Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán: NĐT kêu ‘thiệt hại’ có được bồi thường?

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 08:33, 27/02/2024

Bộ Công an cho biết, 685 nhà đầu tư chứng khoán có đơn đề nghị bồi thường thiệt hại đối với 6 mã chứng khoán nhóm FLC trong vụ Trịnh Văn Quyết. Vậy ai sẽ là người được bồi thường?

685 nhà đầu tư yêu cầu bồi thường

Theo kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết có đơn của 685 nhà đầu tư (NĐT) tố cáo hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” của ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, đồng thời đề nghị bồi thường thiệt hại đối với 6 mã chứng khoán nhóm FLC.

Về số đơn thư này, trong kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã phân loại giải quyết theo quy định.

Theo đó, đối với các nhà đầu tư mua cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC, Cơ quan điều tra cho rằng, không có căn cứ để xem xét giải quyết do không đủ căn cứ xác định thiệt hại của các nhà đầu tư do hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán" của Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây ra, theo kết luận giám định ngày 23/10/2023 của Bộ Tài chính.

Đối với các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros, Cơ quan điều tra cho biết đã phân loại, ghi lời khai, xác định bị hại kết luận trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Với 126 đơn của các cá nhân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân CTCP Tập đoàn FLC và CTCP FLC Quy Nhơn Golf & Resort; Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC... Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phân loại, chuyển Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra các địa phương để giải quyết theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, 44 đơn của 33 cá nhân ký Hợp đồng đặt mua trái phiếu của CTCP Tập đoàn FLC phát hành tháng 12/2021, với giá 10.000 đồng/trái phiếu, lãi suất 12%/năm, cơ quan điều tra cho rằng, đây là vụ việc tranh chấp dân sự, các bên đang thỏa thuận giải quyết chưa thống nhất, nếu các bên thỏa thuận không thống nhất thì khởi kiện ra tòa để được giải quyết theo quy định.

trinhvanquyet1.jpg
Nhiều nhà đầu tư tố cáo hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” của ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm. Ảnh: HH

ROS - cổ phiếu lạ thường nhất TTCK

ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros được xem là một cổ phiếu "lạ thường" nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đây là yếu tố giúp ông Trịnh Văn Quyết vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017 chớp nhoáng, vượt tỷ phú Phạm Nhật Vượng, trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán nếu tính tài sản dựa trên số lượng và giá các cổ phiếu mà ông Quyết nắm giữ khi đó.

Trong vài năm xuất hiện trên sàn, cổ phiếu này đã khuynh đảo TTCK khi lọt vào rổ VN30 (30 cổ phiếu trụ cột trên TTCK) và sau đó ghi nhận chuỗi ngày tăng “bất tận”, qua đó giúp cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết có khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ngay từ khi được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 1/9/2016, cổ phiếu ROS đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Với giá tham chiếu là 10.500 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hoá ở thời điểm đó là hơn 4.500 tỷ đồng, cổ phiếu ROS đã liên tục tăng rất nhanh.

Sau khi lên sàn, từ khoảng tháng 10/2016, giới đầu tư trên TTCK ghi nhận lượng giao dịch tăng đột biến đối với cổ phiếu ROS với 50-70 triệu đơn vị được chuyển nhượng/phiên. Giá cổ phiếu ROS tăng điên cuồng và đạt mức 100.000 đồng/cp chỉ vài tháng sau khi lên sàn, tức gấp gần 10 lần so với mức giá chào sàn trước đó hơn 1 tháng.

Với tỷ lệ nắm giữ lớn, vào khoảng giữa tháng 11/2016, ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ vượt ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup và trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Khi đó, khối tài sản của ông Quyết đạt khoảng gần 33.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào gần 290 triệu cổ phiếu ROS.

Với mức giá 115.000 đồng/cp, ông Quyết khi ấy có khối tài sản khoảng 32.900 tỷ đồng (khoảng 1,47 tỷ USD). Trong khi đó, tài sản của ông Vượng ở mức 32.300 tỷ đồng (khoảng 1,44 tỷ đồng). Bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết cũng lọt top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Sự điên cuồng nhất của cổ phiếu ROS là trong khoảng thời gian từ cuối tháng 9/2017 đến đầu tháng 11/2017. Giới đầu tư ngỡ ngàng khi cổ phiếu của một công ty xây dựng không mấy tên tuổi đã liên tục tăng gấp 10 rồi tăng thêm hơn gấp đôi lên mức gần 215.000 đồng/cp vào đầu tháng 11/2017.

