Những hạn chế về lợi ích sức khỏe của đường nâu
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 07:39, 27/02/2024
Bác sĩ Veena V cho biết, đường nâu cũng chứa nhiều calo, giống như đường tinh luyện và cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Thực tế vẫn có nhiều chất thay thế đường nâu lành mạnh hơn và ít béo hơn.
Theo bà Veena V, đường nâu cũng giống như bất kỳ loại đường nào khác, có thể không tốt cho sức khỏe nếu tiêu thụ quá mức. Dưới đây là một số lý do tại sao nó có thể được coi là không lành mạnh:
Đường nâu chứa nhiều calo
Đường nâu chứa nhiều calo và cung cấp lượng calo rỗng với ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng. Đường nâu có hàm lượng calo chỉ thấp hơn đường trắng một chút. Ví dụ, một thìa cà phê đường trắng có 16,3 calo thì một thìa đường nâu sẽ là khoảng 15 calo.
Có thể làm tăng lượng đường trong máu
Đường nâu là nguồn cung cấp carbohydrate, có thể gây tăng đột biến lượng đường trong máu khi tiêu thụ với số lượng lớn. Điều này có thể không có lợi đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Đường nâu có thể góp phần gây sâu răng
Giống như các loại đường khác, đường nâu có thể gây sâu răng khi tiêu thụ thường xuyên. Vi khuẩn trong miệng kết hợp với đường sẽ tạo ra axit có thể ăn mòn men răng và dẫn đến sâu răng.
Có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính
Tiêu thụ quá nhiều đường, bao gồm cả đường nâu, có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, tiểu đường type 2 và một số loại ung thư khác.
Chất thay thế đường nâu
Bác sĩ Veena V thông tin, ngoài đường nâu, vẫn còn một số chất khác có lợi cho sức khỏe hơn như đường dừa (đường được làm từ nhựa cây dừa) hoặc mật ong.
Trong đường dừa có chứa một lượng nhỏ chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, canxi và kali, cũng như các chất chống oxy hóa. Nó có chỉ số đường huyết thấp hơn so với đường nâu, nghĩa là nó có thể ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hơn.
Còn trong mật ong có chất làm ngọt tự nhiên. Nó cũng có một lượng nhỏ vitamin, chất chống oxy hóa và khoáng chất. Mặc dù nó vẫn là một dạng đường và nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải, nhưng nó có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe tốt hơn so với đường nâu.