Ngày 6/3 năm xưa: Thời đại của thuốc 'bá bệnh' Aspirin
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 06/03/2024
‘Thời đại của Aspirin’
Đây là ví von về thời kỳ đầu thế kỷ 20 của triết gia người Tây Ban Nha Jor Ortega Onteja y Gasset trong cơn ngẫu hứng, vì ông thấy chúng mọi nơi.
Ngày 6/3/1899, nhà hóa học, dược sĩ Felix Hoffman được cấp bản quyền sáng chế thuốc Aspirin tại Đức và hãng dược phẩm lừng danh Bayer, nơi Hoffmann làm việc và bảo trợ các công trình nghiên cứu của ông, cũng đăng ký bản quyền tên thuốc Aspirin là nhãn hiệu hàng hóa.
Tháng 7/1899, Bayern tung những quảng cáo đầu tiên về thuốc giảm đau Aspirin, lúc này vẫn ở dạng bột, và lập tức thành công vượt bậc.
Aspirin (có tên khoa học là Acetylsalicylic acid, thuộc nhóm salicylat) là thuốc giảm đau, hạ sốt hoạt động với cơ chế ức chế một số chất tự nhiên gây sốt, đau, sưng và chống đông máu.
Hơn 100 năm kể từ khi ra đời, Aspirin đã đi vào lịch sử ngành Y, trở thành một trong những viên thuốc phổ biến và nhiều công dụng nhất trong bảo vệ con người trước hiểm họa bệnh tật. Đã có thời người ta ví Aspirin là ‘thuốc bá bệnh’. Đến nay đây vẫn là loại thuốc rất thông dụng do chế tạo đơn giản, giá thành thấp và do càng ngày càng khám phá ra nhiều tác dụng của nó.
Cũng hiếm loại thuốc thông dụng và rẻ tiền nào như lại có hẳn một tổ chức để vinh danh và nghiên cứu, ghi chép lịch sử: Aspirin Foundation.
Y học còn nhận thấy giá trị của Aspirin vượt xa hiệu quả giảm đau đơn thuần và Aspirin thậm chí còn được sử dụng trong điều trị triệu chứng viêm gây ra bệnh tim và nhiều bệnh ung thư.
Chiến thắng của Felix Hoffmann
Hàng thế kỷ trước khi Bayer ra mắt ‘viên thuốc thần thánh’ này, con người đã biết sử dụng các loại thảo dược, nhất là cây liễu trắng và vỏ loại cây này làm thuốc vì có chứa axit salicylic. Một trong những tác dụng rất rõ ràng là hạ sốt.
Theo Aspirin Foundation, năm 1763 một Linh mục Anh giáo là Edward Stone sau khi vô tình nhai một nắm lá liễu và…nhè ra vì đắng, đã quyết định ‘không còn gì để mất’ và đem chúng đun sôi để xông hơi trị cơn sốt. Cứ 4 tiếng một lần ông lại xông và quả nhiên cơn sốt hạ rất nhanh. Ông đem thử nghiệm trên 50 giáo dân của mình và kết quả thu được là kỳ diệu. Ngay lập tức Edward Stone ghi lại điều này trong một bức thư gửi đến Chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia.
Năm 1828, Johann Andreas Buchner, Giáo sư Dược học tại Đại học Munich (Đức) đã tinh chế salicin từ vỏ cây liễu. Một số nhà khoa học đã nghiên cứu cải tiến quy trình này, nhưng giáo sư Hermann Kolbe tại Đại học Marburg là người đầu tiên tìm ra cấu trúc hóa học của axit salicylic và tổng hợp nó vào năm 1859. Lúc này, chưa có nhà khoa học nào có ý tưởng tạo ra axit acetylsalicylic tinh khiết.
Trong khi tất cả tập trung vào nhóm axit cacboxylic thì nhà hóa học, dược sĩ người Đức Felix Hoffman dưới sự bảo trợ của hãng dược Bayer lại tập trung vào nhóm phenol. Năm 1897, ông đã acetyl hóa nhóm phenol và tạo ra axit acetylsalicylic tinh khiết. Trong công trình này, ông được hỗ trợ và truyền cảm hứng bởi một số nhà khoa học khác trong đó có Arthur Eichengrün, Carl Duisberg và Wilhelm Siebel.
Phát hiện của Felix Hoffman là lần đầu tiên một loại thuốc được sản xuất tổng hợp và là sự ra đời của cả Aspirin. Lúc này, cha của Felix đang đau đớn vì căn bệnh viêm khớp hành hạ, ngay lập tức ông dùng chính phát minh của mình để thử nghiệm và kỳ diệu thay cơn đau chấm dứt.
Theo lịch sử của hãng Bayer, vì quá hào hứng và tò mò trước phát hiện của Felix Hoffman, đích thân Giám đốc Viện Dược học của Bayer là Giáo sư Heinrich Dreser đã tự mình thử nghiệm trước tiên, sau đó là một loạt thí nghiệm trên động vật trước khi thử nghiệm lâm sàng thành công ở người.
