Quân sự thế giới hôm nay (2-3): Nga triển khai tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat tới Ukraine?
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:59, 02/03/2024
* Nga triển khai tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat tới Ukraine?
Theo Bulgarian Military, trong bài phát biểu gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ việc triển khai và đưa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng RS-28 Sarmat vào biên chế của quân đội.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Ảnh: Vitaly Kuzmin |
Mặc dù ông Putin đưa ra những tuyên bố “chưa rõ ràng” về mục tiêu và địa điểm hoạt động của tên lửa này, nhưng đa số các nguồn thông tin đều hướng về Ukraine, trong bối cảnh một số nước phương Tây cân nhắc điều quân đến hỗ trợ Ukraine.
Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, nhà lãnh đạo Nga đã tiết lộ nước này đang tiến hành sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat. Ông nhấn mạnh tên lửa đã vượt qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước và sẵn sàng đưa vào thực chiến. Có nhiều thông tin cho rằng việc triển khai tên lửa này nhằm “phô trương sức mạnh” của Nga và đặc biệt là để nhắc nhở Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông đưa ra phát biểu về khả năng sẽ đưa quân tới Ukraine. Tuy nhiên, cách đây vài ngày, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexey Krivoruchko khẳng định rằng mục đích của việc triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat trong năm nay là để tăng cường tiềm lực cho lực lượng vũ trang Nga.
Được nhiều phương tiện truyền thông gọi phổ biến bằng cái tên Satan II, RS-28 Sarmat là vũ khí được Nga ca ngợi là "tên lửa sát thương mạnh nhất thế giới".
RS-28 Sarmat là hệ thống tên lửa đạn đạo thế hệ mới của Nga. Tên lửa này do Trung tâm Tên lửa Quốc gia Makeev thiết kế và Nhà máy chế tạo Krasnoyarsk sản xuất, nhằm thay thế tên lửa đạn đạo R-36M2 Voyevoda, vốn hoạt động trong Lực lượng tên lửa chiến lược từ năm 1988.
RS-28 Sarmat sử dụng nhiên liệu lỏng, được trang bị đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV). Phạm vi hoạt động của tên lửa lên tới 18.000km, cho phép nhắm tới hầu hết mọi vị trí trên Trái đất.
RS-28 Sarmat có chiều dài 35,5m, đường kính 3m và có thể mang lượng nhiên liệu nặng 178 tấn. Tên lửa này thể mang theo từ 10 đến 15 đầu đạn hạt nhân. Mỗi đầu đạn ước tính có sức công phá tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, được trang bị nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.
Bộ Quốc phòng Nga thực hiện thành công vụ phóng thử nghiệm đầu tiên tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat từ cơ sở phóng Plesetsk ở miền Bắc nước này vào tháng 4-2022. Nguồn: Bloomberg Television |
* Đặc nhiệm Đức sắp được trang bị súng tiểu liên G39 có bộ giảm thanh tiên tiến
Mới đây, Lực lượng vũ trang Đức (Bundeswehr) vừa ký hợp đồng với nhà sản xuất vũ khí của nước này Heckler & Koch để thiết kế và sản xuất riêng một loại súng tiểu liên giảm thanh cho lực lượng tinh nhuệ quốc gia.
Súng tiểu liên Heckler & Koch HK437. Ảnh: Military Leak |
Military Leak đưa tin, loại súng này có tên gọi là G39, được phát triển dựa trên nguyên mẫu súng tiểu liên HK437, sử dụng cỡ đạn 300 AAC Blackout (7,62 x 35mm).
Được triển khai vào mùa thu năm 2022, dự án này nhằm cung cấp một biến thể hiện đại và có hiệu suất cao hơn để thay thế biến thể MP5, vốn được sử dụng rộng rãi trong các lực lượng đặc biệt và các đơn vị trinh sát.
