Hơn 20 năm đi tìm hài cốt vị bác sĩ nổi tiếng với loại 'nước lọc' cứu người
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 19:46, 29/02/2024
Giáo sư (GS) Đặng Văn Ngữ (1910 - 1967) là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương. Ông từng được cử sang Nhật học tập và nghiên cứu tại trường Đại học Tokyo. Năm 1949, ông quyết định từ bỏ các điều kiện vật chất "trong mơ" đối với người làm khoa học, để về nước phục vụ kháng chiến.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1954, GS Ngữ là người đầu tiên nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh - nước lọc penicillin - chế từ giống nấm ông đem từ Nhật Bản về. Nhờ thuốc kháng sinh này, 80% thương binh không bị cưa chân tay, có thể trở về đơn vị chiến đấu. GS Đặng Văn Ngữ cùng với GS Hồ Đắc Di và GS Tôn Thất Tùng còn sáng lập Trường Đại học Y khoa kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc và là người đầu tiên xây dựng ngành ký sinh trùng học Việt Nam.
Năm 1967, GS Ngữ chia tay gia đình để ra chiến trường nghiên cứu về vắc xin sốt rét, thời gian dự kiến khoảng vài tháng. Nhưng ngày 1/4/1967, một quả bom B52 ác nghiệt rơi trúng hầm GS Ngữ cùng với đồng nghiệp đang tiến hành các xét nghiệm và ông đã hy sinh. Các đồng đội tổ chức truy điệu và an táng ông bên sườn một quả đồi gần đó.
Nhận được tin cha mất từ GS Phạm Ngọc Thạch, ông Minh và hai em gái rất sốc. Nói về sự ra đi của cha mình, tại lễ trao giải cuộc thi "Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ" do Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương tổ chức, ông Minh chia sẻ: “Cha tôi nằm lại Trường Sơn lặng lẽ hơn 20 năm cho đến khi một người tiều phu tình cờ phát hiện được ngôi mộ. Hài cốt được gói trong bọc vải kèm theo tấm biển nhôm khắc dòng chữ: Đặng Văn Ngữ -1/4/1967".
Người ta nghĩ rằng đó là hài cốt của một liệt sĩ vô danh nên đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm năm sau, gia đình ông Minh mới tìm được và đưa mộ của GS Ngữ về nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình, TP. Huế.
Ông Minh cho rằng hành trình tìm mộ cha mình khó khăn chỉ vì tấm biển nhôm khắc thiếu chữ BS - bác sĩ.
"Nếu trên tấm biển nhôm khắc thêm chữ BS (bác sĩ), chắc chắn gia đình sẽ tìm được mộ của cha sớm hơn vì khi đó ai cũng biết bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Sau này, gia đình tôi nhận thông tin, đồng đội đã khắc vội và để lại tấm biển trong thi hài của cha và 3 liệt sĩ hy sinh ngày hôm đó" - ông Minh nhớ lại.
Ở tuổi 86, trong ký ức của mình, ông Minh nhớ nhất là hình ảnh người cha đã sống, làm việc với tất cả niềm say mê dành cho khoa học. GS Ngữ không bao giờ đòi hỏi bất kỳ điều gì cho quyền lợi bản thân, gia đình hay tác động các con phải nối dõi nghề y. Ông luôn để các con tự lập trong công việc, không can thiệp vào cuộc sống riêng, con đường đi của các con.
Ngắm nhìn những di vật do cha để lại lưu trữ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, NSND Đặng Nhật Minh không khỏi xúc động nói: “Cả đời cha tôi chỉ biết làm việc, cống hiến cho khoa học. Ông là nhà khoa học vô sản đúng nghĩa”.