Khẩn trương hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, chính sách tiền lương mới
Nhịp sống - Ngày đăng : 17:39, 28/02/2024
Sáng 28/2, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã làm việc với Ban soạn thảo xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm và chính sách tiền lương mới.
Báo cáo một số nhiệm vụ, giải pháp và tiến độ thực hiện, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Trưởng Ban soạn thảo) cho biết về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và cán bộ thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Theo bà Thanh, cơ quan này sẽ tổng hợp và hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt danh mục vị trí việc làm và bản mô tả đối với từng vị trí việc làm tại phiên họp tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
5 cơ quan gồm Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án vị trí việc làm.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án vị trí việc làm sẽ giao các cơ quan phê duyệt danh mục vị trí việc làm và bản mô tả đối với từng vị trí việc làm ở từng cơ quan.
Về đề án tiền lương, Ban soạn thảo chủ trì, phối hợp với TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, các ngành tòa án, viện kiểm sát và Kiểm toán Nhà nước.
Ban soạn thảo cũng chủ trì xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Ban Công tác đại biểu sẽ phối hợp với các cơ quan tiến hành tập huấn thực hiện vị trí việc làm và chính sách tiền lương mới đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp cần thiết.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách, không thể trì hoãn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu cần bảo đảm mô tả cụ thể, chi tiết bản mô tả công việc và khung năng lực theo Nghị quyết của Trung ương và hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Nội vụ.
Ông đề nghị Ban Công tác đại biểu khẩn trương hoàn thiện, gửi xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội về danh mục vị trí, việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và cán bộ thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Quyết tâm hoàn thành việc này trước 5/3", theo yêu cầu của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu làm đầu mối tổng hợp các cơ quan và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3 để xem xét thông qua Nghị quyết.
Về chế độ tiền lương mới, ông Mẫn đề nghị Ban Công tác đại biểu chủ động, phối hợp với các cơ quan TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước để dự kiến phù hợp với vị trí việc làm từng cơ quan khi được phê duyệt.