Ngày 5/3 năm xưa: Cú bấm máy của Alberto Korda và chân dung biểu tượng Che Guevara
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:00, 05/03/2024
Một khoảnh khắc, một con người
Thứ Sáu, ngày 4/3/1960, con tàu La Coubre của Cuba chở hàng chục tấn vũ khí do Chính phủ đặt mua ở Bỉ đã cập cảng Havana. Không ai hay biết bên trong có gì. Vài tiếng sau, con tàu phát nổ với âm thanh khủng khiếp. Hơn 100 công nhân cảng thiệt mạng, bị thương vô số kể.
Người ta đã đã huy động các công nhân bốc xếp ở cảng để vận chuyển vũ khí từ tàu xuống, thay vì sử dụng quân đội. Đây có thể là nguyên nhân khiến tai nạn xảy ra vì công nhân bốc xếp không thể biết các quy trình vận chuyển vũ khí như quân đội.
Alberto Díaz Gutiérrez, bút danh Alberto Korda, lúc đó là phóng vên ảnh của tờ Revolución được giao đến tác nghiệp tại lễ tang tập thể do nhà nước tổ chức ngay ngày hôm sau, thứ Bảy ngày 5/3, ở Nghĩa trang Colon.
Chủ tịch Fidel Castro xuất hiện trên lễ đài tuyên bố đây là một tội ác phá hoại của Mỹ. Ngày thứ Bảy hôm đó, lần đầu tiên ông đưa ra khẩu hiệu ‘Tổ quốc hay cái chết?’, chứ không phải ‘Tổ quốc và tự do’ như khẩu hiệu quen thuộc trước đó. Lời hiệu triệu và thuật hùng biện của Fidel Castro khiến đám đông sôi lên.
Alberto Korda hiểu rằng không lúc nào thích hợp hơn để bắt lấy khoảnh khắc này. Bất cứ phóng viên nào ở Cuba lúc đó đều biết rằng chụp và nộp ảnh lãnh đạo ở các sự kiện cho tòa soạn là điều kiện đầu tiên để đánh giá có biết làm báo hay không?
Trước cách mạng 1956, Alberto Diaz Gutierrez vì ngưỡng mộ đạo diễn gốc Hungary Alexander Korda đã lấy tên này làm bút danh cho mình khi làm phóng viên ảnh cho một tạp chí thời trang. Nhưng sau khi cách mạng thành công năm 1959, ông được điều chuyển làm phóng viên chuyên theo các sự kiện của nhà nước và các lãnh đạo. Lúc này các tờ báo thời trang không còn đất sống ở Cuba vì nó được hiểu như một thứ văn hóa phẩm ‘đồi trụy’.
Nhưng mắt thẩm mỹ của người chụp ảnh thời trang thì không mất. Korda kể về cú bấm máy của mình: “Dưới chân bục trang trí lễ đài, tôi hướng ống kính 90mm của chiếc Leica cũ về phía Fidel Castro. Đột nhiên, trong khung hình tôi thấy Che xuất hiện. Tôi ngạc nhiên trước ánh mắt của ông ấy’. Bằng phản xạ nghề nghiệp, ông bấm liền hai phát. Tấm đầu là ảnh ngang, rồi xoay máy lại bấm theo chiều dọc. Âm thanh màn trập xác nhận phim đã chạy và ghi ảnh. ‘Tôi chưa kịp chụp bức ảnh thứ ba thì Che đã kín đáo lùi xuống hàng ghế thứ hai…. Mọi chuyện chưa đầy nửa phút”, Korda kể tiếp.
Trở về nhà, Korda cắt ảnh ngang thành chân dung dọc, vì trong khung hình đầy đủ, một người đàn ông khác đang chen qua vai phải của Che. Ngoài ra, một số cành cọ xuất hiện bên trái như một thứ “tiền cảnh” thừa thãi và vô duyên, cần phải bỏ.
Tuy nhiên, các biên tập viên của Revolución đã từ chối sử dụng tấm ảnh này mà không phản hồi gì. Korda cũng chẳng thắc mắc. Bởi ai cũng biết ảnh lãnh đạo Fidel mới là quan trọng nhất.
