Điểm tin kinh doanh 4/3: Giá vàng có thể biến động thế nào tuần này?

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 04/03/2024

Hệ thống KRX sẽ được HoSE chạy thử từ hôm nay 4/3; Vốn FDI vào TP.HCM 2 tháng đầu năm 2024 giảm 47% so với cùng kỳ
gia-vang-hom-nay-27-9-16957910302722108924584-1-.jpg

- Giá vàng có thể biến động thế nào tuần này?

Giá vàng trong nước hiện đang đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay, vượt 80 triệu đồng/lượng, liệu tuần này có tiếp tục biến động?

Chốt phiên giao dịch tuần trước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào - bán ra ở mức 77,8 - 80,32 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 1,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần trước đó nữa.

Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,6 - 81 triệu đồng/lượng, tăng 2,1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 2,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần trước đó nữa. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 65,25 - 66,45 triệu đồng/lượng.

Phú Quý SJC đang niêm yết vàng miếng SJC với giá 77,8 - 80,2 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần trước đó nữa.

Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng ở mức 77,65 - 80,25 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 1,15 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,6 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên tuần trước. Vàng nhẫn Doji 9999 đứng ở mức 66,6 - 67,8 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 2,2 triệu đồng/lượng so với tuần trước đó nữa.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 66,78 - 67,98 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng mạnh 2,2 triệu đồng/lượng so với tuần trước đó nữa.

Như vậy, tính chung từ đầu tuần trước, giá vàng SJC tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tăng tới 2,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và tăng 2,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Từ sau ngày vía Thần tài (19.2) đến nay, giá vàng miếng có xu hướng tăng mạnh. Từ mức giá 77,5 triệu đồng, giá vàng miếng đã tăng 3,5 triệu đồng mỗi lượng chỉ sau chưa đầy hai tuần.

Không chỉ vàng miếng thương hiệu, giá vàng nhẫn cũng liên tục lập đỉnh. Giá vàng nhẫn tròn trơn được SJC niêm yết ở mức 65,73 - 66,83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 350.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên trước đó. Đây là mức giá cao nhất của giá vàng nhẫn trong nước từ trước đến nay.

Giới chuyên gia cho rằng nhiều người xem vàng nhẫn là một kênh đầu tư sinh lời, cho nên đa số người mua sẽ tập trung vào mặt hàng kim loại quý này. Ngay từ những ngày gần Tết Nguyên đán, không ít khách hàng đã tăng mua vàng nhẫn để kiếm lời. Sức mua tăng khiến số lượng vàng nhẫn tại các cửa hàng hiện không còn nhiều, thậm chí rơi vào tình trạng cháy hàng.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng 4,4 triệu đồng/lượng (tương đương với mức tăng 5,2%), giá vàng nhẫn tăng 2,9 triệu đồng/lượng (tương đương với mức tăng 4,3%). Đáng chú ý, biên độ chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao.

Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng tăng lên do sức cầu tăng vọt. Chốt phiên giao dịch tuần, giá vàng thế giới ở mức 2.082,73 USD/ounce, tăng 1,9%, nhờ hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và các thị trường mới nổi.

Quy đổi sang VNĐ (đã tính thuế, phí gia công), chênh lệch giữa giá vàng thế giới và SJC trong nước vào khoảng 17,95 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn gần 4 triệu đồng/lượng.

Trong tuần này, nếu Ngân hàng Nhà nước chưa có chính sách can thiệp thị trường vàng, giá vàng trong nước được dự báo có thể đi lên cùng đà tăng mạnh của giá vàng thế giới. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng nguồn cung vàng miếng, giá sẽ đảo chiều giảm tùy thuộc vào liều lượng cung ra thị trường.

Nếu có quy định về việc ngưng độc quyền vàng miếng SJC cũng sẽ giúp giá loại vàng này giảm mạnh, tuy nhiên đây là bài toán khó với chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế cũng như ưu tiên kiểm soát và ổn định tỷ giá.

- Đề xuất quy chế sử dụng hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến góp ý về dự thảo Quyết định ban hành quy chế sử dụng Hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo dự thảo, Công ty đại chúng thực hiện báo cáo, công bố thông tin trên Hệ thống công bố thông tin của UBCKNN

Quy chế này quy định việc sử dụng Hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để thực hiện báo cáo và công bố thông tin bằng hình thức điện tử theo quy định của pháp luật về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Quy chế này áp dụng đối với công ty đại chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán (trừ công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán); Tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; Tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh; Tổ chức, cá nhân có liên quan khác

Theo dự thảo, Công ty đại chúng thực hiện báo cáo, công bố thông tin trên Hệ thống công bố thông tin của UBCKNN (Hệ thống IDS) tại địa chỉ https://ids.ssc.gov.vn.

Công ty đại chúng sử dụng tài khoản do UBCKNN cấp và chữ ký số công cộng của công ty để thực hiện báo cáo và công bố thông tin điện tử trên Hệ thống IDS.

Công ty đại chúng phải đăng ký thông tin về người thực hiện công bố thông tin của công ty với UBCKNN. Khi có thay đổi về người thực hiện công bố thông tin, công ty phải cập nhật trên Hệ thống IDS và chịu trách nhiệm về các thay đổi này.

Công ty đại chúng phải cập nhật các thông tin về Hồ sơ công ty đại chúng trên Hệ thống IDS ngay sau khi đăng nhập hệ thống. Khi có thay đổi về các thông tin nêu trên, công ty phải cập nhật trên Hệ thống IDS và chịu trách nhiệm về các thay đổi này.

- Cách Đèo Cả huy động 82.000 tỷ đồng cho các dự án triển khai năm 2024

Thay vì hợp tác PPP truyền thống, để đáp ứng lượng vốn khổng lồ, mô hình PPP++ được Tập đoàn Đèo Cả áp dụng nhằm đa dạng hoá nguồn vốn huy động.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trong năm 2024, tập đoàn dự kiến đầu tư, xây dựng 300km đường cao tốc, đường vành đai với tổng mức đầu tư hơn 82.000 tỷ đồng từ các dự án tiêu biểu như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc, TP.HCM - Chơn Thành, Vành đai 4, TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)…

Thay vì hợp tác công tư (PPP) truyền thống, để đáp ứng lượng vốn khổng lồ cho các dự án, mô hình PPP++ là giải pháp Đèo Cả nghiên cứu và áp dụng để huy động vốn cho dự án. Thông qua việc đa dạng hoá nguồn vốn huy động nhằm tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Cơ cấu nguồn vốn của các dự án triển khai theo phương thức PPP++ được đa dạng hoá hơn so với mô hình PPP cơ bản. Ngoài vốn NSNN, vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng, cơ cấu nguồn vốn theo mô hình PPP++ có sự tham gia của nguồn lợi nhuận thi công từ chính dự án, trái phiếu, cổ phiếu, các hợp đồng BCC…

Các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công (EC), hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công (EPC). Phương thức này sẽ góp phần tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án. Lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án.

Với vai trò là nhà đầu tư dẫn đầu, Đèo Cả có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị dự án, đấu thầu thực hiện dự án, tổ chức quản lý dự án với vai trò là nhà đầu tư, trực tiếp làm việc với Cơ quan nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, các bộ...).

nguoi-dung-duoc-tu-van-trai-nghiem-dich-vu-tai-di-dong-viet.jpg

- Vốn FDI vào TP.HCM 2 tháng đầu năm 2024 giảm 47% so với cùng kỳ

Trong 2 tháng đầu năm 2024, TP.HCM chỉ thu hút được 195,4 triệu USD vốn FDI, giảm 47% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế- xã hội 2 tháng đầu năm 2024, vốn FDI đầu tư vào Thành phố giảm mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2024, tính chung cả vốn dự án đầu tư mới và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TP.HCM thu hút được 195,4 triệu USD, giảm 47% so với cùng kỳ.

Trong đó, các dự án FDI cấp mới có 144 dự án với tổng vốn đăng ký gần 34 triệu USD, tăng gần 40% số dự án cấp mới nhưng lại giảm gần 66% vốn đầu tư so với cùng kỳ.

Ngoài ra, có 30 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, với số vốn tăng thêm 42,3 triệu USD (tăng 3,4% số dự án nhưng giảm gần 40% vốn điều chỉnh so với cùng kỳ).

Thành phố cũng chấp thuận cho 261 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với số vốn đăng ký hơn 119 triệu USD, giảm 14,4 % về số trường hợp và giảm hơn 40% về vốn so với cùng kỳ.

Như vậy, có thể thấy phần lớn vốn FDI đầu tư vào TP.HCM trong 2 tháng đầu năm 2024 chủ yếu đến từ phần vốn góp mua cổ phần.

Số dự án cấp phép mới dù số lượng tăng nhưng số vốn lại giảm mạnh. Điều đó cho thấy, các dự án FDI đầu tư vào TP.HCM có quy mô khá nhỏ.

Theo đánh giá Sở hoạch và Đầu tư TP.HCM, thu hút vốn FDI giảm mạnh so với cùng kỳ là một trong những hạn chế của Thành phố trong 2 tháng đầu năm.

Trong tháng 3/2024, Thành phố sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư, trong đó có các dự án FDI.

- Hệ thống KRX sẽ được HoSE chạy thử từ hôm nay 4/3

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) vừa có thông báo đến các công ty chứng khoán Kế hoạch diễn tập chuyển đổi hệ thống lần 1 của dự án Công nghệ thông tin KRX.

Việc đưa vào vận hành chính thức hệ thống KRX sẽ là "cú hích" lớn cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, từ ngày 4/3 đến ngày 8/3, HoSE sẽ tiến hành kiểm tra việc chuyển đổi hệ thống và các công ty chứng khoán chuẩn bị hệ thống để chuyển đổi theo lịch trình, thực hiện kiểm tra hệ thống và Cutover Test vào ngày 7/3. Dữ liệu cho ngày giao dịch đầu tiên sẽ là dữ liệu cuối ngày 1/3.

Từ ngày 11/3 đến ngày 15/3, các công ty chứng khoán sẽ thử nghiệm việc nhập lệnh giao dịch, đảm bảo hoạt động giao dịch chứng khoán như một ngày giao dịch bình thường. HoSE đề nghị các công ty chứng khoán chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi của mình (nếu cần thiết) và nghiêm túc thực hiện diễn tập.

Hồi tháng 9/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) đã có công văn yêu cầu các công ty chứng khoán thành viên cần nghiêm túc, đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các chức năng, tương thích với hệ thống KRX khi hệ thống này được đưa vào vận hành.

Công văn của VNX cũng nêu rõ, trường hợp hệ thống công nghệ thông tin của công ty chứng khoán thành viên không kết nối được với hệ thống KRX, công ty sẽ không đáp ứng điều kiện làm thành viên của VNX, thuộc trường hợp bị hủy tư cách thành viên và công ty phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với khách hàng mở tài khoản giao dịch tại công ty.

Hệ thống KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được HoSE ký kết với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) vào năm 2012. Dự án này nhằm nâng cấp công nghệ hệ thống và cơ sở hạ tầng của sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Vì nhiều lý do khách quan như dịch bệnh kéo dài, tính chất phức tạp do gói thầu quá lớn… nên việc đưa hệ thống KRX đi vào hoạt động chưa diễn ra như kế hoạch trước đây.

Tại "Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu xuân Giáp Thìn 2024, bà Nguyễn Thị Việt Hà - Quyền Chủ tịch HoSE cho biết, Hệ thống KRX thực hiện đã xong giai đoạn kiểm thử người dùng cuối cùng, đang xem xét triển khai hệ thống trong năm nay khi các thành viên thị trường đảm bảo vận hành thông suốt, ổn định.

Việt Báo (Tổng hợp)