng năm sau tôi sẽ có thời gian về ăn Tết cùng gia đình.
Hiện tại, tôi chủ yếu hoạt động chính trong lĩnh vực phim và quảng cáo tại Mỹ. Sau 2 năm, tôi đã trở thành diễn viên thuộc SAG AFTRA (Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh - Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Hoa Kỳ - PV). Ai theo nghiệp diễn xuất ở Hollywood đều biết đạt được điều này là không hề dễ. Thu nhập từ việc diễn xuất cũng tùy lúc, tuy nhiên cũng coi như là đủ sống.
Những trải nghiệm và học hỏi nào từ Mỹ đã ảnh hưởng đến cuộc sống và suy nghĩ của chị?
Nhiều người tài giỏi từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ để lập nghiệp vì cho rằng đây là miền đất của cơ hội. Điều đó không sai, tuy nhiên cơ hội chỉ dành cho những người ưu tú nhất. Ở đây, đẹp không được xem là ưu tú.
Ví dụ, để casting cho một vai diễn, có từ 100 - 1000 diễn viên sẽ được agency nộp đề xuất cho Casting director (Giám đốc casting), từ đó sẽ chọn tầm 10 - 20% (hoặc ít hơn) hồ sơ phù hợp vào vòng thử vai. Sau đó, họ sẽ liên hệ lại để vào các vòng tiếp theo như Chemistry read (Tương tác diễn viên), Screen test (Diễn thử), Director approval (Sự chấp thuận của đạo diễn), Producers approval (Sự chấp thuận từ nhà sản xuất), Studio approval (Sự chấp thuận từ hãng phim).
Tôi nhận ra, mình có thể là con cá lớn trong ao nhà nhưng chỉ là con cá bé nhỏ giữa đại dương Hollywood. Sống khiêm nhường, lao động chăm chỉ, luôn học hỏi để nâng cao bản thân từ trí tuệ cho đến việc tập luyện để giữ gìn vóc dáng là đều cần phải có.
Chị từng chia sẻ từng khóc rất nhiều, trầm cảm, bất ổn tâm lý... rồi cân bằng khi hiểu và yêu thương bản thân hơn. Quá trình thay đổi bên trong này đã diễn ra thế nào?
Sức khỏe tinh thần là một trong những điều được nhiều người Mỹ quan tâm và được phổ biến rộng rãi. Sức khỏe về mặt tâm lý quan trọng không kém sức khỏe thể chất. Khi ở Việt Nam, tôi xem nhẹ điều này vì lối sống ít bộc lộ, kìm nén cảm xúc, lúc nào cũng phải chỉn chu nên dần dần bị căng thẳng và những tổn thương tâm lý sẽ khiến mình kiệt quệ.
Ở Mỹ, khi chia sẻ với bác sĩ tâm lý, tôi học cách chữa lành và cân bằng, điều tiết cảm xúc khi nóng giận. Nhiều người Mỹ cũng hiểu biết về sức khỏe tâm lý nên thấu hiểu và giúp đỡ. Tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn trong quá khứ, có những tổn thương lớn đến mức chỉ nghĩ đến là dễ dàng bật khóc, có những điều làm mình mất niềm tin và cuộc sống mà không phải ai cũng biết.
Tôi vẫn còn trong quá trình "hồi phục" và sẽ trở nên tốt hơn nếu không từ bỏ. Dù gì, đó cũng là quyết định tôi học cách chấp nhận và tha thứ thay vì than vãn về nó.
Chấp nhận bắt đầu lại xa gia đình, sống ở môi trường sống mới, không có người thân, nhiều sự cạnh tranh, sự từ chối. Động lực nào giúp chị kiên cường khi bản thân cũng phải đối mặt với bệnh tật?
Tôi muốn đặt mình vào một môi trường như vậy để nhanh tiến bộ và rèn giũa mình tốt hơn. Tôi nhận ra những thiếu sót trong quá khứ và mong rằng đây là cơ hội để trưởng thành.
"Hôn nhân không phải dành cho tất cả, đừng vì cô đơn mà chấp nhận một mối quan hệ không phù hợp", Trúc Diễm chiêm nghiệm.
Quan điểm của chị về tình yêu và hôn nhân hiện tại?
Đó không còn là vấn đề ưu tiên của tôi bây giờ. Ngày trước, tôi hay nghĩ phụ nữ đến tuổi phải lập gia đình, có con mới là hoàn mỹ, suy nghĩ đó ảnh hưởng tôi rất nhiều định hướng cho sự nghiệp. Quan điểm của xã hội tạo nên áp lực vô hình lên người phụ nữ, không phải ai kết hôn hay có con rồi họ sẽ có được cuộc sống viên mãn, hay hôn nhân tan vỡ thì 99% lỗi do người phụ nữ cũng là một quan niệm vô lý, xã hội trọng nam khinh nữ tạo ra những vấn đề tâm lý không hề nhỏ.
Điều này chỉ thay đổi nếu mỗi người phụ nữ trong chúng ta học cách thương yêu trân trọng bản thân mình. Hôn nhân không phải dành cho tất cả, đừng vì cô đơn mà chấp nhận một mối quan hệ không phù hợp.
Chị tìm kiếm điều gì ở một người đàn ông trong một mối quan hệ mới nếu họ đến với mình trong tương lai?
Dù mạnh mẽ hay độc lập đến đâu, ai cũng muốn có bạn đời là chỗ dựa tinh thần vững chắc, cùng vài sở thích, có chút khiếu hài hước, cao hơn mình không chỉ về chiều cao mà còn về năng lực và khả năng tài chính, biết cùng nhau chia sẻ việc nhà. Nghe có vẻ cũng hơi nhiều rồi nhỉ (cười).
Còn điều gì khiến chị vướng bận ở Việt Nam và ở Mỹ?
Điều vướng bận nhất là gia đình, cha mẹ đã lớn tuổi còn tôi lại ở xa, nhiều lúc nhớ người thân chỉ có khóc chứ chẳng thể làm gì hơn. Mong mỏi lớn nhất của tôi là sớm có đủ khả năng để đưa gia đình sang Mỹ cùng sống chung để tiện chăm sóc. Tôi không biết cha mẹ có chịu không vì đã sống ở Việt Nam cả đời, sợ sang Mỹ lại không quen.
Tình yêu và hôn nhân không còn là vấn đề ưu tiên của Trúc Diễm.
Chị đã thực sự hài lòng và tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống mới ở Mỹ và muốn ở lại đây?
Tôi cảm thấy mình tìm được tiếng nói, sự cảm thông và cân bằng cảm xúc khi ở đây. Tôi không chắc tương lai ra sao nhưng hiện tại đây là ngôi nhà thứ hai của tôi. Tôi mong rằng mình có đủ sức khoẻ và nghị lực để phát triển sự nghiệp tại Mỹ.
Theo Vietnamnet