Korda vẫn giữ tấm chân dung của Che, treo nó trong căn hộ của mình và đặt tên là “Guerrillero Heroico” (Anh hùng du kích). Tấm ảnh thể hiện rõ thần thái thủ lĩnh. Che khẽ cau mày làm toát lên vẻ cương nghị trên khuôn mặt, ánh mắt tinh anh đầy sục sôi cách mạng trước bao nhiêu cái chết.
Thời điểm trước đó và sau này Korda chụp rất nhiều ảnh của Che nhưng ông khẳng định vị anh hùng gốc Argentina không thích máy ảnh hướng về mình.
Bức ảnh biểu tượng
Che Guevara bị bắn chết tại Bolivia năm 1967. Vài tháng trước đó, doanh nhân người Ý Giangiacomo Feltrinelli từ Bolivia đến Cuba gõ cửa studio của Korda ở Havana kèm lá thư giới thiệu của Haydée Santamaría, lúc đó là chủ tịch của Casa de las Américas - một tổ chức nghiên cứu văn hóa đang phổ biến rộng rãi hệ tư tưởng Cách mạng Cuba, với đề nghị được cung cấp một bức ảnh đẹp của Che.
Korda chỉ vào bức tường, nơi có tấm ảnh mà tờ Revolución (lúc này đã không còn tồn tại) từng từ chối đăng, lúc này vẫn được treo: “Đây là bức ảnh đẹp nhất của tôi về Che”. Feltrinelli yêu cầu hai bản sao và được đáp ứng ngay ngày hôm sau với kích thước 8 x 10.
Korda nói vì Feltrinelli được giới thiệu từ một người mà ông mến mộ nên không lấy đồng nhuận ảnh nào. Hơn nữa, thời điểm đó việc thanh toán giao dịch bằng tiền mặt có thể đem đến rắc rối khi Chính phủ Cuba đang nỗ lực triệt tiêu hoạt động tư thương và sở hữu ngoại tệ có thể chịu án tù.
Feltrenelli vốn xuất thân trong một gia đình giàu có ở Ý. Ngay khi Che Guevara qua đời, ông đã bán đến hàng triệu tấm ảnh trên mà...không để tên Korda
Trong nhiều thập kỷ, Korda chưa bao giờ kiếm được một xu từ việc bán bản quyền bức ảnh mang tính biểu tượng của Che. Bởi việc thu lợi nhuận như vậy, theo Korda, sẽ không mang tính cách mạng. Ông bị ảnh hưởng từ lời hùng biện của Fidel Castro năm 1967: “Điều kỳ lạ là không khí không thể bịt kín trong chai, nhưng thứ trừu tượng như sở hữu trí tuệ lại có thể” Vì vậy, ảnh của Che phải được tặng miễn phí. Một thời gian dài không ai biết tác giả bức chân dung trên là Korda.
Mãi đến lúc trước khi qua đời, Korda mới nộp đơn kiện và được Tòa án tối cao London xác nhận quyền tác giả. Hãng rượu vodka Smirnoff phải ngưng in chân dung Che trên thân chai bởi Korda cho rằng việc khai thác thương mại như vậy là một sự xúc phạm đến di sản của người anh hùng du kích.
Korda khẳng định mình cũng chưa từng uống rượu. Sau một cuộc dàn xếp, Smirnoff phải bồi thường cho Korda 50.000 USD, số tiền này được chuyển cho nhà nước Cuba để mua thuốc cho trẻ em.
Bức chân dung Che Guevara mà Korda chụp đã trở thành ‘bức ảnh biểu tượng’, được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, sách báo, phim ảnh, tranh cổ động v..v. Cuba cũng phát hành tờ 3 peso (tương đương 1 xu của Mỹ) với bức chân dung này ở giữa.
Tại Havana, chân dung Che được trang trí kiểu âm bản ngay trước mặt tiền Bộ Nội vụ. Năm 2016 khi Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Cuba đã cùng đoàn quan chức chụp một tấm ảnh tại đây, với chân dung Che phía sau.