Thủ tướng kỳ vọng "5 cái hơn" khi nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia
Tin đối ngoại - Ngày đăng : 10:42, 05/03/2024
Ngày 5/3, trong chuyến thăm và làm việc tại Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Australia tại thành phố Melbourne.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát quan hệ Việt Nam - Australia đã trải qua 50 năm, trong đó có 15 năm là quan hệ Đối tác toàn diện và 6 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Hai bên cũng dự kiến nâng cấp quan hệ ngoại giao lên một tầm cao mới vì lợi ích chung của hai quốc gia.
"5 cái hơn trong quan hệ Việt Nam - Australia"
Với định hướng nâng cấp quan hệ, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ có "5 cái hơn" trong hợp tác giữa hai nước.
Một là sẽ có độ tin cậy chính trị tốt hơn. Hai là quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư được nâng cao. Ba là thúc đẩy hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bốn là thúc đẩy giáo dục đào tạo và năm là đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, góp phần thúc đẩy du lịch và lao động.
"5 cái hơn này là minh chứng cho việc tuy khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Australia xa nhau nhưng tấm lòng và sự hợp tác không có gì ngăn cản được, vì lợi ích của 2 dân tộc và vì hợp tác, hòa bình, phát triển trên thế giới", theo lời Thủ tướng.
Ông kỳ vọng quá trình hợp tác này sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, bền vững hơn.
Thông tin một số nét về tình hình Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng không có dân tộc nào phải chịu nhiều hy sinh, mất mát như Việt Nam, khi phải trải qua 30 năm chiến tranh và 10 năm cấm vận. Dù vậy, dân tộc Việt Nam đã tự lực tự cường, tự vươn lên, tự đổi mới với lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình.
Từ một đất nước có bình quân đầu người chưa được 100 USD, nền kinh tế chỉ có quy mô 4 tỷ USD, đến nay Việt Nam đã thuộc top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới (trên 430 tỷ USD); thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.300 USD năm 2023; nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về quy mô thương mại, thu hút FDI.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, sức chống chịu có hạn nên tác động bên ngoài dù nhỏ vẫn dễ gây tác động tiêu cực.
Để vượt qua khó khăn, Việt Nam đã xây dựng và triển khai đường lối đúng đắn dựa vào 3 trụ cột: xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa để huy động sức mạnh toàn dân kết hợp sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Chúng tôi không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Ông nhấn mạnh Việt Nam coi con người là vốn quý nhất, là cơ sở để phát triển. Việt Nam cũng xác định phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, lấy nội lực là chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp với ngoại lực về nguồn vốn, quản trị, công nghệ…
Tiềm năng hợp tác còn lớn
Về kinh tế, thương mại, đầu tư, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.
Ông cho biết Australia đã tham gia đầu tư Việt ở hơn 630 dự án với tổng giá trị hơn 2 tỷ USD, xếp thứ 20/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư sang Australia hơn 90 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu USD.
Về thương mại, năm 2023, thương mại song phương giữa hai nước đạt khoảng 14 tỷ USD.
"So với tiềm năng, con số này còn khiêm tốn nên cần nghiên cứu làm tốt hơn, vì hai nước vốn có nền kinh tế bổ trợ cho nhau", Thủ tướng nói.
Ông khẳng định Chính phủ hai nước tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hai bên hợp tác phát triển, trong đó tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
"Việt Nam có thị trường hơn 100 triệu dân nên tiêu dùng phát triển tốt, nhiều mặt hàng của Australia được người Việt ưa chuộng. Vì thế, chúng ta cần thúc đẩy bổ sung cho các mặt hàng của nhau", lãnh đạo Chính phủ Việt Nam gợi mở.
Bên cạnh đó, ông định hướng tập trung hợp tác ở các động lực mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ về định hướng phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược về hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế.
Trong đó, Thủ tướng nhận định Australia là nước phát triển, là quốc gia đi trước nên có thể hỗ trợ Việt Nam xây dựng thể chế, đào tạo để tạo đột phá về nguồn nhân lực.
Trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng tái khẳng định Việt Nam sẽ đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư Australia nói riêng và của nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam nói chung theo hướng "có vướng mắc sẽ tháo gỡ ngay".
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam kỳ vọng mối quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp, đi vào chiều sâu, góp phần đưa hai nước phát triển ngày càng hùng cường và thịnh vượng.
Phát biểu trước đó, đồng Bộ trưởng Thương mại Australia Tim Ayres nhận định quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển không ngừng trong những năm gần đây, và mục tiêu hai bên hướng đến là trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của nhau.
Dù khẳng định nhiều mối quan hệ hợp tác đã được thiết lập, ông Tim Ayres cho rằng còn rất nhiều điều Việt Nam và Australia có thể làm được để tiếp tục thúc đẩy hợp tác.
Ở Melbourne, ông Tim Ayres cho rằng Viện nghiên cứu chính sách Australia - Việt Nam vừa thành lập có thể là trung tâm tạo điều kiện, giúp đỡ mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Còn trường RMIT có thể là trung tâm kết nối về giáo dục giữa Australia và Việt Nam.
"Chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp nhiều nhân lực có kỹ năng để phục vụ cho sự phát triển trong tương lai của hai nước", theo lời ông Tim Ayres.
Thủ hiến bang Victoria Jacinta Allan thông tin hiện tại ở Melbourne có hơn 120.000 người Việt sinh sống và làm việc. "Đây là nơi có cộng đồng người Việt Nam lớn nhất, màu sắc nhất", theo bà Jacinta Allan.
Bà Jacinta Allan cho biết đang tìm con đường phát triển khác để thúc đẩy đầu tư song phương Việt Nam - Australia, và việc này trở nên thuận lợi hơn khi đã có đường bay thẳng TPHCM - Melbourne và ngược lại.