50 năm quan hệ ASEAN-Australia: Từ những 'trái ngọt' nhớ về câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Gough Whitlam

Tin đối ngoại - Ngày đăng : 12:22, 02/03/2024

Mối quan hệ đối tác vững chắc giữa Australia và ASEAN sẽ góp phần thúc đẩy ổn định, hòa bình tại khu vực cũng như trên thế giới.
ASEAN-Australia
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong. (Nguồn: Viện Quan hệ quốc tế Australia)

Trang web của Viện Quan hệ quốc tế Australia (AIIA) vừa đăng tải bài phân tích của Thạc sĩ Ridvan Kilic tại Đại học La Trobe (chuyên gia nghiên cứu về ASEAN, quan hệ ASEAN-Australia) về triển vọng hợp tác cùng có lợi giữa ASEAN và Australia. TG&VN lược dịch bài phân tích:

Một phần không thể thiếu

Năm 2024 kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia, quan hệ đối tác này cần được mở rộng hợp tác hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Năm 1974, dưới thời Thủ tướng Gough Whitlam, Australia trở thành Đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN.

Vào thời điểm đó, Thủ tướng Whitlam đã có câu nói nổi tiếng rằng: Chắc chắn ASEAN là tổ chức khu vực quan trọng nhất và phù hợp nhất ở Đông Nam Á.

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia kỷ niệm 50 năm Đối tác đối thoại sẽ được tổ chức ở Melbourne đầu tháng 3 này.

Có thể thấy, Đông Nam Á đã trở thành một phần không thể thiếu đối với nền kinh tế cũng như bức tranh xã hội đa dạng của Australia. 4,5% người Australia là người gốc Đông Nam Á, chủ yếu đến từ Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Singapore.

Hơn nữa, theo số liệu gần đây, ASEAN chiếm gần 15% tổng thương mại của Australia. Con số này lớn hơn thương mại song phương của Australia với Nhật Bản, Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU). Năm 2022, đầu tư hai chiều giữa ASEAN và Australia lên tới 289,7 tỷ AUD.

Bất chấp tầm quan trọng của ASEAN đối với nền kinh tế của Australia, sự tham gia kinh tế của Canberra với Đông Nam Á vẫn không theo kịp tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2022, chính phủ Thủ tướng Albanese đã nhận ra thực tế này và coi mối quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN trở thành trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của mình. Trọng tâm trong sự tham gia của chính phủ Australia với ASEAN là “Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040”.

Được công bố vào tháng 9/2023, trụ cột chính của chiến lược này là mở rộng đầu tư của Australia trên khắp Đông Nam Á, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng sạch. Chiến lược đã xác định lĩnh vực năng lượng sạch là cơ hội tăng trưởng kinh tế trong quan hệ đối tác ASEAN-Australia.

Với tầm quan trọng của mối quan hệ, tại Hội nghị cấp cao tới đây, Thủ tướng Australia Albanese có thể làm sâu sắc thêm ý nghĩa của sự kiện này bằng cách khởi động quá trình nâng cấp mối quan hệ ASEAN-Australia lên “đối tác chiến lược đặc biệt”.

Nhiều dư địa hợp tác cùng phát triển

Kể từ những khởi đầu khiêm tốn cách đây 50 năm, quan hệ đối tác ASEAN-Australia đã ngày càng phát triển mạnh mẽ. Năm 2010, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực. Năm 2021, mối quan hệ ASEAN-Australia đã được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP). Theo CSP, Australia tái khẳng định sự hợp tác với ASEAN thông qua các sáng kiến mới là Sáng kiến Tương lai Australia vì ASEAN, 100 Học bổng Australia cho ASEAN và Chuyển đổi Kỹ thuật số và kỹ năng tương lai ASEAN.

Mối quan hệ kinh tế ASEAN-Australia được tăng cường hơn nữa thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Có hiệu lực vào năm 2022, RCEP là khối thương mại lớn nhất thế giới, Australia và tất cả 10 quốc gia ASEAN đều là thành viên.

