TAND TPHCM chuẩn bị cho phiên tòa xử vợ chồng bà Trương Mỹ Lan ra sao?
Pháp luật - Ngày đăng : 17:31, 04/03/2024
Chiều 4/3, TAND TPHCM đã hoàn tất công việc chuẩn bị cho công tác xét xử với bị cáo (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm.
Phiên tòa có hơn 200 luật sư bảo vệ quyền lợi, tòa án triệu tập hơn 2.400 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Do số lượng bị cáo, luật sư và người có quyền lợi liên quan đông nên TAND TPHCM phải bố trí 2 phòng xử lớn nhất thông nhau, ở mỗi phòng đều có 2 màn hình lớn để tường thuật phiên tòa.
Cũng trong chiều ngày 4/3, ông Phạm Ngọc Duy (Chánh văn phòng TAND TPHCM) đã phổ biến với các phóng viên công tác chuẩn bị cho việc xét xử.
Ông Duy cho hay, công việc chuẩn bị cho phiên xét xử đã được hoàn tất.
Theo ông Duy, luật sư và báo chí sẽ bị hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện tử, được tòa cung cấp máy tính; riêng báo chí chỉ được sử dụng máy ảnh, ghi âm. Các phóng viên được bố trí ở phòng riêng, theo dõi, đưa tin phiên tòa qua màn hình dưới sự hỗ trợ đường truyền hình ảnh, âm thanh của Đài truyền hình TPHCM.
Đối với các bị cáo, ông Duy cho biết, tòa cũng đã chuẩn bị nơi cách ly, nghỉ ngơi, ăn uống của các bị cáo đã được chuẩn bị đầy đủ.
"Hiện, TAND TPHCM đã trùng tu giai đoạn 2 nên tòa không có đủ điều kiện để bố trí cho thân nhân các bị cáo tới tham dự phiên tòa. Vì vậy, người nhà của các bị cáo không nên tới tòa. Đối với hoạt động của TAND TPHCM, tòa vẫn tiếp nhận các công việc bình thường đối với người dân ở khu vực riêng", ông Duy thông báo.
Bên trong phòng xử B1 bố trí chỗ ngồi cho hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TPHCM, các bị cáo, luật sư và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Chánh Văn phòng TAND TPHCM cho biết, đây là giai đoạn 1 của vụ án, xét xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm về các tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ…
Trong giai đoạn 2 của vụ án sẽ liên quan tới nhóm trái phiếu có tới 40.000 bị hại. Việc giải quyết giai đoạn 1 những sai phạm của bà Lan và đồng phạm sẽ là tiền đề cho giai đoạn 2 và thu hồi tài sản trả cho các bị hại.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, sau đó làm khống hồ sơ rút tiền phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Dù không nắm chức vụ tại SCB, song với việc nắm giữ 91,5% cổ phần, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng. Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1,06 triệu tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm tháng 10/2022 (khi vụ án được khởi tố), nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Sau khi cấn trừ tài sản đảm bảo bà còn chiếm đoạt của SBC 304.000 tỷ và tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi của bà Lan còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng giai đoạn năm 2017 về trước.