Quân sự thế giới hôm nay (6-3): Ukraine lần đầu sử dụng bom lượn AASM-250
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:59, 06/03/2024
* Ukraine lần đầu sử dụng bom lượn AASM-250
Trang Army Recognition ngày 5-3 đưa tin, Lực lượng vũ trang Ukraine đã công bố một đoạn video về việc sử dụng bom lượn AASM-250 do Pháp cung cấp, nhằm vào một căn cứ của quân đội Nga. Đây là lần đầu tiên Không quân Ukraine sử dụng loại bom này kể từ khi cuộc xung đột xảy ra. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Ukraine sử dụng máy bay nào để triển khai những quả bom dẫn đường này.
Pháp dự kiến cung cấp cho Không quân Ukraine gần 600 quả bom lượn AASM vào cuối năm nay. Ảnh: Defense Express |
Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu xác nhận cung cấp 50 tên lửa SCALP-EG và hàng trăm bom dẫn đường AASM cho Ukraine. Theo dự kiến, Pháp sẽ cung cấp cho Không quân Ukraine gần 600 quả bom loại này vào cuối năm nay.
AASM, hay còn được gọi là Hammer, là sự kết hợp giữa bom và tên lửa do Sagem, công ty con của tập đoàn Pháp Safran phát triển. Về mặt kỹ thuật, AASM đơn thuần chỉ là một loại bom thông thường được tích hợp bộ phụ kiện đặc biệt giúp tăng tầm xa và độ chính xác khi tấn công.
Được thiết kế để đáp ứng nhiều nhiệm vụ khác nhau, AASM có kết cấu mô-đun cho phép tích hợp các đường dẫn thiết bị và bom kích thước khác nhau. Biến thể AASM-250 được trang bị động cơ nhiên liệu rắn, giúp mở rộng tầm bắn lên tới hơn 70km. Biến thể này có chiều dài 3,1m và có tổng trọng lượng 340kg, có thể mang đầu đạn nặng 250kg.
AASM-250 có tính linh hoạt cao, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết nhờ được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INS) kết hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Đồng thời, loại bom này cũng được tích hợp hệ thống dẫn đường hồng ngoại (IIR) hoặc hệ thống dẫn đường bằng laser bán chủ động (SALH), giúp nâng cao độ chính xác khi hoạt động.
Hình ảnh trong video do lực lượng Ukraine công bố về việc sử dụng bom lượn AASM-250 tấn công căn cứ quân sự của Nga. Ảnh: Mykola Oleschuk và Army Certification |
AASM được thử nghiệm lần đầu vào năm 2009 và hoàn thành thử nghiệm vào đầu năm 2023. Loại bom này có trọng lượng từ 125kg đến 1.000kg, với 3 loại đầu dẫn gồm SBU-38 cho phiên bản INS/GPS, SBU-54 cho phiên bản INS/GPS/IIR và SBU-64 cho phiên bản INS/GPS/SALH. Kể từ khi được ra mắt, AASM đã được Không quân và Không quân Hải quân Pháp sử dụng trên nhiều loại máy bay khác nhau như Rafale, Mirage 2000 và Mirage F1.
* Iran ra mắt UAV Shahed-149 Gaza tại DIMDEX 2024
Tại Triển lãm Quốc phòng-Hàng hải Doha (DIMDEX) 2024, Iran đã ra mắt nhiều loại vũ khí, nổi bật trong số đó là máy bay không người lái (UAV) Shahed-149 Gaza.
Máy bay không người lái Shahed-149 Gaza. Ảnh: Army Registration |
Shahed-149 Gaza là mẫu máy bay chiến đấu không người lái do Iran phát triển, ra mắt lần đầu tiên vào tháng 5-2021 và được biên chế vào Lực lượng Hàng không Vũ trụ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào năm 2022.
Về thông số kỹ thuật, Shahed-149 có kích thước tương đương với UAV MQ-9 Reaper của Mỹ, dài 10m, cao 4m, sải cánh rộng 21m và có trọng lượng cất cánh là 3.740kg. Được trang bị động cơ tua-bin công suất 750 mã lực, Shahed-149 có thể di chuyển với vận tốc tối đa 350km/giờ và vận tốc hành trình là 215km/giờ. Nền tảng không người lái này có thời gian bay tối đa là 25 giờ và trần bay 10.668m.
Shahed 149 có thể mang theo 13 quả bom và 500kg thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, máy bay còn được tích hợp các cảm biến quang điện/hồng ngoại, camera quan sát ban ngày, camera chụp ảnh nhiệt, máy đo khoảng cách laser và ăng-ten liên lạc vệ tinh. Do đó, UAV này có khả năng phát hiện máy bay tàng hình trong bán kính 500km.
Iran đã đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển quân sự trong nhiều thập kỷ, đặc biệt tập trung vào các công nghệ như máy bay không người lái nhằm tăng cường năng lực của lực lượng không quân nước này. Máy bay không người lái đã được Iran sử dụng như một công cụ ngoại giao nhằm củng cố các liên minh khu vực và quốc tế. Cách tiếp cận này đã cho phép Iran phát triển mối quan hệ với các quốc gia có chung mối quan tâm về an ninh và khám phá những cơ hội mới để xuất khẩu máy bay không người lái.
* Thái Lan thử nghiệm pin lithium-ion xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4
Mới đây, Quân đội Hoàng gia Thái Lan đã tiến hành thử nghiệm pin lithium-ion sản xuất trong nước trên xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 và xe tăng hạng nhẹ Stingray.
Thái Lan thử nghiệm pin lithium-ion sản xuất trong nước trên xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4. Ảnh: ARDO |
Sáng kiến này là một phần trong nhiều dự án nghiên cứu nhằm phát triển và sản xuất pin lithium-ion ở Thái Lan, với mục tiêu đổi mới và tạo ra các công nghệ pin lithium-ion dành riêng cho quốc gia này. Việc thử nghiệm pin lithium-ion trên xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 và xe tăng hạng nhẹ Stingray cho thấy động thái hướng tới phát triển hệ thống năng lượng điện cho các ứng dụng quân sự.
VT-4 là phiên bản xuất khẩu của xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ ba MBT-3000, do Trung Quốc thiết kế và sản xuất, hiện đang phục vụ trong quân đội của một số quốc gia như Nigeria, Pakistan và Thái Lan. Phương tiện này được trang bị pháo nòng trơn 125mm, có khả năng phóng tên lửa dẫn đường với tầm bắn 4,5km. Ngoài ra, VT-4 còn được lắp đặt trạm vũ khí điều khiển từ xa 12,7mm và súng máy đồng trục 7,62mm. Để tăng khả năng phòng thủ cũng như bảo vệ kíp lái và các thiết bị trên xe, VT-4 được trang bị giáp composite ở phía trước thân xe và mặt trước tháp pháo, cùng với tùy chọn bổ sung giáp phản ứng nổ ở hai bên thân xe.
VT-4 có chiều dài 10,1m, rộng 3,5m, cao 2,4m và có trọng lượng 52 tấn. Xe có thể đạt tốc độ tối đa 70km/giờ và phạm vi hoạt động 500km. Về mặt trang bị, VT-4 có hệ thống chuyên dụng chống vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC), hệ thống nhận dạng bạn-thù (IFF), hệ thống bảo vệ chủ động GL5, cùng nhiều thiết bị hiện đại khác.
Quân đội Hoàng gia Thái Lan bắt đầu mua xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 từ Trung Quốc vào năm 2016, đánh dấu nỗ lực hiện đại hóa khả năng quân sự của nước này.
QUỲNH OANH (tổng hợp)