Starlink phải 'liên doanh' để mang Internet vệ tinh đến Việt Nam?
Cuộc sống số - Ngày đăng : 14:07, 27/02/2024
Nếu muốn cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh xuyên biên giới, doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải thực hiện thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp trong nước.
Đây là một trong các quy định về kinh doanh, cấp phép dịch vụ viễn thông, nằm trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông (Nghị định), đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến nhân dân.
Theo đó, việc cung cấp dịch vụ viễn thông (không bao gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet) qua biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.
Đối tác Việt Nam kể trên phải là doanh nghiệp đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông và được phép thiết lập cổng quốc tế, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Cung cấp dịch vụ viễn thông được hiểu là việc sử dụng thiết bị, thiết lập hệ thống thiết bị viễn thông tại Việt Nam để thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình khởi phát, xử lý, chuyển tiếp, định tuyến, kết cuối thông tin cho người sử dụng.
Hoạt động này được thực hiện thông qua việc giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông nhằm mục đích sinh lợi.
Chiếu theo quy định này, có thể thấy, các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh xuyên biên giới như trường hợp của Starlink sẽ là một trong các đối tượng chịu tác động của Nghị định.
Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ, doanh nghiệp tham gia thỏa thuận thương mại với tổ chức nước ngoài để cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải có phương án kỹ thuật bảo đảm an ninh thông tin.
Đơn vị này phải thực hiện việc ngăn chặn khẩn cấp, ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh, Bộ TT&TT yêu cầu phải có phương án để tất cả lưu lượng do các thiết bị đầu cuối thuê bao vệ tinh tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam đều phải đi qua trạm cổng mặt đất (Trạm Gateway). Trạm này đặt trên lãnh thổ Việt Nam và kết nối với mạng viễn thông công cộng.
Trong trường hợp cung cấp dịch vụ cho khu phát triển phần mềm, khu công nghệ cao theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tổ chức nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh cho đơn vị được phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại khu vực này.
Tổ chức nước ngoài khi đó phải đảm bảo việc phối hợp trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Với đơn vị được phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại khu phát triển phần mềm, khu công nghệ cao sử dụng dịch vụ viễn thông vệ tinh của tổ chức nước ngoài, họ có trách nhiệm quản lý, bảo đảm việc sử dụng dịch vụ viễn thông vệ tinh chỉ trong phạm vi, đối tượng thuộc khu vực đó.
Internet vệ tinh hiện là vấn đề mới và là chủ đề đang được bàn luận nhiều trên thế giới. Dự thảo Nghị định trên được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý để các dịch vụ mới, trong đó có Internet vệ tinh triển khai hợp pháp tại Việt Nam.
Trước đó, đại diện SpaceX - công ty mẹ của dịch vụ Internet vệ tinh Starlink từng cho biết, đơn vị này đang tìm kiếm cơ hội và mong đợi sẽ được đồng hành cùng thị trường Việt Nam.
Khi được đặt câu hỏi về kế hoạch triển khai dịch vụ Starlink ở Việt Nam, đại diện SpaceX cho hay: “SpaceX là doanh nghiệp toàn cầu. Khi triển khai dịch vụ ở bất cứ đâu, chúng tôi sẽ tuân theo pháp luật của quốc gia đó. Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội và mong đợi sẽ được đồng hành cùng thị trường Việt Nam”.
Dịch vụ Internet vệ tinh của Elon Musk hiện đã phổ biến và đi vào hoạt động ở một số quốc gia như Mỹ, Canada, Mexico, Brazil, Anh, Australia và hầu hết các nước EU. Ở châu Á, SpaceX mới cung cấp dịch vụ Starlink ở Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia, Maldives.