Theo Bayer, Aspirin viết tắt từ ‘A’ (acetyl), ‘spir’ trong Spirea ulmaria (một nguồn axit thực vật) và ‘in’ là hậu tố đặt tên thuốc thời đó. Khi mới ra đời Aspirin ở dạng bột hoặc dung dịch, mãi đến năm 1915 Bayer mới cho ra đời thuốc dạng viên.
50 000 tấn thuốc mỗi năm
Kể từ khi ra đời, Aspirin trở thành ‘thần dược’, nhanh chóng chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng, khối lượng tiêu thụ ngày càng gia tăng. Theo ước tính của Aspirin Foundation, đến nay hằng năm vẫn có hơn 50.000 tấn thuốc được sản xuất trên khắp thế giới.
Đầu thế kỷ 20 tại Mỹ, nơi cúm mùa đe dọa hằng năm, giá thuốc Aspirin đắt gấp 3 lần Canada và gấp 10 lần châu Âu. Chính mối lợi khổng lồ này đã làm nảy sinh những âm mưu đen tối nhằm chiếm đoạt quyền thương mại và phân phối Aspirin. Nạn buôn lậu Aspirin tràn lan, nhất là ở Mỹ, khiến Bayer không thể đối phó. Sau Thế chiến 1, Bayer thậm chí mất quyền bảo hộ nhãn hiệu với Aspirin khi bị hàng loạt nước đồng minh tịch thu tài sản ở nước ngoài của công ty này.
Năm 1917 khi hết liệu lực sáng chế và độc quyền, Aspirin đã bị hàng loạt nước sao chép công thức và sản xuất dưới tên thương mại khác. Năm 1918, công ty Mỹ là Sterling mua lại quyền bảo hộ nhãn hiệu Aspirin từ Chính phủ. Bayer khủng hoảng vì ‘đứa con cưng’ bị xâu xé, mãi đến năm 1994 hãng này mới thu hồi được Sterling nhưng không thể phục hồi tên thương hiệu tại Mỹ.
Trong suốt lịch sử của mình, Aspirin còn vướng vào vô số những kiện tụng, tranh cãi về nguồn gốc và sáng chế.
Những phát hiện mới về Aspirin sau khi ra đời
Sau khi ra đời hàng chục năm, thỉnh thoảng người ta lại phát hiện thêm một tác dụng kỳ diệu khác của Aspirin.
Năm 1950, Laurence Craven, một bác sĩ ở California đã công bố công trình sử dụng aspirin để ngăn ngừa các sự cố mạch máu. Craven khuyên dùng Aspirin cho bệnh nhân từ 45-65 tuổi có nguy cơ bị đau tim do cân nặng hoặc ít vận động. Ông phát hiện ra rằng ở những người dùng aspirin không xảy ra nhồi máu cơ tim (MI) và không có bệnh nhân nào của ông dùng Aspirin bị đột quỵ.
Cuối thập kỷ 1960-1970, Tiến sĩ Harvey Weiss tại Đức đã công bố nghiên cứu Aspirin có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, giúp máu lưu thông dễ hơn. Bệnh tim mạch ngày càng tăng trong xã hội công nghiệp và nhồi máu cơ tim là kẻ sát thủ lạnh lùng và ác hiểm nhất và nguyên nhân là do tiểu cầu tạo nên các cục máu đông ở các mạch máu bị tổn thương.
Năm 1971, nhóm nghiên cứu của bác sĩ người Anh John Vane phát hiện ra vai trò của prostaglandin trong quá trình cầm máu và Aspirin có tác dụng ức chế tổng hợp prostaglandin. Nhờ phát hiện này ông được trao giải Nobel năm 1982 và Aspirin bắt đầu được biết đến như một loại thuốc điều trị và ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Năm 1974, nhận thấy tiềm năng ngày càng tăng của aspirin và tầm quan trọng của việc đoàn kết cộng đồng nghiên cứu để nghiên cứu lợi ích của nó, Tiến sĩ Nick Henderson (FIPR HonFRCVS) đã thành lập Aspirin Foundation để nâng cao kiến thức và hiểu biết về thuốc. Ông vẫn là thành viên tích cực cho đến khi qua đời ở tuổi 92, hồi cuối năm 2018.
Năm 1980, Giáo sư Richard Peto, nhà dịch tễ học tại Đại học Oxford, đã công bố một phân tích tổng hợp gồm 6 thử nghiệm và cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh mạch máu giảm đáng kể 23% đối với những người dùng aspirin10.
Năm 1994, Tổ chức Hợp tác Thử nghiệm Thuốc kháng tiểu cầu đã xác nhận rằng Aspirin có thể ngăn ngừa các biến cố tim mạch và tử vong ở những người mắc bệnh mạch máu. Aspirin cũng có vai trò quan trọng trong điều trị ngay lập tức cơn đột quỵ nhẹ nhằm ngăn ngừa đột quỵ tái phát.