Muôn kiểu cầu may khi đi lễ chùa Hương: Hứng nước, xoa tiền, xin trúng số
Nhịp sống - Ngày đăng : 06:54, 29/02/2024
Chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong những điểm đến linh thiêng được nhiều người lựa chọn du xuân mỗi dịp đầu năm.
Theo Ban Quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn, mấy năm nay, khách tập trung đi lễ vào thứ 7, Chủ nhật trong khoảng tháng Giêng và đầu tháng 2
Âm lịch, tháng 3 thường ít hơn, chủ yếu là khách đoàn.
Từ Tết Nguyên đán đến nay, chùa Hương đã đón 32 vạn du khách thập phương về du xuân, lễ Phật. Du khách đi chùa Hương vào những ngày này có thể cảm nhận rõ sự đông đúc khi có mặt tại bến đò Yến Vĩ, đền Ngũ Nhạc, chùa Thiên Trù, ga cáp treo…
Đặc biệt, dòng người phải nhích từng bước chân để xuống động Hương Tích thắp hương khấn Phật bởi nơi đây được coi là địa điểm linh thiêng nhất chùa Hương.
Ông Vũ Mạnh Quang (50 tuổi, quê Thái Bình) chia sẻ, đi hội chùa Hương mà không vào động Hương Tích thì coi như chưa đi. Động Hương Tích là chùa chính của toàn bộ khu di tích thắng cảnh. Dân gian cho rằng đây là nơi phát tích của Bồ Tát Quán Thế Âm tu thành chính quả nên ai cũng muốn đến đây cầu bình an, may mắn.
Sau khi thắp hương khấn Phật xong, nhiều du khách đã đi khắp động, xoa tay vào các mỏm đá, leo trèo ôm vào các mỏm, các cột. Một số người cầm tiền xoa vào thành động để cầu mong một năm mới nhiều sức khỏe, làm ăn phát đạt. Các mỏm đá bị xoa nhiều tới mức nhẵn bóng.
Đặc biệt, nhiều người còn đua nhau hứng những giọt nước từ thạch nhũ trên cao rơi xuống để uống, xoa vào cơ thể hoặc xoa vào tiền. Họ quan niệm, những giọt nước rớt từ trên cao là "nước thánh", được trời Phật ban lộc.
Sau khi hứng được một vài giọt nước, anh Vũ Thế Duy (ở Bắc Ninh) vội vàng cho vào miệng. Anh Duy nói: "Tương truyền, ai hứng được những giọt nước này sẽ bình an, vạn sự hanh thông trong năm mới. Tôi cũng mong muốn mình nhận được những điều tốt đẹp ấy nên khi hứng được giọt nước tôi uống luôn. Tuy có hơi mê tín nhưng tôi nghĩ uống nước tự nhiên như thế cũng chẳng làm sao".
Trong khuôn viên chùa Thiên Trù có một bánh xe Kinh Luân (bánh xe cầu nguyện). Trong Phật giáo, đây là loại pháp khí được Phật giáo sử dụng cho việc hành trì, tụng niệm.
Trụ có hình tròn, vỏ bên ngoài chạm khắc thần chú. Bánh xe Kinh Luân được dựng trong chùa như một hình ảnh tượng trưng để các Phật tử có thể quay như một cách tạo công đức vô lượng. Tuy nhiên, nhiều người khi xoay trụ này thì liên tục bàn tán về việc đánh số đề.
"Tối nay đánh số 21. Kiểu gì cũng về", nữ du khách tên Đ. T nói với người bạn đi cùng sau khi quay bánh xe Kinh Luân trước chùa Thiên Trù.
Liên quan đến văn hóa đi lễ chùa, chuyên gia văn hóa Nguyễn Ánh Hồng từng nêu quan điểm, đầu năm đi lễ chùa là phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt.
Đi lễ đầu năm không chỉ thực hành nghi lễ văn hóa, gợi nhắc các giá trị được trao truyền, mà người dân còn cầu mong bình an, sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, nhiều năm trở lại đây, việc đi lễ đầu năm không còn đúng với ý nghĩa ban đầu. Một bộ phận người dân hành xử không đúng chuẩn mực, như rải tiền lẻ, tiền mệnh giá lớn vào các pho tượng, xoa mòn tượng, chen lấn, xô đẩy,… nhằm "lấy phúc, lấy lộc, lấy may mắn".
"Cũng có người cố đặt tiền lẻ vào tay các pho tượng, vì họ cho rằng làm như vậy mới được Đức Phật phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình. Theo tôi, tất cả những hành động trên đều không đúng và không nên", bà Hồng cho hay.
Vị chuyên gia phân tích, người ta thường nói "Tâm xuất Phật chứng", nghĩa là hướng về Phật cốt ở tâm thành, đừng câu nệ lễ vật sang hay hèn. Khi thành tâm, tất cả mong muốn đều đạt được, không cần "xuất vi", chỉ cần "xuất tâm", trong suy nghĩ của chúng ta có tinh thần hướng thiện, thì phúc lộc sẽ đến, Phật sẽ phù hộ.
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng chuông, lư hương, hay tượng Phật... chỉ là các vật thờ mang tính biểu trưng chứ không phải là vật gì linh thiêng mà chạm vào để được phúc, hay chui vào là được giải nghiệp, thoát mọi tội lỗi.
Nhiều người cứ cố tạo ra các "truyền thuyết", tự suy nghĩ ra các cách đi lễ, cúng bái không đúng với tinh thần nhà Phật khiến cửa chùa mất đi sự tôn nghiêm.
Khi đi lễ chùa đầu năm, mọi người nên giữ cái tâm trong sáng, thể hiện sự tôn kính với Phật thánh, ăn mặc trang nghiêm, nói năng hành xử từ tốn. Khi trong tâm ta có lòng thành kính thì Phật chứng giám dù bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào.