Chủ nhà đất cay đắng chịu phí hoa hồng cao để cắt lỗ

Bất động sản - Ngày đăng : 19:15, 29/02/2024

Thị trường bất động sản Đà Nẵng vẫn ảm đạm, thanh khoản thấp. Nhiều chủ nhà đất cần bán thời điểm này phải chấp nhận cắt lỗ và chịu mức phí hoa hồng lên 4-5% giao dịch.

Do cần tiền nên chị Cẩm Tú (Đà Nẵng) rao bán căn nhà trong con ngõ thuộc quận Thanh Khê, diện tích khoảng 60m2, với giá 2,7 tỷ đồng. Chị mua nhà này cách đây hơn 2 năm. Mức giá rao bán đã giảm 200 triệu đồng so với thời điểm mua.

Làm việc với môi giới, chị Tú ngỡ ngàng khi bị đòi phí hoa hồng 100 triệu đồng nếu giao dịch thành công.

“Trước đây, khi giao dịch tôi chỉ phải trả phí môi giới khoảng 1% giá trị. Ví dụ căn nhà trên là 2,7 tỷ thì phí môi giới chỉ 27 triệu đồng, hoặc có thể hơn tuỳ thoả thuận. Tuy nhiên, đang lúc bán lỗ, lại phải trả hoa hồng cả trăm triệu khiến tôi thấy thật ngược đời. Việc trả phí môi giới cao đồng nghĩa với việc tôi càng phải cắt lỗ sâu căn nhà”, chị Tú nói.

W-da-nang-bds-1.jpg
Thị trường bất động sản Đà Nẵng ảm đạm, nhiều chủ nhà đất cần bán gấp cay đắng khi vừa cắt lỗ, vừa phải chịu phí hoa hồng cao. Ảnh Diệu Thuỳ

Chị Tú cho hay, ban đầu chị phản ứng, tỏ ra khó chịu, bực bội vì nghĩ môi giới đang “làm trò”. Thế nhưng, những môi giới chị quen, làm việc trước đây đều đã bỏ việc, chuyển nghề hoặc không dẫn được khách. Tìm đến các sàn giao dịch bất động sản, họ cũng đưa ra mức phí như vậy. Không còn cách nào khác, chị Tú đành đồng ý với thỏa thuận trên.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi ký hợp đồng, môi giới liên tục tác động để chị giảm giá bán xuống.

“Xác định bán thời điểm khó khăn, tôi đã đưa ra mức giá thấp hơn thị trường, chấp nhận trả hoa hồng giá cao nhưng môi giới vẫn tìm cách giảm thêm. Họ thường xuyên nhắn với tôi 'giá này khó bán lắm; thị trường khó lắm; khách chỉ trả giá này chị ơi...'. Từ trước Tết tới nay, môi giới đã dẫn khoảng vài chục khách nhưng chỉ tham khảo, không mua. Họ nói tôi đưa về giá 2,4-2,5 tỷ đồng thì mới thoát hàng được”, chị Tú kể.

Cuối cùng, chị cũng đành cắt lỗ sâu căn nhà, tiếp tục hạ giá xuống 2,5 tỷ đồng với hy vọng nhanh thu được tiền về.

Anh Bùi Tâm, nhân viên môi giới của một công ty bất động sản ở Đà Nẵng, thừa nhận phí môi giới đang cao hơn trước.

“Tiền hoa hồng cao bởi công ty chạy quảng cáo toàn quốc, nhiều anh em môi giới cùng tham gia. Thời điểm này, để dẫn được khách đến xem cũng không đơn giản vì người bán nhiều hơn người mua. Có những căn nhà tôi dẫn khách 6 tháng nay vẫn chưa bán được. Bối cảnh thị trường khó khăn, phí hoa hồng phải tăng lên thì môi giới mới bám trụ được với nghề" anh Tâm giải thích.

W-1-da-nang-1.jpeg
Dự báo năm 2024, thị trường bất động sản Đà Nẵng vẫn tiếp tục trầm lắng, khó khăn. Ảnh Diệu Thuỳ

Anh Viết Chinh, một môi giới khác, cũng cho hay, nhiều môi giới phải chuyển sang ngành nghề khác để kiếm sống đã cho thấy thị trường khó khăn như thế nào.

“Tiền hoa hồng cao nhưng thực tế môi giới nhận lại chẳng bao nhiêu do phải chi rất nhiều khoản như quảng cáo, điện thoại, đi lại,... Còn không bán được, chủ nhà không phải trả chi phí hoa hồng và bất cứ khoản phí nào khác cho môi giới”, anh Chinh nói.

Lý giải việc phí hoa hồng cao trong bối cảnh thị trường khó khăn, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản, phân tích, đó là do trong giai đoạn thị trường trầm lắng, thanh khoản kém, khan hiếm người mua, chi phí marketing để tìm kiếm khách hàng tốn kém... Bên cạnh đó, môi giới cần phải hợp tác cùng nhau, làm việc nhóm mới có thể chốt giao dịch.

Không như trước đây, giai đoạn thị trường ấm, sốt, sản phẩm tốt rao ra có người mua ngay. Thời gian bán hàng rút ngắn, chi phí marketing cũng ít hơn. Môi giới có thể chốt hàng chục giao dịch mỗi tháng. Còn nay có khi một vài tháng mới chốt được một giao dịch.

“Môi giới bây giờ sàng lọc nhiều hơn, chỉ những người gắn bó thực sự với nghề mới bám trụ. Họ ít bị cạnh tranh. Còn thời sốt nóng, nhà nhà là môi giới nên rất cạnh tranh, bất cứ ai cũng làm 'cò' được nên mức phí hoa hồng thấp. Có những giao dịch, phí môi giới chỉ vài triệu”, ông Lập nhận xét.

Về tình hình thị trường, ông Lập dự đoán khả năng cao bất động sản Đà Nẵng chưa có nhiều khởi sắc hơn cho đến quý III/2024.

Còn theo Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA, năm 2024, thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận tiếp tục trầm lắng ở hầu hết phân khúc. Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với năm 2023. Thanh khoản và mặt bằng giá thứ cấp tiếp tục đà giảm của năm 2023, đặc biệt ở nhóm dự án chưa hoàn thiện pháp lý, nhóm khách hàng có sử dụng vốn vay.