Trình căn cước công dân khi đi xem phim có khả thi?
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 09:44, 29/02/2024
Trình giấy tờ tùy thân để xem phim là rất khó
Mới đây xuất hiện trên mạng xã hội thông tin nhiều học sinh chưa đủ 18 tuổi vô tư vào một số cụm rạp tại TP HCM xem phim Mai, dù đã gắn nhãn 18+(T18 dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên). Nhiều người thắc mắc về khâu kiểm duyệt của các rạp phim như thế nào.
Thực tế, sự việc này không phải xảy ra lần đầu tiên, việc khán giả vào rạp xem phim không đúng quy định độ tuổi quy định vẫn thường xuyên xảy ra tại các rạp chiếu. Bởi, tại Việt Nam việc kiểm soát độ tuổi vào rạp theo quy định còn tồn tại rất nhiều lỗ hổng.
Nhiều khán giả chưa đủ 18 tuổi chưa có chứng minh thư, căn cước công dân, việc kiểm tra dựa trên giấy khai sinh không hề dễ dàng.
Chính vì thế nên nhân viên tại các rạp chủ yếu sẽ kiểm tra theo kiểu “nhìn mặt đoán tuổi”, nếu có hỏi thì cũng chỉ hỏi qua loa "Mình đủ 18 tuổi rồi đúng không ạ?". Hơn cả, hiện nay mua vé xem phim không chỉ giới hạn hình thức mua trực tiếp nữa mà có thể mua vé hộ, mua vé qua hình thức trực tuyến…
Chưa kể các trường hợp lỏng lẻo khâu kiểm soát “nhắm mắt” cho qua vì nếu làm gắt sẽ làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Vừa khó cho người bán lại phiền cho người mua.
Theo Dân trí, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng về mặt khách quan, rất khó để bắt 100% khách hàng phải trình giấy tờ tùy thân trước khi vào rạp xem phim, bởi vì như vậy sẽ làm "phiền" khách hàng.
"Số lượng người xem phim trên 18 tuổi nhiều hơn số người dưới 18 tuổi, cho nên các rạp phim không thể vì "số ít" làm phiền đến "số nhiều". Việc bắt mỗi cá nhân đến rạp đều phải trình giấy tờ tùy thân là phương án không khả thi, vừa làm ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng vừa làm mất thời gian".
Trách nhiệm của cơ quan quản lí
Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), mức phân loại phim được quy định tại điều 2 Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL. Cụ thể loại T18 là phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên. Cũng theo luật sư, việc phân loại phim theo độ tuổi nhằm bảo vệ trẻ em và các đối tượng khác khỏi những ảnh hưởng tiêu cực có thể xuất phát từ nội dung không phù hợp.
Việc dán nhãn cho phim cần thiết, giúp khán giả biết phim có phù hợp với họ hay không. Điều này cũng giúp hội đồng kiểm duyệt phim cân nhắc bộ phim khi ra rạp.
"Trước đây, khi chưa có cơ chế gắn nhãn phim, khi ra rạp, các tác phẩm hay bị cấm hoặc có sự thay đổi không đúng với ý của nhà sáng tạo. Từ phía nhà sản xuất, đạo diễn khi làm phim họ muốn có dấu ấn cá nhân, giữ nguyên sự sáng tạo và phim phải dán nhãn phù hợp cho khán giả ra rạp", nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nói.
Dán nhãn phù hợp với xu hướng phát triển ngành làm phim, từ phim bạo lực, tình dục hay chủ đề kinh dị. Nhưng dù dán nhãn đến đâu, kiểm duyệt đến đâu, câu chuyện cuối cùng là khâu kiểm duyệt của rạp phim.
Hơn cả là sau khi nhà sản xuất gắn nhãn 18+ cho bộ phim, rạp phim phải có biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ, đúng với khán giả phù hợp độ tuổi mà bộ phim hướng đến.