Tắt sóng 2G: nhiều lợi ích, quyền lợi người dùng được đảm bảo
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 12:51, 28/02/2024
Điều này ảnh hưởng tới khoảng 15 triệu người đang dùng điện thoại “cục gạch” sẽ phải chuyển sang dùng điện thoại thông minh… Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cùng nhà mạng đã chuẩn bị lộ trình tắt sóng các phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu để đảm bảo quyền lợi cho người dùng.
Nhà mạng sẵn sàng cho tắt sóng 2G
Tại Việt Nam, mạng 2G đã được áp dụng từ năm 1993, là một trong những quốc gia “đi tắt đón đầu” trong việc ứng dụng công nghệ mới giữa thời điểm mạng analog vẫn còn phổ biến. Sự thích ứng và liên tục cập nhật các công nghệ mới đã biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển sôi động và mạnh mẽ. Đặc biệt, từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G thành công với một số ít nhà mạng. Đến thời điểm hiện tại, mạng 5G đã được thí điểm ở 55 tỉnh, thành phố.
Đứng trước bối cảnh mới, bài toán về việc tắt sóng 2G để tối ưu việc quy hoạch tần số và tối ưu hạ tầng mạng lưới và tối ưu chi phí cũng được đặt ra, đáp ứng với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, đưa người dân bước lên môi trường số.
Thực hiện kế hoạch đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên cả nước, nhà mạng VNPT cho biết, để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý về việc dừng sóng 2G, VNPT cũng đã sẵn sàng lộ trình triển khai và phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng để áp dụng cho mạng VinaPhone.
Trong 2 năm qua, nhà mạng đã chủ động tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng. Doanh nghiệp đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực và tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G. VNPT đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9/2024 cam kết thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bên cạnh đó, VNPT cũng đẩy mạnh truyền thông chủ trương và lộ trình tắt sóng 2G tới khách hàng. Tại các điểm giao dịch, điểm bán hàng lưu động, thông tin chương trình được phổ biến thông qua các bandroll, áp phích, tờ rơi… Đặc biệt, để hỗ trợ khách hàng nằm trong diện bị ảnh hưởng, VNPT còn giao nhân viên hỗ trợ trực tiếp và triển khai trợ giá thiết bị đầu cuối….
Nhằm đảm bảo dịch vụ và liên lạc thông suốt, VinaPhone khuyến cáo khách hàng kịp thời tra cứu thông tin thiết bị 2G sử dụng và chuyển đổi, nâng cấp sang các máy 3G/4G/5G. Khuyến khích và hỗ trợ khách hàng tối đa khi thực hiện chuyển đổi máy điện thoại 2G, đáp ứng lộ trình tắt sóng 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trước khi có thông báo chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ngăn chặn các máy điện thoại 2G không hợp chuẩn nhập mạng mới, Viettel đã chủ động thông báo đến các khách hàng, khuyến nghị nhanh chóng kiểm tra SIM và điện thoại đang sử dụng có hỗ trợ 4G hay không để thực hiện chuyển đổi sớm nhất.
Viettel đã ra mắt nhiều dòng máy feature phone và smartphone 4G giá rẻ đi kèm. Cụ thể, Viettel Telecom sẽ trợ giá tới 50% một số dòng máy 4G giá rẻ có tính năng nghe gọi (chỉ còn từ 290.000 đồng/máy). Đối với khách hàng chuyển đổi lên 4G thành công và sử dụng điện thoại smartphone sẽ được tặng data tốc độ cao và miễn phí data khi xem ứng dụng.
Để chuẩn bị cho kế hoạch tắt sóng 2G, Viettel đã tiên phong phủ sóng 4G rộng khắp đến tất cả những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi đồng thời thử nghiệm phát sóng 5G ở nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước, đảm bảo người dân không bị gián đoạn liên lạc khi chính thức dừng công nghệ 2G.
Chặn máy 2G không hợp chuẩn từ 1/3/2024
Ngày 23/2/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ra thông báo yêu cầu kể từ ngày 1/3/2024, doanh nghiệp di động không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc Danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) công bố. Người dùng có thể tra cứu các dòng máy này tại link https://tqc.gov.vn/2g-only.
Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm truyền thông rộng rãi việc triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn kết nối vào mạng viễn thông di động này tới khách hàng của mình; đồng thời, công bố các thông tin đầu mối giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Trong thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, người dân có thắc mắc và khiếu nại về máy điện thoại 2G không được kết nối mạng cần gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn.
Đây được coi là động thái mới nhất hiện thực hóa các chủ trương, định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số đã được ban hành trong thời gian qua.
Tắt sóng 2G, đưa người dân lên môi trường số
Việc tắt hoàn toàn sóng 2G nhằm mục tiêu tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển.
Một trong những lợi ích của tắt sóng 2G là thúc đẩy 100% người dân Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Khi đó, người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ số đa dạng, đồng thời kiến tạo nên môi trường số chất lượng cao cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc chuyển dịch lên 4G cũng giúp người dùng có thể truy cập Internet tốc độ cao, thuận tiện sử dụng các dịch vụ trực tuyến tiện ích trong giáo dục, y tế, thanh toán, giải trí…
Cho đến hiện tại, các nhà mạng lớn đã tiến hành tắt sóng 2G và 3G ở những khu vực có nhu cầu thấp, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho lộ trình này.
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho rằng, tắt sóng 2G là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với xu thế và nhu cầu của khách hàng, xã hội trong giai đoạn hiện nay. “Đây là bước ngoặt quan trọng trong phát triển hạ tầng viễn thông tại Việt Nam cũng như là chìa khóa mở ra cuộc sống số, tương lai số với nhiều tiện ích, cơ hội mới cho người dân”, ông Tính nhấn mạnh.
Tắt sóng 2G để phát triển mạng di động Việt Nam thế hệ mới, đáp ứng chuyển đổi số
2G (còn viết là 2-G) là tên viết tắt của công nghệ mạng di động viễn thông (hay có thể gọi là công nghệ mạng không dây tế bào - wireless cellular technology) thế hệ thứ hai. Mạng 2G được triển khai thương mại dựa trên chuẩn tiêu chuẩn GSM ở Phần Lan bởi nhà mạng Radiolinja (hiện là một phần của công ty viễn thông Elisa Oyj) vào năm 1991.
Các công nghệ 2G cho phép các nhà mạng khác nhau cung cấp các dịch vụ như tin nhắn văn bản, tin nhắn hình ảnh và MMS (tin nhắn đa phương tiện). Tất cả các tin nhắn văn bản được gửi trên 2G đều được mã hóa bằng tín hiệu kỹ thuật số (digital), cho phép truyền dữ liệu theo cách mà chỉ người nhận như dự định mới được nhận và đọc tin nhắn.
Với công nghệ 2G, tín hiệu kỹ thuật số truyền nhận tạo ra nguồn năng lượng sóng nhẹ hơn và sử dụng các chip thu phát nhỏ hơn, tiết kiệm diện tích bên trong thiết bị hơn, giúp cho các nhà phát triển có thể tạo ra những thiết bị di động nhỏ hơn, nhẹ hơn, nhiều công nghệ hơn so với trước đó.
Tại thời điểm triển khai mạng 2G tại Việt Nam năm 1993, 95 - 97% mạng viễn thông thế giới vẫn là analog và các hãng vẫn tiếp tục sản xuất các thiết bị này. Việc “đi tắt đón đầu” đã tạo ra không ít khó khăn đối với ngành bưu chính viễn thông Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cũng chính nhờ lựa chọn này, cùng với quyết tâm khắc phục, vượt qua khó khăn của Chính phủ và các doanh nghiệp (DN) đã tạo ra những bước nhảy vọt đối với sự phát triển của ngành viễn thông Việt, từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân dùng mạng di động lớn nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu của thời đại, quá trình hội nhập kinh tế thế giới, những thành tựu của khoa học công nghệ đã lần lượt phát triển các công nghệ mạng di động mạnh mẽ hơn, tối ưu hơn, đem đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, đặc biệt là hỗ trợ mạng Internet thông suốt trên các thiết bị thông minh.
Không chỉ áp dụng các thành tựu công nghệ của thế giới trong việc áp dụng sóng 3G, 4G, Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên tiên phong nghiên cứu, áp dụng thành công mạng 5G trên thế giới. Đây cũng là những mạng di động đang được người dân sử dụng phổ biến hiện nay, đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện tại tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực của nền kinh tế xã hội. Việc sử dụng những thiết bị 2G đời cũ đã không còn có thể đáp ứng được yêu cầu biến mỗi người dân trở thành những “công dân số” trong thời đại số hóa toàn cầu hiện nay.
Tắt sóng 2G, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ smartphone
Theo kế hoạch, đến tháng 9/2024, không còn thuê bao thuần 2G (2G Only) trên mạng di động Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT thông tin, lộ trình dừng công nghệ 2G đang được các doanh nghiệp (DN) viễn thông xây dựng, triển khai trên cơ sở định hướng về dừng công nghệ cũ. Theo đó, dự kiến đến tháng 9/2024, không còn thuê bao 2G Only trên mạng di động. Từ 9/2024 đến 9/2026, hệ thống 2G được duy trì cho cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin cho các thuê bao sử dụng máy 3G, 4G Non-VoLTE.
Đặc biệt, ông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh: “Các nguồn lực xã hội hỗ trợ chuyển đổi smartphone sẽ được huy động, ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo: thông qua các tổ chức, DN, các hội, hiệp hội. Các hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ smartphone thông qua Quỹ dịch vụ VTCI Việt Nam”.
Thế giới cũng dần dần tắt sóng 2G, 3G
Theo khảo sát mới đây trên diễn đàn Reddit về việc tắt sóng 2G, trên thế giới có 105 quốc gia đang có kế hoạch sẽ tắt sóng 2G thời gian tới, 129 quốc gia chưa triển khai, 102 quốc gia đã thực hiện thành công và đang đẩy mạnh các mạng di động khác.
Năm 2010, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên đặt dấu chấm hết cho mạng 2G. Tiếp đó, năm 2011, nhà mạng KT Corp của Hàn Quốc cũng tắt sóng 2G và SK Telecom thì mới áp dụng từ tháng 7/2023.
Tại Mỹ, nhà mạng AT&T đã ngừng dịch vụ trên mạng 2G năm 2017, trong khi Verizon đóng cửa mạng 2G vào khoảng năm 2020. T-Mobile cho biết sẽ tắt mạng 2G GSM vào ngày 2/4/2024….
Ba nhà mạng lớn nhất Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom cũng đang trong quá trình tắt sóng mạng 2G, 3G và chuyển đổi khách hàng sang mạng 4G hoặc 5G.
Theo các nghiên cứu từ các công ty, nhà mạng trên thế giới, mạng 2G có thủ tục đăng nhập và kết nối đơn giản nên đã được xem là "lỗi thời" và chứa nhiều lỗ hổng vì vậy tội phạm mạng có thể lợi dụng để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo… đến thiết bị người dùng qua sóng mạng 2G với các trạm BTS giả mạo gây ra không ít thiệt hại đối với người dùng.
Bên cạnh đó, về mặt phát triển công nghệ mạng, việc duy trì sóng 2G đang chiếm "chỗ" băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển sóng mạng 5G, 6G… Vì vậy, yêu cầu tắt sóng mạng 2G ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo quyền lợi cho cả người dân lẫn DN.