Điểm tin công nghệ 3/3: Chip bán dẫn sẽ ngày càng đắt đỏ khi nguồn nước khan hiếm

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 03/03/2024

Google phát hành app giải toán bằng AI; Gần 60% người Việt dùng mạng xã hội nghiên cứu sản phẩm
tsmc-chip-2nm-2.jpg

- Gần 60% người Việt dùng mạng xã hội nghiên cứu sản phẩm

Tại Việt Nam, có tới 59% người tiêu dùng tin tưởng vào mạng xã hội để nghiên cứu thông tin về sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hàng.

Theo báo cáo cuối tháng 2/2024 của DoubleVerify (NYSE: DV) - nền tảng đo lường dữ liệu và phân tích truyền thông kỹ thuật số chia sẻ thông tin về ngành quảng cáo và chất lượng truyền thông tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có gần 70% người tiêu dùng tại Đông Nam Á dành nhiều thời gian hơn mỗi ngày để xem các nội dung trực tuyến. Đây là cơ hội để các thương hiệu, nhãn hàng tiếp cận khách hàng.

Nền kinh tế chú ý (attention economy) cũng đang nổi lên tại khu vực, trong đó 70% người tiêu dùng tại Đông Nam Á dành nhiều thời gian hơn mỗi ngày để xem các nội dung trực tuyến. Các sàn thương mại điện tử như: Grab, Lazada và Websosanh ngày càng trở nên phổ biến với vai trò như là những kênh khám phá, thậm chí qua mặt mạng xã hội và công cụ tìm kiếm Google.

- TP.HCM sẽ áp dụng cơ chế đặc thù với dự án trí tuệ nhân tạo, vi mạch

TP.HCM sẽ thí điểm chính sách đặc thù về cơ chế tuyển chọn, tài chính với các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên như trí tuệ nhân tạo (AI).

Chiều 2/3, Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 – 2028.

Chương trình nhằm tăng cường hợp tác giữa hai tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động khoa học, công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo; thí điểm, thử nghiệm một số cơ chế, chính sách, các sản phẩm mới, dịch vụ mới trên địa bàn TP giai đoạn 2024 - 2028.

Đồng thời, thí điểm chính sách đặc thù của TP về cơ chế tuyển chọn chương trình, dự án KH-CN; cơ chế tài chính các chương trình, dự án KH-CN cho công tác lập dự toán, phê duyệt dự toán, quyết toán, mua sắm công… đối với các lĩnh vực ưu tiên như: công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ internet kết nối vạn vật; công nghệ dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối; công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt; robotics, công nghệ tự động hóa; công nghệ in 3D tiên tiến; công nghệ sinh học; công nghệ lai tạo, sản xuất giống trong nông nghiệp; công nghệ thế hệ mới trong xử lý, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; công nghệ tế bào gốc; công nghệ vi sinh tiên tiến; công nghệ dược; công nghệ sản xuất thiết bị, vật liệu kháng khuẩn, kháng virus sử dụng trong y tế; công nghệ dược phẩm, vật liệu y sinh, bộ phận giả, thiết bị y tế kỹ thuật cao; vật liệu nano; vật liệu cho chế tạo linh kiện vi cơ điện tử và cảm biến thông minh; vật liệu bán dẫn, quang điện tử và quang tử; vật liệu in 3D tiên tiến; vật liệu y sinh học.

- Sam Altman nói AI không phải 'sinh vật trong phim khoa học viễn tưởng'

Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, đã bày tỏ quan điểm của mình về trí tuệ nhân tạo (AI), mô tả nó như một công cụ chứ không phải "sinh vật".

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Advocate, Sam Altman cho biết một trong những "điều hiểu lầm lớn nhất" về AI là người ta thường coi nó như "một sinh vật thay vì công cụ".

Ông nói: "Nếu nó là sinh vật trong bộ phim khoa học viễn tưởng, đó sẽ là một cốt truyện hay hơn. Nếu bạn sử dụng ChatGPT, nó rõ ràng là một công cụ". Doanh nhân 38 tuổi người Mỹ nói thêm rằng "quan điểm phổ biến về AI như trong phim khoa học viễn tưởng rất khác biệt so với việc những người đã sử dụng nó như một công cụ trong thời gian dài".

Sam Altman thừa nhận rằng sử dụng công cụ này đi kèm với những rủi ro. "Nhưng AI có hình dạng khác và tính chất khác", Giám đốc điều hành OpenAI nói thêm.

