Bé gái 2 tháng tuổi suýt chết vì bà nội lén cho cháu uống nước, 4 năm sau người mẹ cay đắng kể lại hậu quả
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 16:45, 04/03/2024
Theo truyền thông Malaysia, một nữ cư dân mạng tên Nosafika mới đây đã đăng tải bài viết trên trang cá nhân chia sẻ về việc con gái cô là Noduha sau khi chào đời vì trông hơi nhỏ nên bà nội luôn lo lắng cháu gái không đủ ăn. Do đó, bà đã nhiều lần dặn dò Nosafika nên cho con gái ăn thêm ngũ cốc và các thực phẩm khác để đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh.
Vì khi ấy đang trong thời gian ở cữ nên Nosafika kiên quyết dặn mẹ chồng không được cho đứa trẻ mới sinh ăn thức ăn bổ sung. Nhưng không ngờ sau đó, mẹ chồng cô thường xuyên lén lút cho con gái của Nosafika uống thêm nước đun sôi để nguội khi cô bé mới 2 tháng tuổi. Kết quả sau đó đứa trẻ nôn mửa liên tục và đổ bệnh suốt 20 ngày.
Bà nội cho cho cháu gái 2 tháng tuổi uống nước khiến cháu gái suýt chết.
Nosafika nhanh chóng đưa con gái đến bệnh viện để chụp X-quang thì phát hiện ruột của bé đã sưng tấy không còn hình dạng và thậm chí chụp X-quang cũng không thể nhìn rõ nên bác sĩ phải tiêm thuốc cho đứa trẻ và yêu cầu nhập viện. May mắn sau 3 ngày hôn mê, tình trạng của bé gái dần được cải thiện sau khi được điều trị kịp thời.
Điều khiến Nosafika cảm thấy bất lực là dù sự việc này đã xảy ra 4 năm trước nhưng con gái cô vẫn phải gánh chịu những di chứng nặng nề. Nosafika cho biết: "Cứ hai tháng một lần, con gái tôi lại đột ngột đau bụng rồi đổ bệnh suốt một tuần, tôi phải vội vã đến bệnh viện để lấy thuốc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con gái và cả gia đình. Chỉ vì ít nước đun sôi để nguội mà giờ con gái thường xuyên đổ bệnh".
Bác sĩ nổi tiếng trên Internet Ahmad Sanhan cũng chỉ ra rằng nước thường không có chất dinh dưỡng và không chứa calo, vì vậy trẻ không nên uống nước thường trước khi được 6 tháng tuổi. Ngoài ra, nếu trẻ uống quá nhiều nước đun sôi sẽ mất cảm giác thèm sữa, ruột và dạ dày không còn chỗ để hấp thụ các chất dinh dưỡng, calo giúp trẻ phát triển, khiến trẻ sụt cân, thiếu chất và chậm phát triển.
Ông cũng nhắc nhở, uống quá nhiều nước có thể dẫn đến ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là khi thận còn non nớt: “Không cần thiết cho trẻ uống nước lọc trước 6 tháng tuổi hoặc trước khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc, vì trong sữa đã chiếm 88% lượng nước, đủ cho sức khỏe của bé”.
Những nguy cơ khi trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước lọc
Các bác sĩ cho biết cha mẹ nên tránh cho trẻ sơ sinh uống nước.
Bác sĩ nhi khoa Steven Halm, trưởng khoa Y xương khớp của Đại học Des Moines (Mỹ) cho biết: “Nước bổ sung là một mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe ở trẻ sơ sinh và không được khuyến khích trong 6 tháng đầu đời” .
Đó là vì thận của trẻ đang phát triển trong sáu tháng đầu đời và không thể xử lý được nhiều nước. Bác sĩ nhi khoa Hailey Nelson, tại Valley Children's Healthcare ở California cho biết thêm sữa mẹ và sữa công thức đã có sẵn nước nên việc bổ sung thêm nước vừa không cần thiết vừa không an toàn.
Bác sĩ Nelson nói: “Nếu bạn cho trẻ sơ sinh uống nước có thể làm mất đi chất điện giải của trẻ - điều đó rất nguy hiểm".
Các bác sĩ cho biết trẻ sơ sinh không cần uống nước cho đến khi được 6 tháng tuổi. (Ảnh minh họa)
Trong những trường hợp như tình trạng thiếu sữa công thức dành cho trẻ em xảy ra vào năm 2022, bác sĩ Nelson cho biết một số bậc cha mẹ có thể quyết định pha sữa bột của trẻ với nhiều nước hơn mức cần thiết để sữa có tác dụng lâu hơn. Tuy nhiên, đó là một hành động sai lầm có thể gây ngộ độc nước cho trẻ.
Theo Bệnh viện Nhi đồng St. Louis, ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến co giật, sưng não và thậm chí tử vong. Lượng nước có thể gây ra các biến chứng cho trẻ sơ sinh sẽ khác nhau tùy theo các yếu tố bao gồm độ tuổi của trẻ và mức độ hoạt động của thận.
Tổ chức Y tế Thế giới và Học viện Nhi khoa Mỹ cũng khuyến nghị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời của trẻ.
Theo Người đưa tin