Theo hơp đồng, loại vũ khí mới được yêu cầu trang bị đạn thế hệ mới có lõi mềm, tốc độ cận âm và siêu âm, có khả năng sát thương cao, xuyên qua được áo giáp thông thường từ khoảng cách lên tới 200m. Về thông số kỹ thuật, loại súng này phải có khả năng bắn sau khi bị ngâm nước, có trọng lượng tối đa 3,3kg sau khi đã lắp đủ bộ giảm thanh và giảm lửa đầu nòng, ốp lót tay đa đụng, kính ngắm cơ học, báng súng và băng đạn rỗng.
Dự kiến, Đức đặt hàng 988 khẩu súng G39 cùng các thiết bị kèm theo.
* Hàn Quốc, Anh ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh tàu ngầm
Theo Naval News, công ty Hàn Quốc Hanwha Ocean vừa bắt tay hợp tác với Tập đoàn Quốc tế Babcock có trụ sở tại Anh nhằm thực hiện các chương trình mua sắm tàu ngầm, đặc biệt là ở Ba Lan và Canada.
Công ty Hàn Quốc Hanwha Ocean và Tập đoàn quốc tế Babcock tại Anh ký thỏa thuận hợp tác nhằm thực hiện các chương trình mua tàu ngầm. Ảnh: Hanwha Ocean |
Thỏa thuận này đã thể hiện rõ mối quan hệ đối tác bền chặt giữa hai gã khổng lồ về quốc phòng.
Trước đó, vào giữa tháng 1, Giám đốc điều hành của Babcock Nick Hine đã đến thăm Hàn Quốc và công ty Hanwha Ocean, bày tỏ ý định hợp tác. Đặc biệt, ông tuyên bố sẽ lắp đặt hệ thống vũ khí của Babcock tại các thị trường nước ngoài như Ba Lan và Canada và hợp tác kinh doanh ISS (hỗ trợ tại chỗ) với Hanwha Ocean.
Ông Sung Kyun Jeong, Phó Chủ tịch Hanwha Ocean, nhấn mạnh thỏa thuận này không chỉ thể hiện sự công nhận của tập đoàn Quốc tế Babcock với công nghệ của Hanwha Ocean mà còn củng cố vị thế của Hanwha Ocean trong các dự án tàu ngầm quốc tế.
* Pháp ra mắt hệ thống cối tự hành MEPAC 120mm
Trong bài viết mới đây được đăng tải trên nền tảng X (trước đây là Twitter) của công ty Pháp Nexter KNDS, công ty này đã tiết lộ bức ảnh đầu tiên về hệ thống cối tự hành mới có tên gọi MEPAC. Hệ thống này được thiết kế nhằm tăng cường khả năng pháo binh cho lực lượng vũ trang Pháp và Bỉ.
Hệ thống cối tự hành MEPAC 120mm sẽ được chuyển giao cho quân đội Bỉ và Pháp. Ảnh: Nexter KNDS |
Nhà sản xuất tiết lộ, MEPAC được gắn trên xe bọc thép đa năng Griffon 6x6 và được trang bị hệ thống cối 2R2M 120mm. Hệ thống này được trang bị hệ thống nạp đạn tự động, ngắm bắn bán tự động và có độ chính xác cao gấp đôi so với mẫu MO-120-RT hiện đang phục vụ trong quân đội Pháp. 2R2M có thể được triển khai chỉ trong vài giây và có tốc độ bắn 10 phát mỗi phút.
Trước đó, Bỉ xác nhận việc mua 24 hệ thống cối tự hành MEPAC, nhằm thay thế cối 120mm hiện có. MEPAC dự kiến được đưa vào sử dụng theo từng giai đoạn và sẽ được đưa vào biên chế của quân đội Bỉ năm 2025. Động thái này là một phần trong chiến lược hiện đại hóa năng lực quân sự và tăng cường khả năng tương tác với các đồng minh NATO của quốc gia này.
QUỲNH OANH (Tổng hợp)