Khi người trẻ gap year: nghỉ ngơi tìm định hướng mới

Xã hội - Ngày đăng : 09:31, 29/02/2024

Những năm gần đây, người trẻ có những quyết định táo bạo, mới mẻ khi lựa chọn gap year nhằm định hướng mục tiêu của bản thân.

Gap year có thể được hiểu là khoảng thời gian “tạm dừng” sau một quá trình học tập hoặc làm việc nhằm mục đích nghỉ ngơi, khám phá bản thân hoặc thực hiện một kế hoạch còn dang dở. Gap year thường kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Nhiều trường hợp gap year đến 2 năm.

Đối diện với khủng hoảng trong cuộc sống, nhiều bạn trẻ lựa chọn gap year để bước đi phía sau vững vàng hơn.

z5201708569004_b25f8cad4e90303761245235233fa7a2.jpg
Ảnh minh họa. (Ảnh: Farah).

Tạm dừng để định hướng tương lai

Với mong muốn thu được kinh nghiệm quý báu từ đời sống và tìm thấy lối đi cho mình, Nguyễn Vũ Cát Tường (22 tuổi, sinh viên) đã chọn bảo lưu kết quả học tập ngay khi vừa bước vào năm 3 đại học để khám phá bản thân.

"Mình chọn ngành Xã hội học với hi vọng sẽ khám phá và hiểu sâu hơn về các mối quan hệ xung quanh. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, mình nhận ra mình thực sự không hiểu rõ về ngành này và cảm thấy mất phương hướng. Mỗi buổi học trôi qua, mỗi cuốn sách mình đọc, đều làm cho sự hoang mang và bất mãn trong tâm trí tăng lên. Chính vì thế, mình quyết định tạm dừng lại để khám phá những đam mê thực sự của mình và để tìm ra hướng đi mới", Cát Tường cho biết.

z5201708586847_c479eb567f224f4df688987bc9856d8f.jpg
Xu hướng gap year để học hỏi, tìm hiểu bản bản thân đang được giới trẻ để tâm trong những năm gần đây. (Ảnh: Shorten).

Trong thời gian một năm tạm nghỉ, Cát Tường dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện, các tổ chức, câu lạc bộ phi lợi nhuận vì cồng đồng. Điều này giúp tôi mở rộng tầm nhìn, hiểu được nhiều góc độ khác nhau về cuộc sống. Ngoài ra, cô bạn cũng dành thời gian để tham gia vào các khóa học ngoại khóa để phát triển kỹ năng và kiến thức.

Ở thời điểm hiện tại, cô bạn đã trở lại trường học, cô bạn hiểu rõ bản thân cần gì, thiếu gì và thực sự muốn làm gì. "Trong quãng thời gian gap year, mình có nhiều thời gian để tham gia vào nhiều hoạt động, thử sức ở nhiều vị trí khác nhau, và mình nhận ra mình thích trở thành một phóng viên, biên tập viên trong các cơ quan truyền thông. Mình biết mình phải là gì để đạt được ước mơ này, đây có thể được xem là kết quả tốt nhất mà mình thu về", cô bạn chắc chắn về định hướng tương lai của mình.

Tìm lại chính mình.

Sau 6 năm liên tục làm việc trong môi trường văn phòng, Lê Nguyễn Phương Nam (29 tuổi, lập trình viên) cảm thấy ngán ngẩm với cuộc sống tẻ nhạt chỉ xoay quanh công việc của bản thân.

"Sáng mở mắt ra, đến công ty, làm việc cả ngày, có hôm lại tăng ca và về nhà lúc tối muộn, kiếm gì đó bỏ bụng rồi đi ngủ, hôm sau lại tiếp tục như vậy. Mình có cảm giác như đang bước vào một chuỗi ngày giống hệt nhau, nhuộm màu xám xịt của công việc và trách nhiệm. Mình không tìm được cảm hứng trong công việc hay những trải nghiệm mới mẻ trong cuộc sống nên mình quyết định từ bỏ công việc IT với mức lương đáng mơ ước để tìm lại chính mình", Nam chia sẻ.

z5201733489347_7d9bc46f52d45ecd37088e977130b661.jpg
Chấp nhận từ bỏ công việc ổn định để làm mới bản thân là quyết định táo bạo.

Trong khoảng thời gian gap year, Nam dành thời gian cho việc du lịch, tham gia các hoạt động xã hội để gặp gỡ nhiều người, mở rộng thêm các mối quan hệ mới và học cách thấu hiểu chính mình thông qua các phương pháp chữa lành.

