Những cuộc gọi thay cái ôm của tài xế xe container nơi biên viễn
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:55, 01/03/2024
Một buổi trưa tháng 2, tranh thủ ít ánh nắng sau những ngày mưa lạnh, anh Đinh Hoàng Tiến (SN 1994, Hà Nội) mang bộ quần áo vừa giặt tại khu tắm rửa của bãi xe thôn Nà Pài, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn treo lên chiếc kính ở đầu xe để phơi.
Xong xuôi, anh Tiến bước lên cabin ngồi ngáp dài và dùng điện thoại để "giết thời gian".
Ánh nắng buổi trưa xuyên qua kính lái, làm lộ rõ khuôn mặt sạm đen, mái tóc dài kèm bộ râu lâu ngày chưa cạo của anh. Không ai nghĩ đây là người đàn ông mới 30 tuổi.
Trong cabin xe của anh Tiến có 2 ghế (1 lái, 1 phụ), đằng sau là chiếc giường đã bị rách da. Các hộc để đầy bao thuốc lá và nước ngọt, những thứ mà anh tài xế tếu táo là "không thể thiếu".
Anh Tiến kể đã bén duyên với nghề tài xế xe container được 5 năm, với những chuyến đi dài đằng đẵng tới hai đầu đất nước để chở linh kiện máy móc nhập từ Trung Quốc. Mỗi chuyến chở hàng cả đi và về mất khoảng 14 ngày, vì phải nhận và giao hàng tại nhiều địa phương.
"Đặc thù công việc luôn trên từng cây số, với tôi việc đi vào Nam hay ngược ra Bắc là hết sức bình thường. Chán nhất là thời gian đỗ xe nhiều ngày để chờ làm thủ tục giấy tờ và nhận, trả hàng cho khách. Mỗi ngày chỉ biết loanh quanh ở bãi xe, buồn chân, buồn tay nhưng không biết làm gì hơn", anh Tiến tâm sự.
Những năm trước, các lái xe đường dài đều phải mang theo xoong, nồi, bếp gas du lịch và gia vị để tự nấu ăn, anh Tiến cũng vậy. Thời gian gần đây, các quán cơm bình dân mọc lên rất nhiều, mọi người tới ăn thay vì tự nấu. Với anh Tiến, cơm ở đây chỉ ăn cho đủ bữa, không ngon bằng cơm vợ nấu.
Nói đoạn, anh Tiến một tay kéo chiếc rèm cửa che bớt nắng, một tay móc điện thoại ra gọi video cho vợ ở nhà.
Qua những lời hỏi thăm, anh biết vợ cũng vừa được nghỉ trưa, 2 con nhỏ ở trường để chiều học ca cuối. Hai vợ chồng cứ thế nhìn nhau qua màn hình điện thoại. Cái hôn gió thay cho lời kết của cuộc gọi, với hy vọng xong việc sớm để về nhà.
"Mỗi tháng công ty trả tôi 12 triệu, 10 triệu gửi vợ, 2 triệu để bản thân chi tiêu hàng ngày. Nghề tài xế đường dài, ở trên xe nhiều hơn ở nhà, nên một số việc đều nhờ vợ quán xuyến, lo toan. Thương vợ nhớ con lắm nhưng phải chấp nhận, cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh", anh Tiến trải lòng.
Chỉ muốn kết thúc hành trình sớm để về nhà
Đỗ cạnh xe anh Tiến là xe của anh Lê Ngọc Thế (42 tuổi, quê Bình Định). Anh Thế chở thanh long từ Bình Thuận ra Lạng Sơn để xuất khẩu. Sau 3 ngày lái xe, anh Thế cùng lái phụ đã đưa 20 tấn hàng tới gần cửa khẩu Hữu Nghị vào ngày mùng 8 Tết.
Với hơn 15 năm lái xe đường dài, anh Thế có vẻ ngoài gai góc, thoạt nhìn sẽ có suy nghĩ người này khó gần.
Ngần ấy năm sống trên dặm đường, việc xa vợ, xa con đã trở thành chuyện bình thường vì "nghề chọn người", dù trong lòng lúc nào cũng nhớ.
Anh kể về những vui, buồn, sướng, khổ của nghề lái xe đường dài trên hành trình hoàn thành công việc.
"Có gia đình thì phải có trách nhiệm, đời tài xế mà ham vui quá thì đến cuối tháng không còn đồng nào gửi vợ nuôi con. Lúc trên đường, cố gắng lái sao cho an toàn, tới điểm trả hàng thì coi đó là thời giờ nghỉ ngơi. Lúc này là thời điểm cảm xúc chông chênh nhất, tôi chỉ muốn kết thúc hành trình sớm để được về nhà", anh nói.
Với anh Thế, thời gian chờ trả hàng hóa sang Trung Quốc là lúc anh được nghỉ ngơi. Xe vào bãi đỗ, anh cùng người lái phụ thay nhau trực chạy máy lạnh để bảo quản hoa quả. Thời gian đó, anh cảm thấy một ngày như dài hơn vì chỉ bó gối một chỗ, thỉnh thoảng sang xe khác nói chuyện phiếm. Một ngày chỉ kết thúc sau cuộc gọi về nhà cho vợ con.
Anh Tiến và anh Thế chỉ là 2 trong số hàng nghìn lái xe đang có mặt ở khu vực cửa khẩu biên giới Lạng Sơn chờ được thông quan hàng hoá. Mỗi ngày trôi qua là thêm nỗi lo thiệt hại do hàng hóa dần hỏng.
Những ngày đầu năm, hàng nghìn xe container chở nông sản, hoa quả đổ dồn về khu vực các cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn để chờ xuất khẩu. Tình trạng ùn ứ chờ thông quan tiếp diễn do các đơn vị nhận hàng phía Trung Quốc còn đang nghỉ Tết.