Mặc dù cổ phiếu ROS tiếp tục tăng giá lên đỉnh cao mới trong năm 2017 và qua đó giúp tài sản của ông Quyết có lúc lên trên 50.000 tỷ đồng, nhưng ông Quyết không còn giữ được vị trí số 1 do ông Phạm Nhật Vượng ghi nhận gia tăng số lượng cổ phiếu Vingroup (VIC) nắm giữ.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình tăng tài sản, ông Quyết cũng không được Tạp chí danh tiếng Forbes công nhận là tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam.

Theo kết quả điều tra, trong giai đoạn từ tháng 4/2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng Faros (ROS), sau đó chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên TTCK.

Cổ phiếu ROS lao dốc, bị hủy niêm yết

Từ đầu năm 2018, cổ phiếu FLC Faros bắt đầu giảm giá mạnh sau khi doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với kết quả năm 2017.

Chỉ trong vòng 1 năm kể từ đỉnh cao hồi tháng 11/2017, cổ phiếu này giảm khoảng 5 lần. Tới cuối năm 2020, ROS về gần ngưỡng 2.000 đồng/cp (giá điều chỉnh).

Tuy nhiên, ROS vẫn được xem là một cổ phiếu “có lái”, biến động rất mạnh, không theo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và khiến nhiều người thắng hoặc thua lỗ nặng.

Tới đầu 2022, cổ phiếu ROS lại leo lên trên ngưỡng 15.000 đồng/cp, trước khi về mức 2.500 đồng/cp ở thời điểm trước khi bị hủy niêm yết vào ngày 5/9/2022.

Về tính thanh khoản, cổ phiếu này cũng ghi nhận những diễn biến lạ thường. Có những khoảng thời gian như gần cuối 2019, giao dịch ROS lên tới cả nghìn tỷ đồng nhưng có khoảng thời gian sau đó dòng tiền mất hút, thanh khoản nhỏ giọt.

ROS được biết đến là nhà thầu xây dựng cho phần lớn dự án nghỉ dưỡng, bất động sản của Tập đoàn FLC và doanh nghiệp này có những năm ghi nhận lợi nhuận khá cao. Dù vậy, doanh nghiệp này chưa năm nào trả cổ tức bằng tiền mặt.

Faros tiền thân CTCP Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, ROS có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng và niêm yết 430 triệu cổ phiếu lên Sở GDCK TPHCM (HOSE) vào tháng 9/2016.

Hậu hủy niêm yết, 568 triệu cổ phiếu ROS của FLC Faros cũng chưa được giao dịch trên Upcom như các cổ phiếu bị hủy niêm yết khác do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phải xem xét hồ sơ sau khi có kết luận của cơ quan chức năng. Nhiều nhà đầu tư chưa thể “thoát hàng” khi "ôm bom" cổ phiếu ROS.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng nhận được đơn của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) tố giác một số cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng NCB có hành vi cấu kết với các đối tượng liên quan, ký hợp đồng cho CTCP Xây dựng Faros được cấp hạn mức tín dụng 650 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 31/5/2023 là 243 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 70 triệu cổ phiếu BAV, trị giá 700 tỷ đồng tại CTCP Hàng không Tre Việt; Công ty TNHH MTV FLC Land được cấp hạn mức tín dụng 300 tỷ đồng, dư nợ đến 31/5/2023 là 285 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 51,5 triệu cổ phần BAV, trị giá 515 tỷ đồng và 3 bất động sản tại Dự án FLC Hạ Long, trị giá hơn 48,4 tỷ đồng. Đến hạn tất toán, khách hàng không phối hợp làm việc, trả nợ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, đã tiến hành xác minh, xác định: các khoản vay nêu trên có tài sản đảm bảo, giá trị tài sản đảm bảo đủ để thu hồi nợ, chưa xác định được hậu quả thiệt hại. Do đó, chưa có căn cứ để giải quyết trong vụ này.