Vì sao RS-28 Sarmat được coi là 'tên lửa uy lực nhất thế giới'?
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 22:28, 04/03/2024
Được nhiều phương tiện truyền thông gọi phổ biến bằng cái tên Satan II, RS-28 Sarmat là vũ khí được Nga ca ngợi là “tên lửa uy lực nhất thế giới”.
Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin tiết lộ Nga đang sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo chiến lược RS-28 Sarmat. Ảnh: The Strategist |
RS-28 Sarmat là hệ thống tên lửa đạn đạo liên tục địa thế hệ mới của Nga do Trung tâm Tên lửa quốc gia Makeev thiết kế và Nhà máy chế tạo Krasnoyarsk sản xuất, nhằm thay thế tên lửa đạn đạo R-36M2 Voyevoda, vốn hoạt động trong Lực lượng tên lửa chiến lược Nga từ năm 1988.
Quá trình phát triển RS-28 Sarmat bắt đầu từ năm 2009 và được ra mắt vào tháng 8-2019 tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự. Đến tháng 2-2021, Nga tiến hành sản xuất tên lửa đạn đạo này. Ngày 20-4-2022, Sarmat được phóng thử lần đầu tiên từ sân bay vũ trụ quân sự Plesetsk ở vùng Arkhangelsk, miền bắc nước Nga.
RS-28 Sarmat được phóng từ giếng phóng tương tự tên lửa R-36M2 Voyevoda. Tên lửa có thể được vận chuyển bằng đường sắt từ nơi sản xuất đến đơn vị quân đội hoặc đặt trên xe moóc bốn trục kéo bởi một xe tải hạng nặng.
Theo nhà sản xuất, RS-28 Sarmat có chiều dài 35,5m, đường kính 3m và có trọng lượng phóng là 208,1 tấn. Tầm bắn của tên lửa lên tới 18.000km, cho phép tấn công hầu hết mọi vị trí trên Trái đất với sai số chỉ khoảng 500m. Tên lửa chủ yếu được làm bằng hợp kim nhôm-magie bền hơn, nhẹ hơn và mang được tải trọng lớn. Vật liệu composite cũng được sử dụng trong hộp bảo quản và thùng phóng để làm giảm tín hiệu radar.
RS-28 Sarmat là tên lửa đạn đạo 3 giai đoạn sử dụng nhiên liệu lỏng, được trang bị đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV) và có thể mang lượng nhiên liệu nặng 178 tấn. Tên lửa này thể mang theo từ 10 đến 15 đầu đạn hạt nhân ước tính có sức công phá hàng chục megaton. Tên lửa cũng được trang bị nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.
RS-28 Sarmat được trang bị động cơ RD-274 ở giai đoạn đầu và các đầu đạn trên Sarmat có thể lao tới mục tiêu ở vận tốc Mach 20,7 (khoảng 25.500 km/giờ), với quỹ đạo bay phức tạp, gần như không thể đánh chặn.
Thực hiện: QUỲNH OANH. Nguồn: Defense TV |
QUỲNH OANH (Theo Army Recognition, Bulgarian Military)