Phát ngôn này khiến người ta ít hoảng sợ hơn so với những cảnh báo trước đây của Sam Altman.

Giám đốc điều hành OpenAI từng nói vào năm 2015 rằng "AI có thể sẽ dẫn đến sự kết thúc của thế giới, nhưng trong thời gian này, sẽ có những công ty tuyệt vời".

amd-ryzen-7nm-tsmc-chiplet_108bafe791c64dbc845dafb7c61f79ee_master.jpg

- Google phát hành app giải toán bằng AI

Photomath, công cụ giải bài tập toán bằng AI với chi tiết lời giải chính thức trở thành ứng dụng của Google trên cửa hàng Play Store và App Store.

Với phần mềm PhotoMath, người dùng có thể nhanh chóng giải một vài phương trình đơn giản, thích hợp khi không có máy tính bên cạnh. Ngay khi vừa ra mắt, ứng dụng giải toán này đã vượt lên vị trí những ứng dụng hàng đầu về toán học.

Sức hút từ ứng dụng này đã thu hút ông lớn Google. Tháng 5/2022, gã khổng lồ tìm kiếm chính thức mua lại phần mềm giải toán, và được cơ quan quản lý phê duyệt vào năm 2023.

Theo 9to5Google, Photomath hiện đã chuyển sang tài khoản của Google trên cả hai nền tảng Play Store và App Store của Apple trong tuần này.

- Chip bán dẫn sẽ ngày càng đắt đỏ khi nguồn nước khan hiếm

Bán dẫn càng tiên tiến thì sẽ có nhiều bước xử lý và lượng nước tiêu thụ càng nhiều, dẫn đến tình trạng khan nước khiến cho chip bán dẫn sẽ ngày càng đắt đỏ hơn.Theo dõi Baoquocte.vn trên

Theo báo cáo của công ty xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings cho thấy TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có nguy cơ thiếu nước khi công nghệ bán dẫn ngày càng hiện đại.

Sản xuất bán dẫn được xem như ngành công nghiệp “khát nước” vì những nhà máy tiêu thụ lượng nước khổng lồ mỗi ngày để làm mát máy móc cũng như đảm bảo các tấm wafer không có bụi hoặc mảnh vụn.

Nhà phân tích Hins Li của S&P Global Ratings cho biết có liên quan trực tiếp giữa nước và mức độ tinh vi của chip. Nhà máy sử dụng nước siêu tinh khiết (nước ngọt đã được xử lý với độ tinh khiết cực cao) để rửa những tấm wafer giữa mỗi quy trình. Bán dẫn càng tiên tiến, càng nhiều bước và càng tiêu thụ nhiều nước.

Lượng nước tiêu thụ trên mỗi đơn vị chip của TSMC cũng đã tăng hơn 35% sau khi tiến tới những nút xử lý 16nm vào năm 2015, dữ liệu từ S&P tiết lộ. Là cái tên thống trị trên thị trường sản xuất chip tiên tiến, nếu như hoạt động của TSMC bị gián đoạn do thiếu nước, chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu có thể sẽ bị phá vỡ.

Tuy nhiên, S&P lưu ý TSMC có thể sử dụng vị thế của mình để bù đắp sản lượng thấp hơn bằng việc tăng giá sản phẩm. Nếu duy trì được vị trí dẫn đầu về công nghệ, họ hoàn toàn có đủ khả năng để kiểm soát ảnh hưởng của biến động sản lượng đối với kết quả kinh doanh và lợi nhuận.

“Gã khổng lồ” chip Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất được khoảng 90% chip tiên tiến trên thế giới sử dụng cho AI cùng những ứng dụng điện toán lượng tử. Họ có thể tập trung vào sản xuất nhiều chip tiên tiến hơn thay vì chip công nghệ cũ, có biên lợi nhuận thấp, khi nguồn cung nước hạn chế.

Báo cáo của S&P chỉ ra mức tiêu thụ nước trong ngành công nghiệp bán dẫn đang trên đà tăng mỗi năm, do việc mở rộng công suất cũng như nhu cầu của công nghệ xử lý tiên tiến. Lượng nước mà họ tiêu thụ tương đương với Hồng Kông (Trung Quốc), nơi có dân số ở mức 7,5 triệu người.

Việt Báo (Tổng hợp)