Sau quãng thời gian làm mới bản thân, thay vì trở lại công việc lập trình viên như cũ, Nam chuyển hướng sang làm editor video cho một kênh du lịch. Công việc mới cũng bận rộn và chồng chất deadline, song, Nam cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại, bởi anh có thể sắp xếp được thời gian để tiếp tục duy trì tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng của mình.

Chuẩn bị thật tốt trước khi gap year

Ngày càng nhiều bạn trẻ biết đến gap year, song, việc tạm ngưng các công việc hiện có để đi tìm những điều mới mẻ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, việc gap year không chỉ khiến bạn càng lệch lạc phương hướng mà còn có khả năng đẩy bạn vào bế tắc và tiêu cực trong tinh thần.

Chẳng hạn như Cát Tường, việc cô bạn gap year là quyết định chóng vánh, không có sự tình toán hay chuẩn bị trước. Do đó, thời gian đầu khi bước vào "kỳ nghỉ" do bản thân tạo ra, cô bạn gặp rất nhiều khó khăn.

"Những tháng đầu tiên sau quyết định gap year không hề dễ dàng. Sự bất định về tương lai và áp lực từ xã hội khiến mình luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Vì không có lộ trình cụ thể, không có kế hoạch rõ ràng, mình còn cảm thấy bị lạc lối hơn cả lúc đi học, phải mất đến tận 4 tháng mình mới tìm được hướng đi và lên kế hoạch rõ ràng. Phải nói là mình đã tiêu tốn khá nhiều thời gian chỉ vì không có sự chuẩn bị nào", Cát Tường tiếc nuối khi nhớ về khoảng thời gian bị lãng phí trước đó.

Ngược lại, với Nam, trước khi quyết định cho bản thân cơ hội làm mới mọi thứ, anh đã chuẩn bị sẵn tinh thần và nguồn lực tài chính để bản thân không bị khủng hoảng, có hướng đi cụ thể khi bước vào thời kỳ gap year.

z5201739680701_ce36f0aacfbb8abf08cca7d68bc9a972.jpg
Muốn gap year thành công, cần phải lên kế hoạch rõ ràng. (Ảnh: sưu tầm).

"Bước ra khỏi vùng an toàn của công việc ổn định để đối mặt với sự không chắc chắn và khám phá mới là một thách thức lớn. Do vậy, trước khi có quyết định chính thức, mình phải vật lộn với việc tìm kiếm mục tiêu, xác định hướng đi và chuẩn bị tinh thần vượt qua nỗi lo sợ của sự không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhờ vậy mà suốt một năm gap year mình vừa học vừa làm rất thong thả", Nam nói.

Từ những kinh nghiệm của bản thân sau khi gap year thành công, Nam cho rằng, việc chuẩn bị cho một năm nghỉ học không chỉ là việc thu thập thông tin và lập kế hoạch, mà còn là quá trình tự khám phá và phát triển bản thân. Vì thế, trước khi bước vào kỳ nghỉ dài, việc chuẩn bị cần được thực hiện kỹ lưỡng để tận hưởng trọn vẹn những trải nghiệm đặc biệt mà kỳ nghỉ này mang lại.

Đầu tiên, phải có một kế hoạch rõ ràng, đặt ra các mục tiêu cụ thể về học vấn, sự nghiệp, và phát triển cá nhân mà bản thân muốn đạt được trong khoảng thời gian này.

Không thể quên việc tìm hiểu về các cơ hội và lựa chọn, bao gồm các công việc tình nguyện, du lịch, học tập ngoại khóa, hay thậm chí là một công việc thực tập. Quan trọng là phải chọn những hoạt động phù hợp với mục tiêu và sở thích của mình để không bị chán giữa chừng.

Tạm dừng để nghỉ ngơi nhưng không chỉ tận hưởng, mà còn phải học hỏi và phát triển. Đây chính là hời gian để nghiên cứu và tự học về những lĩnh vực mà sau khi gap year bản thân muốn làm. 

Cuối cùng, ngoài việc đảm bảo tài chính cho bản thân trong một năm nghỉ ngơi thì đừng quên chuẩn bị tinh thần cho những thách thức có thể phát sinh. Một năm nghỉ không phải lúc nào cũng sẽ trôi qua một cách suôn sẻ, do đó, việc có một tinh thần kiên nhẫn và sẵn lòng học hỏi từ những thất bại là rất quan trọng.

An Thanh (T/H)