Ngoài ra, mới đây, AANZFTA đã được nâng cấp và hiện có thêm một chương mới về thương mại và phát triển bền vững. Chương này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Australia trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng và nền kinh tế xanh.

Tới đây, trung tâm nghiên cứu ASEAN-Australia đầu tiên ở Canberra có thể được thành lập thông qua hình thức đối tác công tư giữa Hội đồng Australia-ASEAN của Bộ Ngoại giao và thương mại Australia (DFAT) với một trường đại học Australia.

Ý tưởng về một trung tâm nghiên cứu ASEAN-Australia không phải là mới. Vào năm 2017, Đảng Lao động Australia đã có kế hoạch mở Trung tâm Nghiên cứu ASEAN với mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ ASEAN-Australia, tuy vậy, kế hoạch đã không được thực hiện. Một trong những mục tiêu chính của trung tâm là thúc đẩy sự gắn kết về giáo dục và văn hóa với các nước ASEAN và mở rộng việc học ngôn ngữ Đông Nam Á tại các trường học và đại học của Australia. Trong những năm gần đây, các chương trình ngôn ngữ Đông Nam Á, đặc biệt là tiếng Indonesia, đã giảm nhanh chóng ở Australia.

Một cách khác mà Canberra có thể tăng cường hợp tác kinh tế với ASEAN là thông qua một thỏa thuận về hydro tái tạo, tương tự như Quan hệ đối tác hydro tái tạo giữa ASEAN và Australia. Trong những năm tới, nhu cầu năng lượng sạch của Đông Nam Á sẽ tăng đáng kể. Ngày nay, gần như toàn bộ lượng hydro cung cấp cho Đông Nam Á đều dựa trên khí đốt tự nhiên.

Điện khí hóa ngày càng tăng ở Đông Nam Á sẽ làm giảm rủi ro an ninh năng lượng của khu vực, phát sinh từ chuỗi cung ứng nhiên liệu hóa thạch như khí đốt tự nhiên. Ước tính, khu vực sẽ cần khoảng 454 Gigawatt sản xuất điện mới vào năm 2050, với 60% trong số này được lấy từ năng lượng tái tạo. Australia sẽ có khoản đầu tư ước tính 640 tỷ AUD vào các dự án thủy điện, năng lượng mặt trời và gió vào năm 2030.

Chính phủ của Thủ tướng Albanese đã tìm cách đưa Australia trở thành siêu cường năng lượng tái tạo trong những năm tới, thể hiện qua cam kết trị giá 2 tỷ AUD cho chương trình “Khởi đầu về hydro” nhằm mục đích đưa nước này trở thành nhà sản xuất hydro hàng đầu trên toàn cầu.

Australia có số lượng dự án hydro tái tạo được lên kế hoạch cao nhất trên thế giới và vào năm 2022, nước này đã thực hiện chuyến hàng hydro hóa lỏng đầu tiên trên thế giới đến Nhật Bản.

Thỏa thuận hydro mới sẽ mở ra cơ hội để Australia hỗ trợ ASEAN trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Điều này sẽ mang lại cho Australia lợi thế cạnh tranh ở Đông Nam Á thông qua xuất khẩu năng lượng tái tạo, chuyên môn về năng lượng sạch và công nghệ liên quan cho khu vực.

Trong khi, Australia có công nghệ và chuyên môn để hỗ trợ Đông Nam Á trước nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng hydro tái tạo. Các cuộc tham vấn của DFAT ở Đông Nam Á đã cho thấy rằng các nước ASEAN rất mong muốn khai thác chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm của Australia về năng lượng hydro tái tạo.

Như vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực ngày càng khó lường, mối quan hệ đối tác vững chắc giữa Australia-ASEAN sẽ góp phần thúc đẩy ổn định, hòa bình tại khu vực cũng như trên thế giới.

Hà Phương